Trung Quốc: Sản xuất 1 chiếc smartphone mất 20 USD, mở công ty cần 1.000 USD

15/07/2015 09:10 AM | Công nghệ

Zuoer là một trong hàng tá những công ty ít tiếng tăm tại Trung Quốc đang khai thác vào danh mục các thành phần tiêu chuẩn hoá để xây dựng nên một chiếc điện thoại thông minh với giá chỉ 20 USD mỗi chiếc.

Bước qua cánh cổng kim loại, đến bậc lên xuống với hàng đống những chiếc hộp bày la liệt, tiến vào thang máy và bạn sẽ lên đến văn phòng làm việc của một trong những đối thủ mới nhất của Samsung Electronic.

Trong một văn phòng nhỏ tại Thẩm Quyến – đông nam Trung Quốc, Cathy Chang đang giúp các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới tạo ra thương hiệu điện thoại thông minh của riêng mình. Bạn sẽ được chọn lựa từ “thực đơn” giống như thực đơn gọi pizza vậy. Những khách hàng của Zuoer Technology có thể tham gia vào lĩnh vực kinh doanh thiết bị cầm tay với số vốn chỉ 1.000 USD mà không cần kinh nghiệm.

Mở công ty điện thoại thông minh với 1.000 USD

Zuoer là một trong hàng tá những công ty ít tiếng tăm tại Trung Quốc đang khai thác vào danh mục các thành phần tiêu chuẩn hoá để xây dựng nên một chiếc điện thoại thông minh với giá chỉ 20 USD mỗi chiếc. Với đơn hàng tối thiểu 50 chiếc, Zuoer tự lắp ráp phần vỏ nhựa phía ngoài, còn màn hình LCD, pin và bản mạch là từ những nhà sản xuất khác. Zuoer giúp bất kỳ khách hàng nào, tại bất kỳ đâu dám thách đố với Samsung trong thị trường điện thoại di động trị giá 410 tỷ USD trong vòng ít hơn 6 tháng.

“Sự nổi lên của những nhà sản xuất điện thoại giá rẻ đang ăn mòn thị phần của Samsung”, John Butler – biên tập viên của tờ Bloomberg nhận định. “Đây là các ‘chiến binh’ mới có kích thước khá nhỏ so với những gã khổng lồ như Samsung nhưng ảnh hưởng của toàn bộ số này gộp lại đủ trở thành gánh nặng cho Samsung và nhiều nhà sản xuất lớn khác”.

Nhờ hệ điều hành miễn phí Android của Google và thế hệ chip chuẩn hóa dựa trên công nghệ phát triển của ARM Holdings, các công ty như Zuoer, Shenzhen Oysin Digital Technology và Oteda của Trung Quốc có thể tạo ra một chiếc smartphone mà không cần đến hệ thống kỹ sư phần cứng và phần mềm giỏi – những yếu tố mà Nokia, Motorola hay BlackBerry bị phụ thuộc rất nhiều từ một thập kỷ trước.

Nhờ vào công nghệ màn hình chạm, phổ biến trên iPhone của Apple, họ có thể tránh được khâu thiết kế bàn phím vật lý phức tạp và đắt đỏ.

Sự đơn giản và mở cửa các tiêu chuẩn hóa này đã tạo ra vô số đối thủ cạnh tranh cho Samsung, Nokia và Motorola. Trong số họ, Xiaomi trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới trong vòng ít hơn 5 năm và OnePlus hiện đã có mặt tại 35 quốc gia khác nhau trong vòng chỉ 2 năm đầu hoạt động.

“Sản phẩm của họ rẻ hơn và nhanh hơn bởi chuỗi cung ứng đã hình thành và chuẩn hóa”, Mosetefa Zhang – chủ tịch mảng bán hàng toàn cầu của Oysin nói.

Giá rẻ là yếu tố then chốt

Trong trường hợp này, giá đóng vai trò khác biệt quan trọng nhất. Con đường để đơn giản và mở cửa các tiêu chuẩn hóa kể trên bắt đầu từ khoảng 1 thập kỷ trước khi MediaTek - một công ty sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan thống trị trong mảng kinh doanh chip DVD đã gia nhập vào thị trường sản xuất linh kiện điện thoại. Thay vì bán những loại chip trên mọi hình thức như Qualcomm, MediaTek cung cấp đủ các linh kiện để lắp ráp vào một chiếc điện thoại thông minh. Qualcomm sau đó cũng đi theo hình thức này.

Cùng thời điểm khi MediaTek tạo ra mô hình kinh doanh chip mới, Google mua lại một công ty ít tên tuổi là Android để phát triển một hệ điều hành linh động hơn.

Với 2 yếu tố quan trọng đó, nhóm nhân viên của các công ty nhỏ này có thể làm việc như một phòng nghiên cứu khổng lồ và việc tạo ra một công ty điện thoại di động dễ như xây dựng một ngôi nhà lego vậy.

“Bạn không cần làm việc, chúng tôi có những nhà thiết kế và kỹ sư chuyên nghiệp”, Betty Zhao - giám đốc kinh doanh UTOP Communication Technology nói. Khoảng 100.000 chiếc được làm ra mỗi tháng trong khi công ty chỉ có khoảng 2 kỹ sư phần mềm.

Chính những chiếc điện thoại thông minh giá 20 USD này đã tạo ra rào cản lớn cho nhiều công ty tên tuổi trên thị trường. Lợi nhuận sẽ bị chia cho nhiều công ty hơn, khiến tổng thị phần của 5 nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới giảm xuống dưới 50% trong năm 2014 lần đầu tiên trong vòng 5 năm.

Với riêng Samsung, công ty vẫn giữ vị trí nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới đã chứng kiến doanh số bán hàng và lợi nhuận hoạt động mảng cầm tay giảm mạnh. Để đối phó với tình trạng này, họ tính đến việc phụ thuộc vào những bộ phận khác, tự phát triển chip của riêng mình từ đó giúp mảng kinh doanh chip tăng trưởng 50% trong quý đầu tiên.

Trong khi đó, phía Samsung vẫn khẳng định rằng: “Với vô số chọn lựa đa dạng và khả năng cung cấp nhanh chóng một lượng lớn những thiết bị cao cấp mới với tính năng dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, chúng tôi sẽ duy trì và mở rộng vị thế của mình”.

Điện thoại thông minh hiện ngày càng phổ biến với mức giá trung bình cho một thiết bị thế hệ mới giảm 30% trong 5 năm qua. Điều này đã giúp smartphone trở thành sản phẩm trong-tầm-với của hơn 2 tỷ người tiêu dùng trên khắp Trung Quốc, Ấn Độ và một số thị trường mới nổi khác.

Bản thân các công ty khởi nghiệp như Xiaomi và Oneplus cũng tiếp cận đến khách hàng theo một phương thức hoàn toàn mới thông qua các kênh quảng bá trực tuyến. Chính điều này cũng tạo điều kiện cho những hãng mới nổi có thể tập trung nhiều nguồn lực hơn vào các hoạt động nghiên cứu thị trường, thiết kế logo.

“Chúng tôi có thể giúp khách hàng trong việc tiếp thị và xúc tiến sản phẩm. Thậm chí, chúng tôi có thể chỉ ra cho khách hàng đầu là những tính năng đang phổ biến trên thị trường”, Stacy - nhân viên kinh doanh tại Oteda nói.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM