‘Cột sống bất ổn’ của công nhân kho hàng Amazon: Cứ 4 người có 1 người bị chấn thương nặng, cái giá siêu đắt cho dịch vụ siêu tốc

07/12/2022 14:50 PM | Kinh doanh

Khi Amazon đang thảnh thơi ngồi đếm tiền thì công nhân viên đang cuống cuồng chạy chỉ tiêu.

Trong suốt thập kỷ vừa qua, chỉ riêng tại thành phố Columnbus ở bang Ohio của Mỹ, số lượng nhà kho và trung tâm phân phối được xây lên đã ngốn lấy một diện tích tương đương 1030 sân bóng. Chủ nhân của các nhà kho này không ai khác chính là hãng thương mại điện tử khổng lồ Amazon. 

Cách đây 20 năm, một gói hàng mất 18 giờ đồng hồ để được lưu chuyển qua nhà kho Amazon, nhưng đến năm 2021 thì chỉ mất 2 tiếng. Tất cả cũng là nhờ đội ngũ robot và công nhân bốc xếp hàng triệu gói hàng mỗi ngày. 

Mới nhìn vào thì ai cũng tưởng công việc kiểu này đâu có gì nguy hiểm. Nhưng việc lặp đi lặp lại một thao tác trong thời gian dài sẽ khiến công nhân dễ mắc phải các chấn thương gọi là ‘rối loạn cơ xương’.

Trong năm 2021, mức độ chấn thương nghiêm trọng tại các trung tâm xử lý của Amazon đã tăng gấp đôi so với các nhà kho khác, khiến cho các công việc tại đây thành ra mang tính nguy hiểm nhất trong ngành. 

Tờ Business Insider đã có cơ hội hiếm hoi để xem các video quay bên trong nhà kho ở DuPont, Washington – nơi có tỉ lệ chấn thương cao nhất nước Mỹ của Amazon, đồng thời tiếp xúc với một số công nhân cũ của công ty để hiểu cái giá đắt phải trả cho loại hình dịch vụ siêu tốc của công ty này.

Vội bắt kịp tiến độ, người đau vai, người thoái hóa cột sống

Chỉ trong năm 2020, tại nhà kho DuPont, cứ bốn công nhân thì có một người bị chấn thương nặng.

Chị Takisha Williams là một ví dụ như thế: ‘Tôi chưa bao giờ nghĩ những thao tác như thế lại gây chấn thương được.’ Sở dĩ Takisha chọn làm việc ở Amazon vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị cần kiếm thêm một công việc giờ giấc linh động làm ca đêm để trang trải thêm. Takisha đảm nhận việc xếp hàng, phải leo lên và xuống thang để phân loại bưu kiện đầu vào.

‘Cột sống bất ổn’ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của công nhân kho hàng Amazon - Ảnh 1.

Takisha chỉ cao khoảng 1,5 mét nên phải viện đến thang rất nhiều và điều đó càng gây tốn sức. Được khoảng 5 tháng thì Takisha bắt đầu thấy đau nhức vai. Bác sĩ xác nhận cơn đau này là rối loạn cơ xương do công việc.

Amazon cho biết công ty không yêu cầu công nhân viên phải đạt được một số mục tiêu năng suất nhất định, nhưng phản hồi từ những người như Takisha cho thấy họ vẫn cảm thấy rất áp lực. Họ phải làm việc cuống cuồng nhằm không bị dưới chỉ tiêu nên không có thì giờ để thực hiện động tác một cách an toàn.

Mark Takakura cũng từng làm việc ở DuPont. Anh cho biết công việc là sự kết hợp của tốc độ và sự lặp lại. Đây là nguyên nhân khiến anh bị chấn thương lưng. Anh kể rằng: ‘Một buổi sáng nọ khi ngủ dậy, tôi thấy đau điếng khi vặn mình. Tôi còn không nhấc nổi cái áo lên và mặc vào. Cảm giác rất đáng sợ!’ Cơn đau kéo dài vài tháng và gây ảnh hưởng lên cột sống. 

Mark vốn chuyển nghề từ bác sĩ quân đội sang làm ở Amazon từ năm 2020 vì mức lương và đãi ngộ hấp dẫn. Nhưng sau vào tháng đảm nhiệm công việc ‘water spider’, tức công nhân kéo pallet chất cả trăm kilogram hàng hóa quanh nhà kho để đảm bảo kho luôn có đủ hàng, anh thấy lưng mình bắt đầu có vấn đề. 

Quãng đường một ‘water spider’ phải thực hiện mỗi ngày tương đương với vài vòng sân bóng đá. Trong suốt một năm trời phải thực hiện thao tác xoay-cúi người lặp đi lặp lại, Mark phải đến gặp bác sĩ hàng tuần để theo dõi cơn đau. Hình ảnh X-quang cho thấy anh bị thoái hóa cột sống.

photo-1670336321883

Mark phải đến khám bác sĩ hàng tuần để kiểm soát cơn đau


Trung bình, khả năng xảy ra các chấn thương thế này ở nhà kho Amazon ở bang Washington cao gấp 4 lần các nhà kho khác. Các cơ quan quản lý đã điều tra nhà kho DuPont và thấy rằng Amazon đã không đưa ra đủ biện pháp để giảm thiểu rủi ro lao động, và tỉ lệ chấn thương có mối liên hệ trực tiếp với chỉ tiêu năng suất lao động. Nói cách khác, khi Amazon đang thảnh thơi ngồi đếm tiền thì công nhân viên đang cuống cuồng chạy chỉ tiêu.

‘Đây là mát-xa kiểu người nghèo’

Jonathan Dropkin, chuyên gia công thái học chuyên điều trị cho các công nhân bị rối loạn cơ xương, sau khi xem các video quay ở Amazon đã nhận xét rằng: ‘Đây là những công việc chân tay hết sức khó khăn. Như trong video này, người công nhân đang bị căng cơ quá mức ở tay."

photo-1670336336098

Hình ảnh trích xuất từ video quay trong nhà kho của Amazon


Các cơ quan điều tra ở Washington đã xếp hạng mức độ nguy hiểm của các thao tác trong nhà kho Amazon theo thang điểm 5. Thao tác khiêng thùng hàng từ băng chuyền sang pallet có chỉ số nguy hiểm 3,1/5 điểm, tức mang rủi ro chấn thương lưng rất cao nếu thực hiện sau một thời gian dài.

‘Cột sống bất ổn’ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của công nhân kho hàng Amazon - Ảnh 4.

Thao tác kéo rơ-moóc thế này đứng đầu danh sách nguy hiểm với chỉ số 4,7, tác động nhiều nhất đến cổ, lưng trên và vai đồng thời khiến cột sống phải xoắn vặn quá mức.

‘Cột sống bất ổn’ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của công nhân kho hàng Amazon - Ảnh 5.

Năm 2021, Amazon đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào các sáng kiến an toàn lao động, ví dụ như tổ chức các hoạt động giãn cơ theo nhóm hay xây khu vực thư giãn. Tuy nhiên, Jonathan Dropkin nhận xét rằng: ‘Đây là mát-xa kiểu người nghèo. Nếu cần thì nên thuê chuyên viên mát-xa. Mát-xa thì phải tạo ra sự thư giãn. Tôi biết là nó đắt, nhưng những hoạt động này hoàn toàn vô dụng và trông chẳng có vẻ gì là thư giãn.’

photo-1670336347414

Hoạt động giãn cơ ‘không mấy tốn kém’ theo nhóm ở nhà kho DuPont. Nguồn: Amazon

Với yêu cầu làm việc siêu tốc ở Amazon, cho dù công nhân có di chuyển cơ thể đúng cách thì chấn thương vẫn có thể xảy ra sau nhiều năm.

Khi được hỏi về trường hợp của Mark và Takisha, Amazon nói rằng: ‘Chúng tôi đúng là chưa hoàn hảo. Nhưng những câu chuyện này không đại diện cho số đông gồm hơn 750 nghìn nhân viên Amazon’. Công ty quả quyết rằng mình đang thực hiện nhiều biện pháp để trở thành nơi làm việc an toàn nhất thế giới. Nhưng vào tháng 3 năm 2022, công ty đã bị phạt 6.000 USD vì cố ý vi phạm nguyên tắc an toàn lao động tại một nhà kho khác cũng ở Washington. Nhiều tổ chức công đoàn đã lên tiếng gắt gao trước những bê bối an toàn lao động này.

Tham khảo từ: Business Insider

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM