Thung lũng Silicon đang bị “mất điểm” trong mắt giới khởi nghiệp?

30/09/2015 11:49 AM | Công nghệ

Chi phí quá cao ở West Coast (nơi có thung lũng Silicon) đang khiến cho giới công nghệ chọn những trung tâm mới nổi khác vì khởi nghiệp ở các nơi đó không đòi hỏi phải có nhiều tiền lắm.

Michael Hollman cho biết anh có lời mời làm việc cho Amazon và cũng mới phỏng vấn xong ở Google nhưng có lẽ anh sẽ từ chối cả hai để làm việc ở Lincoln, Nebraska vì Hudl, một startup chuyên cung cấp các bài tập bằng video cho các huấn luyện viên và vận động viên, đang dành cho chàng thực tập sinh Hollman một cơ hội trở thành “người hùng” ở quê nhà Nebraska.

Hudl cũng có phúc lợi dành cho nhân viên như vé chơi thể thao miễn phí (gồm cả trợ cấp đi lại), được ăn trưa miễn phí và một chính sách “đi nghỉ không giới hạn”. “So với Seattle, ở đây cực rẻ. Tôi nghĩ có làm việc tại Amazon thì chắc cũng tương tự như tại Hudl thôi,” Hollman nói.

Chi phí quá cao ở West Coast (nơi có thung lũng Silicon) đang khiến cho giới công nghệ chọn những trung tâm mới nổi khác vì khởi nghiệp ở các nơi đó không đòi hỏi phải có nhiều tiền lắm. Hàng loạt startup giờ đây đang đổ về những địa điểm mới như Provo, Utah, Chattanooga, Tennessee, và “Silicon Prairie” của khu vực Midwest.

Các nhân viên của Hudl ở Lincoln hiện có thu nhập trung bình 67.000 USD/năm, cao hơn mức trung bình của người dân ở thành phố này khoảng 60%. Theo công ty nghiên cứu Dice, lương trung bình của dân công nghệ tại Seattle năm ngoái là 99.423 USD, nhưng giá nhà trung bình ở Seattle là 385.300 USD, còn ở Lincoln là 158.700 USD.

Bùng nổ công nghệ đang bắt đầu làm thay đổi diện mạo thủ phủ của Nebraska. Khu phố trung tâm giờ đây có thêm 3 nhà hàng sushi, 1 nơi bán cocktail và hàng chục startup trong các nhà kho từng bị bỏ hoang. Nhân viên mới ồ ạt đến khiến giá nhà bị đẩy lên hơn gần 14% so với năm 2012 và giá thuê căn hộ cũng tăng đến 38%

Dù San Francisco và Seattle vẫn đang ở vị trí dẫn đầu và vẫn là những nơi làm việc hết sức lý tưởng nhưng các công ty đang ngày càng chuyển hoạt động của họ đến những nơi rẻ hơn và dễ giữ chân các tài năng của mình hơn. Theo số liệu thống kê của văn phòng lao động Mỹ, các bang có tốc độ tăng trưởng nhanh về số lượng việc làm ở lĩnh vực công nghệ trong nửa đầu năm nay là Minnesota, Utah, Nebraska và Michigan. New York chỉ xếp thứ 7 và California xếp đến thứ 10.

Steve Case, đồng sáng lập của AOL, giờ đây là CEO của Revolution, một công ty đầu tư mạo hiểm, cho biết công ty ông đang lên kế hoạch đầu tư gần 1 tỉ USD vào những startup bên ngoài thung lũng Silicon, và trong hành trình “Rise of the Rest” (Sự nổi dậy của những khu vực còn lại), ông sẽ dừng chân tại các thành phố Buffalo, New York, Manchester, New Hampshire, Portland, Maine, Baltimore và Philadelphia. “Những nơi mà một số người ở West Coast “chê” sẽ trở thành tâm điểm của làn sóng sáng tạo sắp tới,” Case nói trong một cuộc phỏng vấn.

David Chait, 30 tuổi, nhà sáng lập của Travefy, cũng đã chuyển từ Manhattan tới Lincoln để kiếm nơi ở cho gia đình và tạo dựng công ty. Giờ đây, Chait sống trong một căn nhà phố rộng 1700 foot vuông cùng vợ và con gái mà chỉ tốn có 1.500 USD/tháng, phân nửa mức anh phải trả cho một căn hộ nhỏ ở New York trước đây.

Ajay Agrawal, một giáo sư chuyên về vấn đề khởi nghiệp tại đại học Toronto, nói rằng chỉ có thời gian mới cho biết được cuộc bùng nổ các trung tâm khởi nghiệp mới là thực sự không, hay chỉ là một giai đoạn thoáng qua nhờ vào những biện pháp trợ cấp phát triển kinh tế của địa phương đó.

Hudl, với 360 nhân viên và nhiều văn phòng ở Boston và 14 quốc gia, hiện có kế hoạch xây trụ sở chính 7 tầng trị giá 32 triệu USD ở Lincoln, trong đó 6,6 triệu USD là từ nguồn trợ cấp thuế của thành phố này. Đây cũng là một phần trong dự án tái phát triển khu nhà kho Haymarket của thành phố, nhằm thu hút nhiều startup khác nhờ vào sự thành công của Hudl.

“Để trở thành “ông lớn” ở California, bạn phải đạt đến tầm cỡ như Airbnb hay Uber. Ở đây, một công ty chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển cũng có thể được xem là lớn và có thể thu hút được nhiều tài nguyên từ thành phố này,” John Wirtz, 33 tuổi, người cũng có một startup chung với hai người bạn thời đại học tại Nebraska, chia sẻ.

Cách Haymarket vài tòa nhà là Bulu Box, một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ bổ trợ sức khỏe cũng mới chuyển từ San Francisco đến hồi đầu năm 2013. “Giờ đây, bạn không cần phải ở trong một thành phố lớn. Bạn chỉ cần phải ở một địa điểm trung tâm và có một đường truyền Internet tốc độ nhanh là được,”  Paul Jarrett, đồng sáng lập của Bulu Box, nói.

Trong số 30 sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và trị máy tính tại trường Jeffrey S. Raikes, trực thuộc đại học Nebraska, năm nay, có phân nửa là chọn ở lại Nebraska. Còn anh chàng thực tập sinh Hollman trên tại Hudl cho biết mình vẫn đang chờ Google trả lời kết quả trước khi quyết định đi hay ở.

“Dù ở mức nào thì lương của một kĩ sư phần mềm cũng sẽ đủ để sống ở bất kì nơi đâu. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ bạn muốn sống trong một căn hộ nhỏ với những thứ thiết yếu hay sống trong một ngôi nhà thoải mái với một chiếc tivi lớn và rượu ngon thôi,” Hollman nói.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM