Công ty bán thịt lợn sạch của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lần đầu tiên ghi nhận mức lỗ theo quý lên tới 211 tỷ đồng

30/07/2022 08:35 AM | Kinh doanh

Giải trình về biến động lợi nhuận, Masan MEATLife cho biết doanh thu thuần và lợi nhuận gộp giảm chủ yếu do từ cuối năm 2021 tập đoàn này không còn mảng thức ăn chăn nuôi.

Công ty cổ phần Masan MEATLife vừa công bố báo cáo kinh doanh hợp nhất quý 2 năm 2022. Doanh thu thuần trong quý vừa qua của Masan MEATLife chỉ đạt gần 1010 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế 6 tháng công ty con chuyên về mảng thịt của tập đoàn Masan chỉ thu về 1.941 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 81% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Đặc biệt đây là quý đầu tiên đơn vị này ghi nhận mức lỗ ròng 211 tỷ đồng trong lịch sử. Điều này khiến lãi ròng 6 tháng đầu năm 2022 của công ty này chỉ đạt vỏn vẹn hơn 33 tỷ đồng, giảm 88,5% so với con số 288 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

(Bài sx) Công ty bán thịt lợn sạch của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lần đầu tiên ghi nhận mức lỗ ròng theo quý tới 211 tỷ đồng  - Ảnh 1.

Giải trình về biến động lợi nhuận, Masan MEATLife cho biết doanh thu thuần và lợi nhuận gộp giảm chủ yếu do từ cuối năm 2021 tập đoàn này không còn mảng thức ăn chăn nuôi.

Xem xét lại doanh thu thuần quý 2 năm 2021 có thể thấy tầm quan trọng trong mảng thức ăn chăn nuôi đối với doanh thu thuần của Masan MEATLife. Theo đó công ty này đạt mức đỉnh doanh thu thuần khi cán mốc 5.528 tỷ đồng, tăng trưởng 1.723 tỷ đồng, tương đương 45% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó ngành thức ăn chăn nuôi tăng trưởng 1.377 tỷ đồng, chiếm gần 80%. Ngành thịt và chăn nuôi đóng góp thêm 136 tỷ đồng, tương đương khoảng 8%.

Ngoài việc không còn doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi, quý 2 và nửa đầu năm 2022 Masan MEATLife cũng chịu tác động chung của gia tăng chi phí sản xuất toàn ngành.

Cụ thể báo cáo cập nhật ngành chăn nuôi mới đây của SSI Research cũng đã đề cập đến vấn đề này. Giá heo hơi đã giảm 25% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022 và bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều, tuy nhiên không đáng kể mặc dù các trường học, nhà máy, nhà hàng và các hoạt động du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn.

Trong khi đó giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành tăng lần lượt 26%, 18% và 25% so với đầu năm. Chi phí thức ăn đã tăng 20% so với đầu năm, không chỉ ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng đến các trang trại thương mại vì thức ăn chiếm 75% tổng chi phí chăn nuôi.

Quý 2 năm 2022 giá vốn hàng bán của Masan MEATLife ở mức 875 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên nếu xét về tỷ lệ so với doanh thu thuần thì con số chi phí này đã chiếm tới 95% trong khi quý 2 năm 2021 ở mức 88%.

Điểm lại lịch sử có thể thấy mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife khá thành công. Cuối năm 2012, tập đoàn Masan thành lập Masan Agri để mua 40% cổ phần của Công ty Cổ phần Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco). Đến cuối năm 2014, Masan tuyên bố đã thoái toàn bộ vốn khỏi Masan Agri, không còn lợi ích tại Proconco.

Đến tháng 4/2015, tập đoàn này lại công bố đã mua 52% và 70% cổ phần của Proconco và Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), bằng việc mua 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Tập đoàn sau đó đã đổi tên Sam Kim thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science. Động thái này giúp Masan có trong tay một nền tảng lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi. Từ năm 2015, Masan bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị tích hợp hoàn chỉnh từ thức ăn chăn nuôi cho đến thịt có thương hiệu thông qua Masan MEATLife.

Đến năm 2020, Masan MEATLife có doanh thu thức ăn chăn nuôi đạt 13.746 tỷ đồng. Có cùng quy mô với doanh nghiệp nội này là Japfa Comfeed Việt Nam 13.800 tỷ đồng, De Heus gần 12.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp giữ vị trí số 1 ngành thức ăn chăn nuôi là CP Việt Nam đạt doanh thu hơn 21.100 tỷ đồng. Cargill Việt Nam giữ vị trí số 2 với con số gần 17.200 tỷ đồng. CJ Vina Agri doanh thu hơn 15.900 tỷ đồng.

Đến tháng 12 năm 2021 Masan MEATLife chính thức chuyển toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi cho Công ty TNHH De Heus (De Hues Việt Nam) để dồn toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực đạm động vật, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tập trung vào thịt có thương hiệu.

Báo cáo thường niên năm 2021 cho biết năm 2022, Masan MEATLife đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trong khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng, tăng 11% - 45% so với mức 4.500 tỷ đồng năm 2020 (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi) nhờ mở rộng danh mục thịt heo và thịt gà có thương hiệu, gia tăng khả năng phân phối. Tuy nhiên lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Masan MEATLife mới đạt gần 1.949 tỷ đồng.

Mộc An

Cùng chuyên mục
XEM