Những điều nho nhỏ về thẻ tín dụng
Nhưng điều gì khiến chiếc thẻ tín dụng nhỏ bé mới xuất hiện hơn 50 năm có thể trở nên hấp dẫn tới vậy? Đơn giản bởi lịch sử và cơ chế hoạt động của nó chứa đựng hàng triệu điều không hề nhỏ bé chút nào.
Có câu chuyện vui kể rằng khi một chàng trai nói với bà tiên rằng, anh ước mình trở nên đáng khao khát và không thể cưỡng lại với mọi phụ nữ, bà tiên liền biến anh thành thẻ tín dụng!
Nhưng điều gì khiến chiếc thẻ tín dụng nhỏ bé mới xuất hiện hơn 50 năm có thể trở nên hấp dẫn tới vậy? Đơn giản bởi lịch sử và cơ chế hoạt động của nó chứa đựng hàng triệu điều không hề nhỏ bé chút nào.
Nguồn gốc
Mặc dù là một vật bất ly thân với nhiều người trên thế giới, nhưng thực tế chiếc thẻ tín dụng đầu tiên được phát hành cách đây không lâu. Khởi nguồn từ việc các thương nhân muốn kích thích nhu cầu chi tiêu của khách hàng qua việc cấp tín dụng, năm 1951 ngân hàng quốc gia Franklin, New York đã phát hành thẻ tín dụng đầu tiên tới khách hàng. Với loại hình thẻ này khách hàng có thể vay tiền ngân hàng để tiêu trước và trả sau. Mặc dù ở thời điểm ban đầu chỉ có lựa chọn duy nhất là thanh toán toàn bộ dư nợ thẻ.
Vài năm sau đó, nhận thức được sự phát triển của loại hình thanh toán thông minh này, gần 100 ngân hàng khắp nước Mỹ đã phát hành thẻ tín dụng. Tuy nhiên các chương trình thẻ tín dụng mới chỉ cho phép khách hành thanh toán tại một số cửa hàng nhất định. Để mua sắm tại các cửa hàng khác nhau, khách hàng phải mang theo nhiều thẻ rất bất tiện. Tới năm 1966, Bank of America thành lập hiệp hội thẻ Ngân hàng quốc gia lấy lên là BankAmericard - tiền thân của Tổ chức thẻ quốc tế Visa nhằm mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ.
Cùng năm đó, hệ thống tiền thân của Tổ chức quốc tế Mastercard cũng ra đời. Không giống như các hệ thống khép kín của những năm 50, cả hai hiệp hội đã ban hành giấy phép phát hành thẻ cho các thành viên. Các cửa hàng cũng sẽ chấp nhận thẻ mang thương hiệu Visa hoặc Mastercard từ khách hàng của họ. Nền công nghiệp thẻ tín dụng với trị giá giao dịch toàn cầu gần 100 tỷ USD(*) đã bắt đầu với những bước sơ khai như thế.
Thẻ tín dụng còn được gọi là thẻ Visa?
Nhiều người luôn nghĩ rằng thẻ tín dụng chỉ có thể là thẻ Visa. Nhưng sự thật, thẻ tín dụng có thể là Visa hay MasterCard hoặc American Express hay Union Pay… là những tổ chức chưa quen thuộc với người Việt.
Đây là những tổ chức dịch vụ thanh toán quốc tế. Các tổ chức tài chính trên khắp thế giới gia nhập và trở thành thành viên của họ. Nếu các thành viên này muốn phát hành thẻ mang thương hiệu Visa, Mastercard… họ cần được các cấp phép. Bên cạnh đó, các hiệp hội còn mang chức nắng sắp xếp các giao dịch, phân loại nợ- có, ghi nợ và ghi có tương ứng cho các tổ chức tài chính. Nếu không có hệ thống của các hiệp hội, việc thanh toán bù trừ cho các giao dịch trên thế giới sẽ gặp khó khăn.
Ngân hàng phát hành thẻ và ngân hàng thanh toán là một?
Ngân hàng phát hành thẻ được hiệp hội thẻ cấp phép để phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng. Tổ chức này phụ trách các công việc về xử lý đơn đăng ký, thiết lập hạn mức tín dụng, thiết kế và in thẻ, kiểm soát các giao dịch thanh toán và đảm bảo an toàn thẻ, thanh toán bù trừ với ngân hàng thanh toán và khách hàng, giải đáp thắc mắc khách hàng, thu hồi nợ…
Trong khi ngân hàng thanh toán đóng vai trò tìm kiếm, sàng lọc và chấp nhận các cửa hàng tham gia vào chương trình thẻ của mình. Ngân hàng thanh toán cũng phụ trách việc lắp đặt máy chấp nhận thẻ tín dụng (POS). Một công việc quan trọng khác mà ngân hàng thanh toán phải làm là xử lý giao dịch thẻ tín dụng, gửi chi tiết giao dịch và nhận tiền từ ngân hàng phát hành. Hai loại hình công việc này hoàn toàn độc lập, mặc dù đôi khi, một ngân hàng có thể vừa phát hành thẻ, vừa giữ vai trò thanh toán với các tổ chức phát hành thẻ khác.
Nguồn thu của các thành viên thị trường đến từ…
Các tổ chức thẻ như Visa và Mastercard kiếm tiền từ phí dịch vụ thẻ, phí xử lý dữ liệu thẻ, phí giao dịch quốc tế… được trả bởi các thành viên tham gia trong tổ chức. Trong khi với ngân hàng phát hành, nguồn thu đến từ phí thường niên khách hàng phải trả mỗi năm.
Các nguồn thu còn đa dạng từ việc áp lãi suất tài chính với dư nợ còn lại, phí trả chậm, phí ứng tiền mặt khi rút tiền từ thẻ, phí quy đổi ngoại tệ với giao dịch bằng ngoại tệ, phí thanh toán từ ngân hàng thanh toán… Với ngân hàng thanh toán, thu nhập đến từ phí thanh toán và bù trừ giao dịch, phí chuẩn chi, phí xử lý hoá đơn cửa hàng trả theo thoả thuận. Ngân hàng thanh toán sẽ trừ thẳng chi phí chiết khấu này vào số tiền hoàn trả lại cửa hàng.
Với chủ thẻ, họ được lợi ích từ các chương trình ưu đãi mở thẻ, được chiếm dụng vốn không tính lãi trong vòng từ 45- 60 ngày, được tích luỹ điểm thưởng và tham gia các chương trình giảm giá của tổ chức phát hành và cửa hàng mà thanh toán tiền mặt không được hỗ trợ.
Với hơn 16 triệu điểm chấp nhận thẻ toàn cầu, lợi ích rõ ràng đến từ việc số lượng các giao dịch tăng đáng kể mà nếu chỉ thanh toán bằng tiền mặt không thể đạt được giúp doanh thu tăng tương ứng. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều ngân hàng, cửa hàng, người tiêu dùng trở nên quan tâm tới chiếc thẻ tín dụng kích cỡ chỉ vỏn vẹn 85,60x53,98 mm này.
Kết
Xét cho cùng, nếu có một phép thuật biến đàn ông trở thành một chiếc thẻ tín dụng, ít nói, có thể giúp thoả mãn mọi nhu cầu mua sắm một cách nhanh chóng và hiện đại, hẳn phụ nữ cũng sẽ rất hài lòng… cho tới khi nhận được yêu cầu thanh toán hàng tháng từ ngân hàng!!!
(*) Số liệu thống kê năm 2012 của Statista.com.
Phần 2: Dùng dao hai lưỡi sao cho khéo?
>> 5 loại thẻ tín dụng dành riêng cho giới siêu giàu
Đàm Linh