'Gián điệp' iPhone bủa vây người dùng Việt
Dùng Apple ID để vào iCloud tìm iPhone qua tính năng “Find my iPhone” chỉ là trò “sơ đẳng”.
Nhiều người có thể muốn kiểm soát bạn trong khi họ không hề biết passcode tài khoản nào trên máy bạn và họ hoàn toàn có thể làm được điều đó.
Hiện, tràn lan những phần mềm (app) gián điệp dạng này với cái tên như Spyphone, Copyphone. Điều kiện để cài đặt là jailbreak đối với iPhone hoặc hackroot đối với Android.
Khi cài đặt thành công, app sẽ can thiệp vào hệ thống và gửi thông tin qua email tới một email đã được cài đặt sẵn, bao gồm nội dung các cuộc thoại, các tin nhắn gửi đi và nhận, vị trí toạ độ của máy và các email.
Lần theo thông tin một tài khoản rao vặt trên mạng, rất dễ dàng để kết nối với những người cung cấp dạng app được quảng cáo là "giám sát, quản lý con em và người thân của bạn".
Theo đó, chỉ cần gửi thông tin về đời máy sử dụng, bạn được cung cấp một đường dẫn và code (mã xác nhận) để tải về ứng dụng đối với các dòng máy cao cấp như iPhone hoặc Android.
Trên thực tế, các rao vặt đều quảng cáo đây là ứng dụng "giám sát, quản lý con em..." nhưng đối tượng hướng đến là những người tò mò, ghen tuông muốn kiểm soát người yêu hay chồng/vợ của mình.
Một tài khoản Facebook đã than phiền trên mạng xã hội về điều này: "Nếu bọn người yêu tặng iPhone cho bạn, hãy đấm vào mồm nó và đem bán chiếc iPhone, vì nó sẽ sử dụng tính năng Find my iPhone để tìm kiếm vị trí của mình", đây là phát ngôn của một cô gái 8x đang du học bên Mỹ và có hiểu biết.
Mong muốn "đấm vào mồm thằng người yêu tặng iPhone" chỉ là nói cho vui, nhưng cũng phần nào phản ánh việc lạm dụng Smartphone để theo dõi, kiểm soát người khác của một nhóm người đa phần là có tính ghen tuông.
Giá của phần mềm này rất "vô cùng" và trải dài từ 200.000 đồng - 3.000.000 đồng, tuỳ theo cách mà bạn gọi điện đến nơi cung cấp phần mềm này thế nào.
Theo một số công ty Thám tử như NV (phường Bến Thành, Q1, TP.HCM), hay TT (Phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM) - là những nhà cung cấp phần mềm này, thì đây là phần mềm được sử dụng trong nhiều công ty thám tử, nhưng cũng có thể chuyển giao cho người dùng cá nhân.
Các loại máy Android cũng dễ dàng bị cài đặt phần mềm "gián điệp"
Theo một chuyên gia về bảo mật, phần mềm “gián điệp” không mới mẻ trên thế giới và tại Việt Nam: “Đối với loại app này, thế giới có gì, Việt Nam có nấy… giới phát triển tại Việt Nam có thể không giỏi, nhưng trong việc sao chép thì họ là những người luôn đi đầu”, anh này nói.
Rõ ràng là đối với việc sử dụng Smartphone, bạn nên cần trọng cài đặt passcode (mã) để không ai có thể can thiệp vào điện thoại của mình, đồng thời giữ kín những tài khoản liên quan đến việc giám sát và đăng nhập hệ thống như Apple ID đối với các dòng iPhone, Gmail đối với Android và Windows Live đối với Windows Phone.
Theo Lê Tuấn
VTC News