Facebook, Google... sẽ bị 'quản' tại Việt Nam

19/07/2013 14:37 PM | Công nghệ

Theo Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng mới ban hành, DN cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có lượt truy cập từ Việt Nam như Facebook, Google... sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.

So với Nghị định 97 - nghị định quản lý cũ về cung cấp dịch vụ Internet , đây là lần đầu tiên có quy định "quản" doanh nghiệp xuyên biên giới. Cụ thể tại điều 22 của Nghị định này quy định, doanh nghiệp xuyên biên giới khi chỉ cần có người sử dụng hoặc truy cập từ Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT sẽ có quy định cụ thể về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các bản dự thảo quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng trước đây thì quy định quản lý này thoáng hơn rất nhiều. Cụ thể, những quy định như: doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có số lượng lớn người sử dụng sẽ phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam (dự thảo ngày 6/4/2012); yêu cầu thành lập văn phòng hoặc chỉ định tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam, phối hợp xóa thông tin vi phạm và cung cấp thông tin người dùng khi cơ quan điều tra yêu cầu... thì đến nay đã được loại bỏ trong Nghị định 72.

Với điểm mới nêu trên trong Nghị định 72, nhiều ý kiến cho rằng, quy định chưa tạo được sự công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại như quá tập trung vào quản lý doanh nghiệp trong nước phần nội dung và dịch vụ. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại nhận định quy định "quản" doanh nghiệp xuyên biên giới này là hợp lý vì nếu lần đầu làm quá chặt thì sẽ có khả năng doanh nghiệp nước ngoài thấy phức tạp quá và quyết định đóng dịch vụ tại Việt Nam. Khi đó, sẽ gây ảnh hưởng mạnh với đối tượng người dùng trong nước.

Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2013.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM