Thất bại vì chia rẽ, ngành viễn thông châu Âu tính chuyện 'góp gạo thổi cơm chung'
Nội dung nổi bật:
- Giá cước viễn thông tại nhiều nước trong EU đang có sự chênh lệch quá lớn. Ủy ban châu Âu đang lên lế hoạch thống nhất thị trường viễn thông trong toàn khu vực.
- Thị trường viễn thông bị chia nhỏ khiến mức độ tăng trưởng các nhà mạng châu Âu thấp hơn nhiều so với các nhà mạng của Mỹ hay châu Á.
Chệnh lệch 8 lần, chuyện thật như đùa
Nếu phải nêu một thất bại cho sự liên kết thiếu thống nhất của 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), thì chắc chắn thị trường viễn thông là bằng chứng “đắt giá” nhất.
Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC), chệnh lệch cước phí cuộc gọi giữa nới cao nhất (Hà Lan) và thấp nhất (Litva) trong khối 27 quốc gia hiện tại thuộc EU đã lên tới gần 8 lần.
Dĩ nhiên, trong khối thị trường chung, sự chệnh lệch như vậy là điều không thể chấp nhận được.
Cuối cùng sau nhiều ngày chờ đợi, bản đề án về thị trường thống nhất cho các dịch vụ viễn thông đã được Ủy ban Châu Âu đưa ra vào cuối tuần trước. Theo đó, một mức giá trần sẽ được áp dụng cho cước các cuộc gọi xuyên biên giới trong lãnh thổ EU.
Cơ chế và một mức cước chung
Mức giá trần được đưa ra là 0,19 euro/phút chưa tính thuế giá trị gia tăng.
Xác lập một thị trường viễn thông chung Châu Âu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với Neelie Kroes, Ủy viên Châu Âu về vấn đề kĩ thuật số. Từ lâu, bà đã kêu gọi nghị viện Châu Âu ủng hộ việc bỏ phí chuyển vùng cuộc gọi (phí roaming) và đảm bảo một mạng Internet mở mà theo đó, mọi nguồn thông tin phải được đối xử như nhau dù bất kể từ nguồn nào, gửi đến đâu và nội dung ra sao.
Sự thống nhất sẽ không chỉ dừng lại ở mức cước mà tiến lên cả tầm quản lý. Bản đề án cũng cho thấy viễn cảnh tương lai các nhà mạng Châu Âu có thể được cấp phép cung cấp dịch vụ của mình tại toàn bộ 27 quốc gia thành viên, thay vì phải mất công xin cấp phép từng quốc gia như trước.
Sự cần thiết của một sân chơi chung
Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group, ngành viễn thông châu Âu sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu từ 0,5 – 2% từ nay cho đến 2020, nếu cứ tiếp tục duy trì quy chế quản lý riêng cho từng nước như hiện nay.
Đề án về thị trường viễn thông chung được kì vọng sẽ vực dậy ngành viễn thông của “lục địa già” đang bị đánh giá là đã tụt hậu so với thế giới. Trong vòng 5 năm qua, trong khi các đối thủ không ngừng phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp viễn thông Châu Âu lại bước đi khá chậm chạp. Xét về tốc độ tăng doanh thu, họ thấp hơn các đối thủ đến từ Mỹ và Trung Quốc từ 7 đến 9 lần.
Từ lâu, các doanh nghiệp đã phàn nàn về việc thị trường bị chia nhỏ khiến họ không thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn. Nếu các doanh nghiệp Châu Âu rất phát triển về 3G thì họ lại đang đi sau các doanh nghiệp Mỹ khi phát triển mạng 4G.
Những động thái cũng đến từ các doanh nghiệp, khi mà “G5” - nhóm 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu (Vodafone, Telefonica, Deutsche Telekom, France Télécom và Telecom Italia) đã ủng hộ một thị trường thống nhất để khai thác lượng khách hàng khổng lồ, lên đến 450 triệu người.
Theo Theo Gafin/Dân Việt
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!