Công ty này chính là cứu tinh của Apple trong bối cảnh iPhone bị cấm bán tại Trung Quốc

14/12/2018 19:05 PM | Kinh doanh

Gần đây, Qualcomm đã giành chiến thắng trước Apple tại Trung Quốc. Điều này dẫn tới việc một số mẫu iPhone của Apple đã bị cấm bán tại đất nước tỷ dân.

Trước bối cảnh này, trong khi chờ đợi kết quả kháng cáo, Apple đang tìm cách khác nhằm bù đắp lại lệnh cấm bán mà tòa án Trung Quốc đưa ra. Và Pegatron xuất hiện với vai trò cứu tinh của Apple.

Các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Pegatron và Apple với mục tiêu tăng sản lượng các mẫu iPhone mà Pegatron đang lắp ráp. Nếu Pegatron tăng thêm sản lượng các mẫu iPhone cũ, Apple sẽ tránh được thiệt hại hàng tỷ USD.

Tại sao Pegatron lại trở thành cứu tinh của Apple?

Thứ hai đầu tuần này, một tòa án tại Fuzhou, Trung Quốc, đã ra phán quyết rằng Apple vi phạm hai sáng chế phần mềm của Qualcomm. Vì thế, "Táo khuyết" sẽ phải ngừng nhập khẩu và bán một số mẫu iPhone nhất định như dòng iPhone 6 và iPhone X ra mắt năm ngoái tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, các mẫu iPhone được lắp ráp bởi Pegatron lại không bị cấm. Pegatron cùng với Foxconn và Wistron là ba đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple.

Các nguồn tin nắm rõ vấn đề này cho biết rằng Pegatron đã thay mặt Apple trả phí bản quyền cho hai sáng chế kể trên. Chính vì thế, trong khi các mẫu iPhone lắp ráp bởi Foxconn và Wistron bị cấm thì của Pegatron lại được lưu hành thoải mái.

Apple hiện đang tiến hành đàm phán với Pegatron để thuyết phục hãng này tăng sản lượng iPhone nhằm bù đắp lại tác động của lệnh cấm. Tuy nhiên, chưa có bất cứ quyết định nào được đưa ra.

Phương án B của Apple?

Bên cạnh đàm phán với Pegatron, Apple còn cho biết họ có thể cập nhật phần mềm nhằm giải quyết mọi lo ngại có thể xảy ra liên quan tới tranh chấp với Qualcomm. Tuy nhiên, chưa rõ điều này có được tòa án Trung Quốc chấp nhận hay không.

Phán quyết của tòa án Trung Quốc là động thái mới nhất trong tranh chấp kéo dài dẫn tới hàng chục vụ kiện trên toàn thế giới giữa Apple và Qualcomm. Phía Apple cũng đang kiện Qualcomm vì hành vi cấp phép bản quyền không công bằng cũng như sẽ kháng cáo bản án tại Trung Quốc.

Mới dây, Qualcomm tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công của mình bằng cách đề nghị tòa án Trung Quốc yêu cầu Apple ngừng bán iPhone XS, XS Max và XR tại Trung Quốc. Nhiều nguồn tin cho rằng iPhone XS, XS Max và XR cũng không bị ảnh hưởng nếu lệnh cấm mới được đưa ra.

Pegatron sẽ giúp Apple giảm thiệt hại hàng tỷ USD

Phán quyết này được đưa ra trong thời điểm Apple đang gặp khó khăn, doanh số iPhone mới cũng đang sụt giảm trên toàn cầu. Apple cũng đang gặp khó tại Trung Quốc trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những đối thủ trong nước, đặc biệt là Huawei. Hồi đầu năm nay, Huawei đã vượt qua Apple để trở thành hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới.

Công ty này chính là cứu tinh của Apple trong bối cảnh iPhone bị cấm bán tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Trong năm tài chính 2018, Trung Quốc đóng góp 20% vào tổng doanh thu 166,69 tỷ USD của Apple. Cho tới thời điểm này của năm, khoảng 6% tổng doanh thu iPhone tới từ doanh số các mẫu iPhone cũ như iPhone 6s và iPhone X tại Trung Quốc.

Dự kiến, lệnh cấm bán iPhone sẽ khiến Apple thiệt hại khoảng 5 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu các mẫu iPhone của Pegatron không bị cấm, thiệt hại giảm xuống một nửa, chỉ còn 2,5 tỷ USD. Nếu Pegatron tăng cường dây chuyền sản xuất, thiệt hại sẽ còn giảm đi nhiều hơn nữa.

Thắng lớn nhờ tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ

Qualcomm cũng đã xác nhận rằng Pegatron không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. "Pegatron có giấy phép cho cả hai bằng sáng chế mà tòa án Trung Quốc cho rằng Apple đã vi phạm", Qualcomm tuyên bố. "Hãng sản xuất iPad Compal Eletronics cũng có giấy phép cho 1 trong 2 sáng chế nhưng hãng này không sản xuất iPhone".

Chủ tịch Pegatron Tung Tzu-hsien nói rằng không thể xác nhận công ty của ông có được miễn án hay không nếu chỉ dựa vào phán quyết của tòa.

"Tuy nhiên, nếu thực sự không bị ảnh hưởng bởi phán quyết thì nó thể hiện rằng chúng tôi tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và chúng tôi bảo vệ các bằng sáng chế", ông Tung nói với các phóng viên.

Phía Apple không đưa ra bất cứ bình luận nào.

Theo Chíp

Từ khóa:  công ty
Cùng chuyên mục
XEM