COVID-19: Giáo sư Australia khen ngợi VN đạt được "thành tựu rất đáng nể", chính phủ VN "rất sáng tạo"

13/05/2020 15:01 PM | Xã hội

Báo Australia nhận định thành công của Việt Nam là "trường hợp ngoại lệ", khi tình hình dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn đang có những diễn biến phức tạp.

Không có ca tử vong nào do COVID-19. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, đây là thành tựu mà chính phủ các quốc gia như Mỹ và Italy chỉ có thể mơ ước; nhưng Việt Nam đã làm được điều đó - hãng tin ABC News (Australia) bình luận trong bài viết được đăng tải ngày hôm nay (13/5).

Sau đây là nội dung lược dịch của bài viết trên.


"Thành tựu rất đáng nể"

Khi số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại Singapore giàu có, và tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số quốc gia khác trong cùng khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam có thể coi là một trường hợp ngoại lệ.

Việt Nam có đường biên giới chung dài hơn 1.400 km với Trung Quốc - nơi đại dịch COVID-19 khởi phát - cùng với đó là hơn 90 triệu dân, và GDP bình quân trên đầu người ít hơn Australia 22 lần.

Mặc dù vậy, việc Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì con số 0 ca tử vong vẫn là điều đáng ghen tị đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tính đến ngày hôm qua (12/5), Việt Nam đã ghi nhận thêm 8 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi, nâng tổng số ca bệnh đã hồi phục và xuất viện lên 249 người. Trong khi đó, nước này chỉ ghi nhận tổng cộng 288 ca nhiễm bệnh.

Trái lại, Malaysia có đến 6.276 ca nhiễm. Singapore - quốc đảo có diện tích nhỏ hơn và dân số cũng ít hơn so với Việt Nam - đã xác nhận gần 24.000 ca nhiễm.

"Australia luôn tập trung vào hình mẫu của Singapore, nhưng Singapore hiện đã 'vỡ trận'", Giáo sư Mike Toole, một chuyên gia về dịch bệnh tại Viện nghiên cứu Burnet, Melbourne, nói với ABC.

"Tình hình tại Việt Nam không giống như vậy. Tôi tin rằng Việt Nam đã đạt được thành tựu rất đáng nể", Giáo sư Toole bình luận.

Nhiều chuyên gia đã đánh giá cao sự minh bạch của Việt Nam trong việc công bố các số liệu và thông đến COVID-19. "Nhận thức được về tình hình dịch bệnh và nguồn lực y tế có hạn ngay từ thời điểm khởi phát, chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng để kiểm soát dịch bệnh".

"[Chính quyền địa phương] đã công bố thông tin về các triệu chứng bệnh, và hướng dẫn người dân tới các cơ sở xét nghiệm", Giáo sư Toole cho biết.

Hành động nhanh chóng và quyết đoán

Điểm mấu chốt tạo nên thành công của Việt Nam là việc sàng lọc và xét nghiệm có chiến lược, truy dấu triệt để những ca nghi nhiễm, tiếp xúc gần với bệnh nhân và các chiến lược truyền thông hiệu quả.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng.

Tiến sĩ Huong Le Thu, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia, cho biết: "Ngay từ đầu, Việt Nam đã nhận thức được tầm nghiêm trọng của [virus corona chủng mới và dịch bệnh], rằng đây là loại virus có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai. Và không chỉ người nhiễm bệnh, tất cả những người xung quanh họ đều có nguy cơ bị lây nhiễm".

Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 22/1. Ngay sau đó, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo Quốc giao về Phòng chống dịch COVID-19.

"Việt Nam đã tiến hành đợt diễn tập đánh giá rủi ro đầu tiên từ đầu tháng 1 - không lâu sau khi Trung Quốc công bố dịch bệnh", ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với AAP.

Theo lời Giáo sư Toole, "Việt Nam đã hành động nhanh chóng hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoài lãnh thổ Trung Quốc trên thế giới".

 COVID-19: Giáo sư Australia khen ngợi VN đạt được thành tựu rất đáng nể, chính phủ VN rất sáng tạo - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: AP/Hau Dinh

Từ ngày 1/2, hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines - đã tuyên bố ngừng khai thác và tiếp nhận các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Tới ngày 21/3, chính phủ Việt Nam đã quyết định ngừng khai thác và tiếp nhận mọi chuyến bay quốc tế.

"Việt Nam đã thu được rất nhiều bài học từ đại dịch SARS năm 2003, và chính phủ Việt Nam đã khéo léo vận dụng những kinh nghiệm này và đưa ra những quyết định phù hợp", bà Sharon Kane, Giám đốc chi nhánh của Tổ chức phi chính phủ Plan International tại Việt Nam, nhận định.

Những du khách và người Việt Nam hồi hương đều được yêu cầu cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh tại các cơ sở do chính quyền địa phương bố trí.

Việt Nam cũng tiến hành cách ly tất cả các đối tượng nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với bệnh nhân COVID-10 - con số lên đến hàng chục ngàn người.

Vào đầu tháng 3 vừa qua, các nhà khoa học Việt Nam đã phát triển được một số bộ xét nghiệm chi phí thấp.

"Vào thời điểm đó, nước Mỹ thậm chí còn chưa có bộ xét nghiệm hiệu quả", theo Giáo sư Toole. "Trong khi Việt Nam đã có 3 bộ xét nghiệm hiệu quả".

Theo cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, "Việt Nam đã lựa chọn chiến lược 'chi phí thấp', đó là xét nghiệm theo cụm cách ly, thay vì cách xét nghiệm đại trà trên quy mô lớn và tốn kém hơn. Nhiều trường hợp được xét nghiệm là những người thuộc diện có nguy cơ cao phơi nhiễm virus corona, ví dụ như các tiểu thương, người buôn bán ở các khu chợ của Hà Nội".

Tính đến cuối tháng 4, Việt Nam đã tiến hành hơn 260.000 xét nghiệm - tương đương 2.691 xét nghiệm/1 triệu dân.

"Ở nhà là yêu nước"

Thông qua các kênh truyền thông, báo chí, chính phủ Việt Nam cũng đã vận động người dân thực hiện các thói quen phòng chống dịch như sử dụng nước rửa tay thường xuyên, cùng với đó là lệnh bắt buộc đeo khẩu trang được áp dụng kể từ ngày 16/3.

Những khẩu hiệu bắt tai cũng đã được truyền bá rộng rãi như "Ở nhà là yêu nước" hay "Chống dịch như chống giặc".


"Chính phủ Việt Nam rất sáng tạo", Giáo sư Toole bình luận. Vị giáo sư này cũng đánh giá cao việc tuyên truyền thông qua tin nhắn của Việt Nam.

Nhờ những nỗ lực chung của chính phủ và toàn dân, Việt Nam đã có thể mở cửa nền kinh tế và các trường học trở lại.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn kêu gọi người dân hết sức cảnh giác khi cả nước trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới.Phát biểu tại cuộc họp nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình dịch COVID-19 và các biện pháp mới, Thủ tướng nhấn mạnh:

"Chúng ta đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch COVID-19, dần trở lại công việc bình thường trong trạng thái mới. 100% số tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại ổn định. Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác bởi nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài còn lớn".

Theo Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM