Covid-19 và cúm mùa: Hệ thống y tế Mỹ bên bờ vực sụp đổ

01/07/2020 19:44 PM | Xã hội

Đại dịch Covid-19 và cúm mùa có thể nhanh chóng khiến hệ thống y tế của Mỹ hoàn toàn quá tải.

“Chúng tôi đang bị đánh bại hoàn toàn”

6 tháng là khoảng thời gian mà một loại virus nhỏ bé khiến hơn 10,6 triệu người trên thế giới, trong đó có hơn 2,7 triệu người Mỹ mắc bệnh.

Đây cũng là khoảng thời gian đủ lâu để một số quốc gia làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 chẳng hạn như câu chuyện thành công của New Zealand.

Covid-19 và cúm mùa: Hệ thống y tế Mỹ bên bờ vực sụp đổ - Ảnh 1.
Phòng chăm sóc tích cực ở Bệnh viện Cộng đồng Martin Luther King Jr. tại hạt Los Angeles, California ngày 8/5/2020. Ảnh: Getty

Ngày 29/6, Tổ chức Y tế đánh dấu 6 tháng kể từ khi các ca mắc bệnh viêm phổi lạ ở Trung Quốc được ghi nhận, đồng thời đưa ra cảnh báo, đại dịch đang "thực sự tăng tốc".

"Tất cả chúng ta đều muốn điều này trôi qua. Tất cả chúng ta đều muốn tiếp tục sống. Nhưng thực tế khắc nghiệt là: Đại dịch này thậm chí còn chưa cả đến gần thời điểm kết thúc", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định.

Sự gia tăng mạnh mẽ các ca mắc mới ở Mỹ, đặc biệt là tại các bang ở phía Nam và phía Tây là thực tế mà nhiều nhân viên chăm sóc y tế phải đối mặt với sự mệt mỏi và ngao ngán khi nửa đầu năm 2020 trôi qua. Các bác sĩ và chuyên gia y tế đều ngần ngại khi được hỏi liệu họ có hy vọng nước Mỹ sẽ vượt qua đại dịch Covid-19 trong 6 tháng tới hay không.

"Tôi cảm thấy tuyệt vọng và mất niềm tin. Khi bạn so sánh số ca mắc của chúng tôi với gần như bất kỳ quốc gia công nghiệp nào, chúng tôi đang bị đánh bại hoàn toàn", bác sĩ Michael Saag, trưởng khoa y tế toàn cầu thuộc Đại học Alabama ở Birmingham nhận định.

Bất chấp hàng tháng phong tỏa một phần tại Mỹ, các nhà quan sát vẫn cho rằng Mỹ đã không coi trọng mối nguy hiểm của đại dịch Covid-19.

"Họ nghĩ rằng sau lệnh "ở yên tại nhà" thì mọi chuyện sẽ ổn và quay lại trạng thái bình thường. Mọi người không có trách nhiệm cá nhân và cũng không tự bảo vệ bản thân trong cuộc sống hàng ngày", bác sĩ Colleen Kraft, một quan chức y tế tại Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta cho hay.

Đối diện với mùa thu phía trước, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng mối lo ngại về đợt cúm mùa 2020 - 2021. Theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC), 62.000 người Mỹ đã qua đời liên quan đến cúm mùa trong khoảng thời gian 2019 - 2020. Hơn 700.000 người Mỹ được đưa vào viện với các triệu chứng cúm trong thời gian đó.

Trong khi đó các chuyên gia vẫn chưa rõ liệu virus gây dịch bệnh Covid-19 và virus cúm mùa có liên quan đến nhau như thế nào.

"Nếu bạn mắc cúm và một vài ngày sau mắc Covid-19, liệu bạn có được bảo vệ khỏi triệu chứng tồi tệ nhất của Covid-19 hay không, hay là điều ngược lại sẽ xảy ra?", bác sĩ Gregory Poland, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, hiện là giám đốc Nhóm Nghiên cứu Vaccine Bệnh viện Mayo ở Rochester, Minnesota đặt câu hỏi.

Các chuyên gia cũng đánh giá rằng hệ thống y tế Mỹ chưa được chuẩn bị để đối mặt cùng lúc với Covid-19 và cúm mùa.

Học giả cấp cao Crystal Watson thuộc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins thì cho rằng: "Chúng tôi biết rằng cúm mùa sẽ đến và điều đó buộc hệ thống bệnh viện của chúng tôi vận hành ở mức độ vô cùng bận rộn. Chúng tôi sẽ rất căng thẳng nếu phải cùng lúc đối phó với Covid-19 và cúm mùa".

Các loại vaccine ngừa cúm, mặc dù chỉ có hiệu quả chưa tới 50% nhưng được khuyến khích tiêm phòng mạnh mẽ vào mùa thu này để giảm sức ép lên các hệ thống y tế.

Làn sóng dịch bệnh thứ hai

Khi các bệnh viện ở những bang như Arizona, California và Texas nỗ lực để kiềm chế sự lây lan của Covid-19, các bệnh viện ở đông bắc cũng chuẩn bị cho những điều sẽ diễn ra tiếp theo.

Cơ sở y tế Northwell Health của New York đã điều trị cho 17.000 ca mắc Covid-19 trong mùa xuân. Hiện nay, hệ thống này đang chuẩn bị để đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ 2 bằng cách đảm bảo đủ máy trợ thở, thuốc men và nhân viên.

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, hy vọng là chúng tôi đã sai", bác sĩ Mangala Narasimhan, giám đốc đơn vị chăm sóc tích cực ở Northwell Health cho hay.

"Chứng kiến mọi thứ đang xảy ra ở Florida và Arizona cũng như thực tế là New York sẽ đón các chuyến bay từ các nơi, mọi thứ ở đây sẽ trở nên tồi tệ hơn".

Tất cả các chuyên gia đều nhất trí rằng thế giới cần tập trung đối phó với một kẻ thù chung, đó là virus SARS-CoV-2.

"Đây không là một đảng chống lại đảng khác hay một quốc gia chống lại quốc gia khác. Đây là cuộc chiến của con người chống lại virus", Tom Frieden, cựu giám đốc CDC khẳng định./.

Kiều Anh

Cùng chuyên mục
XEM