Facebook Việt tràn ngập thông tin về TPP

06/10/2015 09:05 AM | Công nghệ

Cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam hầu hết bày tỏ vui mừng khi hiệp định TPP hoàn tất vòng đàm phán.

TPP chính thức hoàn tất đàm phán! Nhiều thay đổi lớn sẽ tới… Chúc mừng 12 nước và chúc mừng cả chúng ta”, Hong Phuc Nguyen, một chuyên gia bảo mật, viết trên trang Facebook cá nhân tối hôm 5/10/2015 ngay sau khi các trang báo đồng loạt đưa tin kết thúc đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).

Trong một bài viết được chia sẻ khá nhiều trên Facebook, trang ezlawblog đánh giá TPP sẽ là một sự kiện lớn nhất xảy ra với Việt Nam trong 20 năm nay (kể từ thời điểm Việt Nam và Mỹ bình thường quan hệ hóa vào năm 1995). Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.

Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động… TPP là một hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam và Quốc tế.

Thêm vào đó, TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế có khả năng điểu chỉnh chính sách và hướng đi của luật pháp trong từng quốc gia thành viên. Ví dụ, TPP sẽ bắt loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước (là một phần lớn của nền kinh tế Việt Nam), để tạo cơ hội cạnh tranh cho các công ty tư nhân.

TPP hiện đã hoàn tất vòng đàm phán sau 5 năm làm việc của các quốc gia. Tuy nhiên, để TPP có hiệu lực, Quốc hội của 12 nước thành viên phải thông qua các thỏa thuận sau vòng đàm phán này. Tuy vậy, đa số đều tin rằng một khi đã hoàn tất đàm phán, khả năng TPP được các Quốc hội thông qua là rất cao. Do đó, hầu hết các ý kiến chia sẻ trên Facebook đều rất lạc quan đón nhận tin vui.

Anh Trần Hiệp, đồng sáng lập diễn đàn Tinh Tế, viết: “…có TPP rồi em sẽ sướng vì được mua hàng xịn giá rẻ… Anh em ta cứ cố gắng lao động và học tập thôi”. Duong Thuan Quy, một doanh nhân, khá háo hức: “Chuẩn bị làm thẻ TPP thôi nào”. Nickname Hoàng Tuấn, hồ hởi: “Chúc mừng một bước ngoặt thời đại”.

Tuy hiểu rằng TPP sẽ tác động tốt đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó bao gồm những thay đổi từ phía các doanh nghiệp nhà nước và việc giảm lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, nhưng cũng có các ý kiến lo ngại về việc các doanh nghiệp sẽ chỉ “đối phó” cho hợp các quy tắc TPP chứ không thực sự nghiêm túc đầu tư.

Nickname Hai Thanh Nguyen, một người có kinh nghiệm xuất hàng đi Mỹ trước khi Hiệp định thương mại Việt-Mỹ được ký năm 2001, cảnh báo TPP có thể sẽ chỉ là “bánh vẽ” nếu thực sự doanh nghiệp Việt Nam không nghiêm túc đầu tư cũng như cơ quan hữu quan không thực sự hiểu và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Anh cho rằng thị trường Mỹ rất “béo bở” nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết kể từ sau hiệp định thương mại hai nước được ký kết cách nay 15 năm, đa số doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức tìm kiếm lợi nhuận nhất thời chứ chưa chịu đầu tư nghiêm túc.

Phat Phat Nguyen, một chuyên gia tài chính, viết trên Facebook cá nhân: “TPP xong, đây là lúc bế quan luyện công để học 2 chữ "crash & crisis" [phá sản & khủng hoảng – PV] từ 5 tiền bối: George Soros, Alan Greespan, Ben Bernanke, Henry Paulson và Timothy Geithner”.

Một người dùng Facebook nói vui “Windows được sinh ra cho TPP, vì TPP tác động rất lớn vào bản quyền”.

Vòng đàm phán TPP đã hoàn tất vào tối ngày 5/10/2015, được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hầu hết các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới và cả Việt Nam đều đưa tin về sự kiện này.

Theo trang ezlawblog, TPP - viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) - là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản. Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu.

Theo Hải Đăng

Cùng chuyên mục
XEM