Mark Zuckerberg học theo Steve Jobs: Mua sản phẩm tiềm năng trước đối thủ

13/03/2014 15:41 PM | Công nghệ

Với số tiền 19 tỷ USD trong thương vụ WhatsApp, Facebook dường như đang thể hiện những động thái tiêu cực trong hoạt động níu kéo người sử dụng.

Nội dung nổi bật:

- Với số tiền 19 tỷ USD trong thương vụ WhatsApp, Facebook dường như đang thể hiện những động thái tiêu cực trong hoạt động níu kéo người sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng chính là dấu hiệu cho thấy, Mark Zuckerberg luôn có những động thái cần thiết trong hoạt động mua bán sản phẩm trước khi đối thủ cạnh tranh của anh hướng tới.

- Theo Tổng biên tập Sarah Lacy của trang PandoDaily, WhatsApps có khả năng đe dọa tới Facebook chủ yếu về phần ảnh cho dù ứng dụng này thường được biết đến nhiều nhất với chức năng nhắn tin. 

- Có một điểm khác biệt giữa Apple và Facebook chính là việc Apple phát triển sản phẩm đối trọng với chính mình trong khi Facebook dường như lại thích mua lại những công ty khác.



Vừa qua, sau khi thương vụ Facebook-WhatsApp: 19 tỷ USD được đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông thế giới, ngay lập tức, mọi người bắt đầu đồn đoán về những động thái không mấy khả quan của mạng xã hội “lắm tiền nhiều của” này. 

Cụ thể, Facebook sẽ nói gì về mức giá trên? Liệu đây có phải dấu hiệu của sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh hay một bước tiến mới trong hoạt động thâu tóm các đối thủ tiềm năng? Cho dù dư luận có đưa ra ý kiến gì đi chăng nữa, người viết lại nghĩ rằng, thương vụ trên đã thể hiện rõ một điều: Mark Zuckerberg sẽ không để bất cứ ai khác đe dọa tới tương lai của Facebook trước khi anh tự quyết định về sự tồn vong của hãng.

Trong quá khứ, chúng ta đã không ít lần được chứng kiến những thương vụ tương tự của các hãng công nghệ nổi tiếng thế giới nói chung và Facebook nói riêng. Điển hình như việc mua lại Instagram là một bước đi vững chắc trong việc thâu tóm một ứng dụng có thể đe dọa tới chức năng chia sẻ hình ảnh trên Facebook (cho dù mức giá cũng tương đối cao lúc bấy giờ và không đem lại nhiều khác biệt cho hãng trong thời điểm hiện tại). Tiếp đó, SnapChat cũng gây được tiếng vang lớn trong giới công nghệ khi từ chối “phũ phàng” cái giá 3 tỷ USD của Facebook.

Với Facebook, nguy hiểm vẫn rình rập

Theo Tổng biên tập Sarah Lacy của trang PandoDaily, WhatsApps có khả năng đe dọa tới Facebook chủ yếu về phần ảnh cho dù ứng dụng này thường được biết đến nhiều nhất với chức năng nhắn tin. Tuy nhiên, giống như Instagram, Zuckerberg vẫn tiếp tục sử dụng sức mạnh tài chính áp đảo của mình để “khống chế” các đối thủ, kể cả khi số tiền bỏ ra không tưởng vào thời điểm giao dịch (có nhiều báo cáo chỉ ra rằng, Google đã đề xuất 10 tỷ USD đối với WhatsApp trước khi Facebook đạt được thỏa thuận giữa hai bên).

WhatsApp là ứng dụng phổ biến với chức năng nhắn tin hơn chia sẻ hình ảnh

Tuy nhiên, điều này lại chứng minh một thực tế rằng, Zuckerberg không quan tâm tới số tiền bỏ ra trước đó để xây dựng, phát triển và quảng bá chức năng nhắn tin của mình cho dù nó có tiềm năng. Thay vào đó, anh sẵn sàng loại bỏ chúng chỉ để duy trì thị phần và/hoặc phát triển Facebook trong những thị trường mới. Đây cũng chính là một phần lý do tại sao WhatsApp được mua lại.

Đứng dưới góc độ của một số chuyên gia phân tích, việc chi hàng tỷ USD cho các thương vụ mua bán và sát nhập giống như hành vi tuyệt vọng của người sắp chết đuối, cố bám víu lấy những gì đang nổi với hy vọng có thể sống thêm vài phút nữa. Nhưng đối với Mark Zuckerberg và MXH lớn nhất hành tinh này, câu chuyện không dừng lại tại đó.

Giống như CEO huyền thoại của Intel – Andy Grove từng nói “chỉ những kẻ đa nghi mới tồn tại” (Only the paranoid survive). Ông từng kề về những đêm chợt tỉnh giấc và tự hỏi liệu các đối thủ có tìm cách hạ bệ ông cùng những sản phẩm – hay, tệ hơn, một công ty vô danh nào đó sẽ đột nhiên “trỗi dậy” và đưa Intel đi vào dĩ vãng.

CEO của Intel - Andy Grove
CEO của Intel - Andy Grove

Hướng đi dành cho những người Đổi mới

Nỗi lo lắng của Grove cũng chính là yếu tố được nhắc tới trong cuốn Thế lưỡng nan của những người Đổi mới (Innovator’s Dilemma) của Clay Christensen. Đứng dưới góc độ kinh tế học, ông đã miêu tả nguyên nhân khiến các công ty lớn, có tầm nhìn và có sự đổi mới thất bại trong việc hoạch định chiến lược đổi mới (kể cả khi họ nhìn thấy được tương lai trước mắt) bởi họ đã quá tập trung vào hướng kinh doanh sẵn có.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo có tầm nhìn như Steve Jobs lại nhận ra rằng cách duy nhất để thoát khỏi thế lưỡng nan của bản thân chính là hi sinh một số sản phẩm và dấn thân vào thị trường mua bán trước khi các đối thủ khác để mắt tới những sản phẩm tiềm năng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phá hủy sản phẩm hiện hành hoặc ít nhất cũng phải gây tổn hại nghiêm trọng đối với chúng nếu cần thiết. Đây cũng chính là chiến lược Steve Jobs và Apple đã từng thực hiện với iPod, iPhone và iPad.

Steve Jobs đã từng phải hi sinh rất nhiều để có được những sản phẩm như chúng ta thấy ngày nay

Có một điểm khác biệt giữa Apple và Facebook chính là việc Apple phát triển sản phẩm đối trọng với chính mình trong khi Facebook dường như lại thích mua lại những công ty khác. Liệu có phải Facebook đã mất khả năng sáng tạo? Có thể. Nhưng, ít nhất Zuckerberg cũng sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng những sản phẩm do công ty phát triển vẫn chưa làm tốt được vai trò và họ cần chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để cho ra đời những sản phẩm mới và không phải công ty nào cũng có khả năng làm được như vậy.

Hãy hành động khi còn có thể

Nhiều nhà bình luận đã chỉ ra rằng, Facebook có thể thực hiện những thương vụ “nặng cân” như WhatsApp chính là nhờ vào giá cổ phiếu. Khi giá trị của công ty đang ở ngưỡng 170 tỷ USD, thị trường cổ phiếu đem lại lợi nhuận cao gấp 22 lần so với lúc mới phát hành thì Zuckerberg có thể mua bất cứ thứ gì anh muốn. Cho dù ban quản trị của hãng có thể gây khó khăn trong việc ra quyết định nhưng điều đó cũng không khiến CEO của hãng phải bận tâm khi phần lớn số cố phiểu nắm quyền biểu quyết đã nằm trong tay anh.

Giá trị cổ phiếu của Facebook tăng vọt kể từ khi phát hành

Trong quá khứ, chúng ta từng chứng kiến hoạt động mua bán công nghệ mới của Cisco vào những năm 1990. Khi đó, hãng cũng sử dụng cổ phiếu như một vật thế chấp và cách thức đó đã giúp “gã khổng lồ” hệ thống thoát khỏi bờ vực phá sản.

Cho dù thế nào đi chăng nữa, đối với Mark Zuckerberg thương vụ Facebook-WhatsApp cũng chỉ là một bước đệm trong chiến lược phát triển và duy trì vị trí độc tôn trong thị trường MXH thế giới. Cho dù anh có phải bỏ đi một số sản phẩm trước đó nhưng để vươn tới gần hơn những thị trường tiềm năng mới và tồn tại, đó là sự hi sinh cần thiết và điều đó đáng để nhiều người ngưỡng mộ, trong đó có người viết.

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM