Công ty phần mềm nuôi mộng vượt FPT: Lãi từ ngày đầu tiên, không có áp lực vốn, đặt mục tiêu IPO vào năm 2028
Giai đoạn 2023-2024, khi nhiều doanh nghiệp lao đao vì khủng hoảng kinh tế, Rikkeisoft vẫn tăng trưởng 40%/năm tại thị trường Nhật. Theo Chủ tịch Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng, mục tiêu lớn của họ là vượt FPT để trở thành công ty số 1 thị trường.
"Lãi từ ngày đầu tiên, chưa bao giờ âm"
“Khác với các startup thông thường, Rikkeisoft đi theo mô hình B2B (kinh doanh giữa các doanh nghiệp) ngay từ đầu, cơ bản là lấy công làm lãi và lãi ngay từ ngày đầu tiên, chưa bao giờ âm. Vì vậy, chúng tôi không bị áp lực gì liên quan đến vấn đề gọi vốn”, ông Tạ Sơn Tùng – Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Rikkeisoft chia sẻ tại sự kiện Scale Up Forum do Endeavor Vietnam tổ chức.
Rikkeisoft là công ty công nghệ Việt Nam được thành lập hồi năm 2012, chuyên về gia công phần mềm. Thị trường chính của Rikkeisoft là quốc tế, chủ yếu tại Nhật Bản – chiếm hơn 70%, sau đó là Mỹ chiếm khoảng 20%. Khoảng 10% còn lại bao gồm Hàn Quốc, Singapore…
Theo chia sẻ của ông Tạ Sơn Tùng, vào giai đoạn Covid-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Nhật được Chính phủ Nhật hỗ trợ tài chính rất nhiều, trong khi tệp khách hàng của Rikkeisoft là những công ty lớn. Thời điểm đó, khách hàng đều cắt giảm chi phí, nên Rikkeisoft chỉ tăng trưởng khoảng 10%/năm.
Tuy nhiên khi Covid-19 kết thúc, các SME tại Nhật lại rất khó khăn, không còn vốn. Những đối thủ cạnh tranh với Rikkeisoft làm việc với các SME phải thu hẹp. Các tập đoàn lớn – khách hàng của Rikkeisoft – lại “lội ngược dòng” và tăng trưởng rất tốt.
Kết quả là giai đoạn 2023-2024, mỗi năm Rikkeisoft tăng trưởng khoảng 40% tại thị trường Nhật. Ông Tùng cho biết đầu năm công ty có khoảng 1.600 nhân sự, bây giờ đã tăng lên 2.200.
Đặt mục tiêu IPO vào năm 2028, vượt qua FPT để dẫn đầu thị trường
Ở thời điểm hiện tại, ông Tùng nhấn mạnh bài toán tài chính trở nên rất quan trọng, không đơn thuần là lấy công làm lãi như ban đầu nữa. Vì vậy, đầu năm 2023, Rikkeisoft đã bổ nhiệm vị trí Giám đốc Tài chính.
“Rikkeisoft đặt mục tiêu IPO ở nước ngoài vào khoảng năm 2028. Qua quá trình tư vấn, tôi xác định sẽ có 2 vòng gọi vốn trước khi IPO. Vì thế, cuối năm ngoái, tôi bắt đầu đưa ra thông điệp là sẵn sàng nhận vốn đầu tư”, ông Tùng cho hay.
Tháng trước, Chủ tịch Rikkeisoft chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng công ty đã chính thức nhận đầu tư và hợp tác chiến lược với Sumitomo - một trong những tập đoàn lớn và lâu đời nhất Nhật Bản. Theo ông, thương vụ có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng, có thể nói là lớn nhất ngành IT Việt Nam trong năm nay, nhưng không tiết lộ con số cụ thể.
Tại sự kiện của Endeavor, ông Tùng cho biết ngay cả khi không nhận được đầu tư đợt này, ông vẫn kỳ vọng Rikkeisoft tăng trưởng 40%/năm. Lý do là thị trường của họ đủ lớn để giữ được mức tăng trưởng như vậy trong một khoảng thời gian.
“Trong thị trường của chúng tôi, FPT Software là công ty lớn nhất, doanh thu đã đạt hơn 1 tỷ USD với hơn 33.000 nhân sự. Chúng tôi mới có 2.200 nhân sự, nên hoàn toàn có thể tăng trưởng tiếp được.
Cách đây hơn 10 năm, việc làm gia công phần mềm đơn giản, về cơ bản đúng là “bảo gì làm nấy”. Khách hàng cũng không yêu cầu mình làm việc quá khó. Nhưng ở thời điểm này, mọi thứ đã tiến hóa rất tốt. Những dự án chúng tôi nhận về có quy mô rất lớn, lên đến hàng triệu USD”, ông Tùng giải thích.
Chủ tịch Rikkeisoft cho biết mục tiêu tiếp theo trong thời gian tới là xây dựng được đội ngũ tư vấn ở thị trường quan trọng nhất là Nhật Bản. Đây sẽ là động lực phát triển để nâng tầm công ty.
“Đối với Rikkeisoft, tôi muốn làm điều gì đó thật lớn. Trước mắt là 5 năm tới mà công ty IPO được và trở thành một kỳ lân, tôi sẽ rất hạnh phúc. Sau kỳ lân sẽ là gì nữa? Có thể là mơ to hơn, và thực sự là do mình muốn làm. Khi không hẳn là làm việc vì tiền nữa thì cái gì là quan trọng nhất đối với các founder?
Với bản thân tôi, tôi muốn sau này Rikkeisoft phải vượt FPT. Nói chung là trở thành số 1, còn ai đứng thứ 2 mình không quan tâm. Tôi cho rằng chỉ khi nào trở thành số 1, mình mới tạo ra được cuộc chơi và để lại dấu ấn, còn về nhì và về cuối cũng tương đương. Hy vọng sớm vượt được FPT”, ông Tùng chia sẻ thẳng thắn.