Lối thoát nào cho Zynga?

06/05/2013 13:02 PM | Công nghệ

Mặc dầu vẫn giữ vị trí thống trị trong thị trường game trên mạng xã hội, nhưng những số liệu mới đây về số lượng người dùng cũng như lợi nhuận không đạt kỳ vọng cho thấy viễn cảnh kinh doanh khó khăn hơn trong những năm tới của Zynga. Và sự thành công hay thất bại của Zynga sẽ là câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi: Liệu game trên mạng xã hội là trào lưu mới hay lại là một quả bong bóng khác?

Thành công nhanh chóng

Khi IPO năm 2011, một công ty mới 4 năm tuổi như Zynga đã đạt mức vốn hóa 7 tỷ đôla, tương đương với mức vốn hóa của Electronic Art, người khổng lồ trong lĩnh vực game với lịch sử 20 năm.

Zynga là một minh chứng nữa cho thấy sức hấp dẫn của các công ty internet trên thị trường, khi tạo ra mức doanh thu khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn. Gắn liền với sự phổ biến của Facebook, lợi nhuận của Zynga chủ yếu đến từ bán hàng hóa ảo và tiềm năng to lớn trong lĩnh vực quảng cáo.

Dù không phải là những game đầu tiên xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng sức hút của những Poker Texas Hold Em, FarmVille, CityVille đến từ cùng một công thức:

Thứ nhất, free to play

Đối với trường hợp Zynga thì chỉ 2,5% người dùng trả tiền cho 97,5% còn lại. Google, Facebook đều tiếp cận người dùng từ khái niệm free. Zynga cũng vậy. Vì thế họ có thể đạt tới mức độ 100 triệu người chơi CityVille chỉ trong vòng 40 ngày.

Thứ hai, click-game

Khác với thị trường game truyền thống, hơn 100 con người làm việc ròng rã trong vài tháng trời để ra một phiên bản game và hy vọng bán được nó, game của Zynga khá đơn giản về thiết kế, cách chơi và quan trọng là không mất thời gian. 

Nó tiếp cận được một lượng lớn người chơi, những người chỉ dành được vài ba phút hàng ngày để chơi game, tuy nhiên, phần nhiều trong số trò chơi lại yêu cầu phải chơi thường xuyên, ví dụ như cây cối sẽ chết khô nếu không được thu hoạch.

Thứ ba, viral marketing

Hẳn nhiều người dùng Facebook từng cảm thấy khó chịu với hàng loạt spam yêu cầu tham gia trò chơi hay chỉ là thông báo thành tích của bạn bè, chính điều này đã tạo nên hiệu ứng lan truyền cho trò chơi. Thứ nhất nó nhắc nhở mọi người quay lại nếu có lỡ bỏ quên không chơi một thời gian. Thứ hai nó tạo cảm giác đua tranh, khi chẳng ai muốn thua kém người khác cả.


Thứ tư, tương tác xã hội

Các game thành công của Zynga được thiết kế dựa trên sự tương tác, bạn bè có thể hỗ trợ nhau, một số nhiệm vụ yêu cầu phải sang nhà “hàng xóm” để thực hiện và tích lũy thêm điểm. Không nhiều game có tính đối kháng, yếu tố đơn giản được đề cao và sự vui vẻ khi chơi với bạn bè là điều cốt lõi.

Thứ năm, hệ thống phân tích người dùng

Dựa trên dữ liệu phân tích thời gian thực, Zynga có thể ngay tức khắc nhận biết xu hướng của người chơi để đưa ra những thay đổi nhanh chóng. Khi nhận ra một sự tiêu tiền nhiều hơn cho loại hàng hóa ảo nào đó, họ tạo ra nhiều loại tương tự và bán chúng từ 2-5$.

Dù nhiều game của Zynga là thứ vay mượn ý tưởng, nó vẫn thành công hơn phiên bản gốc chủ yếu nhờ sự tập trung vào chi tiết để làm hài lòng người dùng và cách làm marketing thông minh. Zynga ngay từ đầu đã nhận ra tiềm năng của việc phát triển game trên nền tảng mạng xã hội, vì vậy họ vẫn kiên trì và chấp nhận lỗ trong những năm đầu tiên trong khi phần lớn đối thủ lơ là và tập trung phát triển vào mảng game mobile. Tuy nhiên thành công bước đầu không đảm bảo một vị trí thống trị duy trì mãi trong tương lai, Zynga đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.

Khó khăn trước mắt

Giờ đây, thành công của Zynga không còn là điều bí mật. Tiềm năng của thị trường cũng đã được nhận biết.

Nhiều đối thủ xuất hiện và họ chứng minh rằng mình còn có thể làm tốt hơn. King.com với trò chơi Candy Crush Saga đã lần đầu tiên đánh bật game của Zynga ra khỏi vị trí dẫn đầu về số lượng người chơi hàng ngày.

Nhưng đối thủ lớn nhất của Zynga sẽ là Electronic Arts (EA), người khổng lồ trong mảng game truyền thống giờ cũng đã gia nhập vào thị trường game trên mạng xã hội.

Lợi thế của EA là họ sở hữu những tựa game đã có sẵn danh tiếng, và việc chuyển đổi sang nền tảng khác sẽ thu hút một lượng lớn người chơi quen thuộc. The Sim Social là một ví dụ. Khi còn tồn tại, nó chỉ thua kém CityVille của Zynga về số lượng người chơi.

Tuy nhiên cái đáng sợ hơn mà Zynga phải đối mặt, có thể làm thay đổi cả chiến lược phát triển của họ, đó là xu hướng phát triển của mobile.

Khi ngày càng nhiều người dùng facebook qua smartphone, điều đó có nghĩa là Zynga phải cạnh tranh với hàng vạn game mobile khác. Dù có cố phát triển game trên nhiều nền tảng khác nhau (người dùng có thể đồng thời chơi game trên máy tính, qua mobile, hay website của Zynga cũng như các mạng xã hội khác với chỉ cùng 1 thông tin đăng nhập), nhưng mobile sẽ làm hạn chế nhiều thế mạnh của Zynga, đó là khả năng spam và tiếp thị lan truyền (viral marketing).

Tất nhiên chuyển sang mobile game là tất yếu vì khi nhiều người nhìn nhận game trên mạng xã hội đã bước vào giai đoạn trưởng thành, game trên mobile vẫn là thị trường tăng trưởng với nhiều lý do thuyết phục. Trong thị trường này, Zynga mới chỉ là tên tuổi mới.

Một vấn đề nữa đáng lưu tâm, đó là cơ cấu lợi nhuận.

Trong ngành game trên nền tảng mạng xã hội, 60% lợi nhuận đến từ việc bán hàng hóa ảo, 20% đến từ quảng cáo, 20% còn lại đến từ việc thu tiền từ bên thứ ba để họ khai thác danh sách khách hàng.

Zynga lại dựa quá nhiều vào bán hàng hóa ảo. Như đã nói ở trên, khoảng 2,5% người dùng trả tiền để mua món đồ chơi làm họ hài lòng, từ cái cày để thu hoạch nhanh hơn cho đến cây thông trang trí cho dịp Giáng Sinh, con số này tương đương khoảng 7,7 triệu người dùng vào cuối năm 2011. 7,7 triệu là con số lớn, nhưng không bền vững. Nó thường tăng nhanh khi có game mới ra và giảm dần cùng với số lượng người chơi giảm đi qua thời gian.

Điều này có nghĩa để duy trì lợi nhuận ấn tượng, Zynga phải liên tục tạo ra những cú hit lớn như FarmVille, CityVille đã đạt được. Một vấn đề không đơn giản khi chính Zynga đang phải tập trung cho các thể loại game mới như mid-core game hay real money game, những loại chỉ có thể tạo doanh thu từ quảng cáo.

Giá cổ phiếu của Zynga đã mất 70% giá trị sau vài tháng ra mắt, và lại là một ví dụ khác về sự đánh giá quá mức tiềm năng phát triển của các công ty trên internet. Tuy nhiên trường hợp của Zynga có lẽ sáng sủa hơn trong việc tìm ra lối thoát để tiếp tục tăng trưởng.

Dù còn nhiều ánh mắt thiếu thiện cảm, nhưng không thể phủ nhận sự xuất hiện của Zynga đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của ngành sản xuất game, tiếp cận vào thị trường khách hàng phổ thông trong giai đoạn đề cao sự tương tác qua internet. Zynga cần phải thay đổi để chứng minh rằng, con đường mình lựa chọn là đúng và game trên mạng xã hội không phải là trào lưu nhất thời mà là mỏ vàng thực sự.

Nguyên Phương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM