Viber không bán cho Viettel

13/02/2014 07:30 AM | Công nghệ

Sau nhiều thông tin ứng dụng nhắn tin di động Viber đang được một công ty châu Á chào giá mua lại từ 300 - 400 triệu USD, CEO Viber Talmon Marco đã có thông điệp trả lời chính thức.

Trước đó, Báo in Israel Calcalist đăng tải thông tin Viber đã có cuộc thương thảo với một công ty châu Á về mức giá mua lại công ty từ 300 đến 400 triệu USD, nhưng không cho biết rõ tên công ty. Cùng thời điểm, một số trang web công nghệ tại Việt Nam sôi nổi với thông tin không chính thức Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đang đàm phán mua lại Viber nhằm tạo cú hích trên thị trường ứng dụng OTT.

Giám đốc điều hành (CEO) Viber Talmon Marco đã bác bỏ thông tin đàm phán thương vụ bán công ty khi trả lời phỏng vấn với Reuters: "Tôi không biết gì về việc này".

Viber vận hành tại Cyprus dưới sự quản lý của doanh nhân người Israel Talmon Marco. Đây là một trong những ứng dụng nhắn tin di động dạng OTT (Over-the-Top) hàng đầu thế giới hiện nay với số lượng người sử dụng hơn 200 triệu tại 193 quốc gia, trong đó, có khoảng 63 triệu người dùng tại châu Á.

Cuối năm 2013, Viber phát hành dịch vụ ViberOut, cho phép người dùng gọi thoại đến các số di động những người không dùng ứng dụng Viber và số điện thoại cố định, tương tự Skype Out, nhưng với mức phí rẻ hơn. Tháng 11-2013, Viber phát hành Sticker Market, một thế mạnh của LINE và KakaoTalk trước nay, cho phép người dùng chèn các ảnh động vui nhộn theo nhiều chủ đề trong tin nhắn. Viber cũng đã có phiên bản cho Windows 8 và Windows Phone 8.

Ngoài Viber, thị trường ứng dụng nhắn tin OTT tại châu Á hiện rất sôi động với các tên tuổi như WeChat của Trung Quốc, LINE đến từ xứ hoa Anh đào và "vị kim chi" Hàn Quốc từ KakaoTalk. Cả ba đều có số người dùng vượt hơn trăm triệu. Tại Việt Nam, Zalo là sản phẩm hiện thu hút đông đảo người dùng trong nước và cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Ứng dụng nhắn tin di động dạng OTT tiếp tục là nguyên nhân gây thất thu lớn cho các nhà mạng khi người dùng không còn ưa chuộng tin nhắn SMS dạng ký tự thô hay MMS với những giới hạn, thay bằng những tin nhắn qua ứng dụng dạng OTT có thể kèm hình ảnh, bài nhạc hay lời nhắn thoại kèm theo tin nhắn, và quan trọng hơn hết là sử dụng miễn phí không giới hạn khi dùng Internet với kết nối Wi-Fi.

Những chuyển đổi gần đây lên môi trường thoại như gọi thoại có phí sẽ càng gây ảnh hưởng nặng nề hơn lên các nhà mạng viễn thông.


Theo Thanh Trực

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM