Covid-19 đang "hoành hành" tại TP HCM: Cứ 1 người nhiễm lại lây cho 5 người

02/07/2021 08:57 AM | Xã hội

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trong đợt dịch lần thứ tư tại thành phố, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 lần này có tốc độ lây lan rất kinh khủng.

Biến thể Virus Delta có tỉ lệ lây nhiễm cao, 1 người có thể lây cho 5 người

Nếu trước kia gia đình chỉ 1, 2 thành viên có thể nhiễm thì hiện tại nếu 1 thành viên mắc Covid -19 thì cả gia đình đều nhiễm. Ông Hưng cho rằng thời gian tới sẽ có khả năng còn nhiều ca mắc trong cộng đồng.

Bác sĩ Huynh Wynn Trần – Tổ chức y khoa VietMD, Hoa Kỳ cho biết virus SARS-CoV-2 có hàng nghìn biến chủng và càng về sau thì biến thể càng có thể mạnh hơn.

Virus SARS-CoV-2 là họ RNA+, chuỗi di truyền gen đơn không ổn định, nên sau mỗi vài triệu lần nhân bản thì rủi ro có thay đổi trong gen dễ xảy ra. Như sự phát triển tiến hóa sinh học, chỉ những thay đổi gen giúp virus tồn tại mới có thể cơ hội nhân bản ra nhiều hơn. Vì vậy, virus càng tồn tại lâu thì càng sẽ có nhiều biến thể.

Biến thể Delta (B.1.617.2) dễ lây nhiễm hơn các biến thể trước. Không riêng gì tại Việt Nam mà Delta trở thành biến thể đáng gờm trên toàn thế giới.

Một trong những quan ngại lớn nhất về biến thể này là khả năng lây nhiễm bệnh hơn hẳn các biến thể trước. Công bố từ Úc cho thấy chỉ số lây nhiễm R0 của biến thể Delta là 5, so với 2-2.5 biến thể gốc từ Trung Quốc.

 Covid-19 đang hoành hành tại TP HCM: Cứ 1 người nhiễm lại lây cho 5 người - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM chờ xét nghiệm.

Chỉ số lây nhiễm R0 (R naught) là chỉ số bên ngành dịch tễ học, chỉ số này chỉ ra một người bị nhiễm có thể lây cho bao nhiêu người khác. Chỉ số 5 biến thể Delta được nói ở đây gợi ý rằng, hễ có 1 người bị nhiễm có thể lây cho 5 người khác, gấp đôi so với các biến thể ban đầu.

Tại Anh Quốc, ước tính 99% gen của virus SARS-CoV-2 hiện nay là Delta và đã tăng đến 79% so với những tuần trước.

Biến thể Delta có tăng độc lực hay không, bác sĩ Huynh Wynn khẳng định hiện nay chưa có bằng chứng người nhiễm biến thể Delta bệnh nặng hơn hay dễ tử vong hơn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu từ Scotland đăng trên tạp chí Lancet mới đây chỉ ra biến thể Delta có thể khiến bệnh nhân dễ nhập viện hơn so với các biến thể trước, tăng thêm khoảng 85% rủi ro nhập viện.

Tăng khả năng nhập viện có thể dẫn tới tăng rủi ro tử vong với các bệnh nhân có bệnh lý nền như tiểu đường hay béo phì. Tuy nhiên, cũng nghiên cứu từ Scotland không chỉ ra biến thể Delta có mạnh hơn hay không.

Để chống lại biến thể Delta hiện chủ yếu vẫn dựa vào vắc xin

Đến nay, các nghiên cứu từ Anh đăng trên BMJ cho thấy vắc xin vẫn hiệu quả với biến thể Delta, ước tính trên 90%.

Cụ thể, có khoảng 806 bệnh nhân đã nhập viện sau khi nhiễm biến thể Delta. Trong số này, đa số là chưa chích vắc xin đầy đủ. Chỉ cố 86/804 (khoảng 10%) nhập viện là đã chích vắc xin 2 liều. Khoảng 90% bệnh nhân nhập viện với Covid-19 là chưa chích vắc xin đầy đủ.

Tại Hoa Kỳ, thống kê từ Los Angeles chỉ ra rằng, có 99.6% trong số 437,000 bệnh nhân tại Los Angeles nhập viện vì Covid-19 là không chích vắc xin. Trong số 12,234 ca tử vong vì Covid-19 từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021, có đến 99.8% là không chích vắc xin.

Chính vì vậy, BS Huynh Wynn khẳng định tiêm vắc xin là cách hữu hiệu nhất để giảm biến thể Delta phát triển. Biến thể Delta có thể là biến thể chính trong vài tháng tới trên toàn thế giới nếu chúng ta không chích vắc xin đầy đủ.

Hiện, vắc xin của Pfizer hiệu quả 93% với biến thể ban đầu Alpha, giảm xuống còn 88% so với biến thể Delta. Vắc xin Moderna cũng công bố vắc xin hiệu quả với biến thể Delta khi các bệnh nhân có kháng thể đặc hiệu trung hòa với tất cả biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể Delta.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM