COVID-19 chưa qua, các nhà khoa học đã dự đoán nơi đại dịch tiếp theo có thể xuất hiện

07/06/2021 16:30 PM | Khoa học

Có một công thức toán học cho đại dịch và các nhà khoa học đang cố gắng giải nó.

Đại dịch COVID-19 đã cho thế giới một bài học: Đó là chúng ta cần dự đoán và chuẩn bị trước cho những đại dịch có thể xảy ra. Sẽ không có tình trạng thiếu khẩu trang, thiết bị bảo hộ, thiếu kit xét nghiệm hay không có vắc-xin để chích ngừa nếu nhân loại được chuẩn bị tốt.

Nhưng kịch bản hoàn hảo nhất là gì? Vẫn là chúng ta nên ngăn chặn được dịch bệnh mới xảy ra thì hơn. Muốn làm vậy, các nhà khoa học đang xây dựng một bản đồ giám sát các điểm nóng có nguy cơ bùng nổ đại dịch mới. Và nó chỉ ra Trung Quốc tiếp tục đang trở thành một cái nôi cho mầm bệnh phát triển.

COVID-19 chưa qua, các nhà khoa học đã dự đoán nơi đại dịch tiếp theo có thể xuất hiện - Ảnh 1.

Phá rừng + Đô thị hóa + Chăn nuôi công nghiệp = Đại dịch

Nghiên cứu thống kê cho thấy hơn 75% tất cả các dịch bệnh và đại dịch bệnh trên toàn cầu, từ HIV, Ebola cho đến Nipah đều bắt nguồn từ động vật. Xu hướng này thậm chí đang tiếp tục gia tăng bởi chính những hoạt động của con người.

Theo một báo cáo của Tổ chức Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES), tình trạng phá rừng và hủy hoại môi trường sống của động vật hoang dã đang trực tiếp khiến cho mầm bệnh nhảy từ động vật sang người nhiều hơn.

Trong số các dịch bệnh bùng phát kể từ năm 1960, một phần ba đã xảy ra ở những khu vực mà mục đích sử dụng đất ở đó bị chuyển đổi. Thay đổi tình trạng sử dụng đất tạo ra nhiều cơ hội hơn cho động vật hoang dã tiếp xúc với con người.

Ví dụ, chia nhỏ rừng sẽ làm tăng diện tích bìa rừng - nơi rừng tiếp giáp với các khu sinh sống của con người. Nó đẩy các loài động vật hoang dã vào các khu vực đô thị, mang theo mầm bệnh di trú. "Bìa rừng nhiệt đới chính là bệ phóng chính cho các chủng virus mới lây nhiễm sang loài người", một nghiên cứu trên tạp chí Science cho biết.

Số liệu dự báo khi một phần tư diện tích rừng nguyên sinh trong một khu vực biến mất, nó sẽ dẫn đến những thay đổi mạnh trong hệ sinh thái. Các loài động vật mang mầm bệnh như chuột, dơi và các loài gặm nhấm nhỏ khác sẽ phát triển mạnh hơn.

Chúng cũng tăng tiếp xúc với xã hội loài người khi đổ vào thành phố hoặc khu dân cư để kiếm ăn, trong tình trạng nguồn thức ăn bị cạnh tranh và khu vực sinh sống vốn có của chúng bị thu hẹp.

Ở chiều ngược lại, mật độ dân số dày đặc trong các khu đô thị cũng sẽ gây ra rủi ro bùng nổ một đại dịch khi mầm bệnh mới nhảy sang người. Thông thường, các chủng virus hoặc vi khuẩn sẽ cần một thời gian thích nghi để có thể lây nhiễm từ người này sang người khác. Mật độ dân số cao sẽ thúc đẩy quá trình đó diễn ra nhanh hơn và tạo ra một sự kiện siêu lây nhiễm dễ dàng hơn.

COVID-19 chưa qua, các nhà khoa học đã dự đoán nơi đại dịch tiếp theo có thể xuất hiện - Ảnh 2.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến trong công thức là hoạt động thâm canh, chăn nuôi công nghiệp của con người. Vật nuôi có thể chứa một số mầm bệnh gây ra những vụ bùng phát lớn, chẳng hạn như bệnh cúm H1N1 và virus Nipah trước đây.

Rủi ro thậm chí còn cao hơn trong các trang trại hiện đại. Trong đó, những người nông dân sẽ dồn một số lượng lớn động vật vào những không gian nhỏ. Vật nuôi công nghiệp cũng thường có sức khỏe kém và hệ miễn dịch yếu khi những người chăn nuôi chỉ vỗ béo chúng để lấy trọng lượng thịt.

Khi cả ba yếu tố này hội tụ lại, chúng sẽ tạo nên một công thức hoàn hảo ươm mầm cho dịch bệnh. Vấn đề chỉ còn là thời gian và khi nào thì đại dịch tiếp theo sẽ xuất hiện. Và các nhà khoa học thậm chí còn dự đoán được chúng sẽ xuất hiện ở đâu?

Đại dịch tiếp theo có thể xảy ra ở đâu?

Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Food , các nhà khoa học đã kết hợp dữ liệu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mật độ dân số và quy mô đàn gia súc gia cầm ở Châu Á và Châu Âu để lập ra một bản đồ dự báo các "điểm nóng" nơi đại dịch có thể xuất hiện.

Họ tiếp tục tập trung vào các chủng virus corona có thể nhảy từ dơi sang người, cụ thể là loài dơi móng ngựa đang mang các chủng virus giống tới 97% so với SARS-CoV-2. Dữ liệu phân bố khu vực sinh sống của loài dơi này được phủ lên bản đồ các yếu tố nguy cơ để tìm ra các khu vực nguy hiểm.

David Hayman, một đồng tác giả khác và là giáo sư khoa học thú y tại Đại học Massey ở New Zealand, cho biết: Các chấm màu đỏ sẫm chỉ ra những khu vực có nguy cơ cao. Ngược lại, các chấm màu xanh lam cho thấy những khu vực an toàn hơn ít có khả năng xảy ra dịch bệnh bùng phát.

COVID-19 chưa qua, các nhà khoa học đã dự đoán nơi đại dịch tiếp theo có thể xuất hiện - Ảnh 3.

Theo đó, một khu vực rộng lớn ở miền nam Trung Quốc hiện nay vẫn là điểm mà virus corona có thể nhảy từ dơi sang người. Mặc dù bản thân chúng ta vẫn đang ở trong đại dịch COVID-19, không có điều gì có thể đảm bảo một chủng corona khác đang bắt đầu cú nhảy mới của chúng.

"Các điều kiện dẫn đến một đại dịch vẫn còn đó", Hayman nói. "Điều đó có nghĩa là rất có thể có những vụ bùng phát mới sẽ xuất hiện".

Quan trọng hơn, các nhà khoa học cũng chỉ ra nhiều khu vực chưa phải là điểm nóng, nhưng có thể sớm trở thành khu vực nguy hiểm nếu diện tích rừng ở đây bị thu hẹp. Chúng bao gồm một khu vực phía nam Thượng Hải, Trung Quốc, ngoài ra còn có Nhật Bản và phía bắc Philippines.

Hayman nói: "Đây là những nơi bạn cần thực hiện công việc giám sát dịch bệnh chặt chẽ để kịp thời phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới nếu chúng xuất hiện".

Chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch mới xảy ra bằng cách nào?

Theo các nhà khoa học ước tính, hiện vẫn có gần 1,7 triệu virus chưa được phát hiện ở động vật có vú và chim, một nửa trong số chúng có thể lây nhiễm sang người. "Điều quan trọng nhất là chúng ta biết mình phải làm những gì để giảm xác suất xảy ra của những sự kiện này", Andrew Dobson, giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học Princeton nói.

Dựa theo công thức của các đại dịch, điều đầu tiên vẫn là phải hạn chế nạn phá rừng hoặc chia cắt rừng. Những người sống ở các điểm nóng, ví dụ như ở miền nam Trung Quốc, "nên gây áp lực nhiều hơn lên các chính trị gia để giải quyết vấn đề này", giáo sư Dobson nói.

Theo nghiên cứu của IPBES, chi phí bảo tồn rừng và điều tiết việc buôn bán động vật hoang dã sẽ ít hơn nhiều so với những gì chúng ta phải trả giá nếu để xảy ra một đại dịch. Giảm nạn phá rừng cũng đi kèm với nhiều lợi ích khác: Rừng khỏe mạnh hấp thụ khí CO2, làm sạch không khí và nuôi dưỡng một môi trường đa dạng sinh học.

COVID-19 chưa qua, các nhà khoa học đã dự đoán nơi đại dịch tiếp theo có thể xuất hiện - Ảnh 4.

Trong khi đó, ngành công nghiệp chăn nuôi nếu không thể giảm quy mô thì cũng nên thiết lập các cơ chế tăng cường sức khỏe và phòng bệnh cho vật nuôi. Việc thiết lập một vùng an toàn sinh học cho các trang trại là rất quan trọng. Ít nhất, họ phải đảm bảo các sinh vật hoang dã như dơi hoặc chuột không thể mang virus tới xâm nhập vào trang trại của mình.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết chúng ta còn phải tìm hiểu nhiều về cách thức hình thành của những đại dịch.

"Vấn đề khoa học lớn nhất của thế kỷ này là hiểu cách thức hoạt động của các hệ sinh thái tự nhiên. Chúng ta đã biết cách đưa một tên lửa vào vũ trụ trong nhiều thập kỷ. Nhưng hiểu làm thế nào mà bệnh tật lây lan từ động vật hoang dã sang con người? Chà, đó là một tập hợp các vấn đề toán học khó hơn nhiều", Giáo sư Dobson nói.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM