Smartphone gây ra 'chiến tranh lạnh' tại châu Á

28/05/2015 15:46 PM | Công nghệ

Có một cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra trong thị trường điện thoại thông minh tại châu Á nhưng không phải giữa các công ty mà giữa các quốc gia với nhau.

Nội dung nổi bật:

- Các quốc gia tại châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc đang áp dụng những chính sách chống độc quyền nhằm thay đổi cán cân quyền lực trong ngành công nghiệp di động toàn cầu.

- Cụ thể, các công ty tại châu Á sẽ được hưởng lợi hơn so với đối thủ nước ngoài vì được quyền sử dụng các bằng sáng chế dễ dàng và với giá rẻ hơn.


Hàn Quốc và Trung Quốc đang áp dụng các chính sách chống độc quyền và yêu cầu các công ty như Apple và Qualcomm phải cấp quyền sử dụng bằng sáng chế cho các đối thủ cạnh tranh dễ dàng và với giá rẻ hơn. Điều này sẽ giúp những công ty tại châu Á có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Brazil và Ấn Độ cũng đang cân nhắc đến chính sách tương tự.

Động thái này có thể giúp thay đổi cán cân quyền lực trong ngành công nghiệp di động toàn cầu vốn tạo ra 412 tỷ USD vào năm ngoái. Những quy định mới cũng có thể làm suy yếu khả năng của Apple, Microsoft và Qualcomm – những ví dụ điển hình trong top 15 công ty được cấp nhiều bằng sáng chế nhất mỗi năm so với những đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc – thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới và một số quốc gia khác.

“Chúng ta đang trong một cuộc chiến tranh lạnh với thuyết domino”, Bradley Lui – một luật sư nói. “Các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc nhận thấy tiềm năng của việc sử dụng các bằng sáng chế có thể ảnh hưởng đến những công ty của nước này bao gồm cả những doanh nghiệp sở hữu của nhà nước”.

Các nhà hoạch định tại châu Á cũng đặc biệt quan tâm đến trận chiến điện thoại thông minh trị giá hàng tỷ USD diễn ra trong suốt 4 năm qua giữa các đại gia công nghệ trên thế giới. Các nước bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc thì tìm mọi cách thắt chặt chính sách bằng sáng chế sau khi chứng kiến những cuộc tranh luận nảy lửa ở Washington về việc liệu việc cấp bản quyền sẽ kìm hãm hay thúc đẩy sự sáng tạo.

Việc thắt chặt quy định về bằng sáng chế của Hàn Quốc đã được áp dụng vào tháng 12/2014. Đây cũng là quê hương của Samsung – đối thủ cạnh tranh truyền kiếp của Apple trong nhiều năm với những cáo buộc đạo, nhái sản phẩm iPhone. Trong khi đó, các chính sách của Trung Quốc được áp dụng vào ngày 1/8. Ấn Độ và Brazil mới chỉ đang tiến hành xây dựng các chính sách này.

Ủy ban Công bằng thương mại Hàn Quốc cho rằng các chính sách này là để “cải thiện tính nhất quán” trong việc thực thi chống độc quyền và ngăn chặn việc các công ty có bằng sáng chế đòi tiền bản quyền với giá quá cao.

Các chính sách của cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều gồm 2 phần chính. Một liên quan đến giá trị của các bằng sáng chế cho các công nghệ chuẩn mực như wifi. Một phần nữa dành cho các tính năng độc nhất bao gồm thanh trượt để mở khóa của Apple hay phần mềm đồng bộ lịch của Microsoft phải được cấp phép cho một bên khác nếu được cân nhắc “thống trị” hay “cần thiết”.

Tuy vậy nhiều công ty khẳng định rằng không hề có bằng chứng nào cho thấy các bằng sáng chế của họ dùng sai mục đích vì vậy không cần đến các quy định kể trên.

“Hệ thống đang được thực thi đã hoạt động trong nhiều năm. Nó được xây dựng dựa trên thỏa thuận đóng góp toàn cầu để bảo vệ những sản phẩm được bán trên toàn thế giới thông qua các loại bằng sáng chế”, Kasim Alfalahi – Giám đốc quyền sở hữu trí tuệ tại Ericsson nói.

Tại Mỹ, tòa án nói rằng Apple không thể buộc Samsung gỡ bỏ các tính năng ra khỏi điện thoại của họ nhưng Apple có thể yêu cầu những khoản bồi thường. Nhưng tại Trung Quốc và Hàn Quốc, họ có sẽ đưa ra quyết định rằng Apple phải cấp phép sử dụng tất cả các tính năng cho bất kỳ nhà sản xuất thiết bị cầm tay nào.

Có thể nói, các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ đang chính thức hóa những quy định đã được áp dụng từ cách đây rất lâu tại Mỹ và châu Âu. Việc còn lại sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thi hành các quy định này.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM