Các nhà sản xuất smartphone đang “phát cuồng” vì Ấn Độ
Ấn Độ đã trở thành một “Trung Quốc mới” cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh.
Trung Quốc vốn là xưởng sản xuất khổng lồ dành cho các nhà sản xuất khắp thế giới trong nhiều năm, đặc biệt với tầng lớp trung lưu say mê công nghệ và ứng dụng mới.
Apple và Samsung đã đổ hết nguồn lực vào đất nước này và chính những doanh nghiệp nội địa như Huawei và Xiaomi đã phải chật vật để chống lại. Nhưng hiện nay, thị trường Trung Quốc đang chững lại và các công ty này đã chuyển hướng sang thị trường lớn khác.
Và Ấn độ là ứng cử viên sáng giá trong cuộc tìm kiếm đó. Dân số nước này hiện nay là 1,3 tỉ người và dự đoán sẽ vượt dân số Trung Quốc vào năm 2028. Ngoài ra, Ấn Độ hiện đã thành thị trường lớn thứ 3 thế giới trong khi đó khá ít người Ấn, chỉ hơn 1 trên 10 người, sở hữu một chiếc điện thoại thông minh.
Theo nghiên cứu của Bernstein, tỷ lệ này ở Brazil là 36%, ở Mỹ là 52% và Trung Quốc là 55%. Và cũng theo ước tính của Bernstein, mức độ thâm nhập thị trường ở Ấn độ sẽ lên tới khoảng 40% vào năm 2020, tức là tương đương với 250 triệu điện thoại thông minh được bán ra tại đây mỗi năm.
Samsung hiện đang là người dẫn đầu cuộc chơi, trong khi đó công ty Micromax của Ấn Độ cũng đang kiếm lợi kha khá trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chưa công ty nào thống trị được thị trường Ấn Độ và điều này càng làm cho các công ty khao khát tham gia và đặt dấu ấn của mình tại đất nước này. Trong đó công ty Xiaomi với trụ sở tại Bắc Kinh với 5 năm hoạt động và tài sản ước tính trị giá 45 tỷ đô la đang là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất.
Năm ngoái, Xiaomi đã cử Hugo Barra, cựu giám đốc điều hành Google, dẫn đầu cuộc thâm nhập vào Ấn Độ. “Ấn Độ là thị trường lớn nhất cho chúng tôi, thậm chí vượt qua cả Trung Quốc và ngày nào đó nó sẽ lớn mạnh chẳng kém gì Trung Quốc”, Barra chia sẻ với Bloomberg, “Chúng tôi dồn toàn lực vào Ấn Độ”.
Khi Xiaomi ra mắt điện thoại Mi 4i vào tháng 4, buổi ra mắt đã không được tổ chức ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Sự kiện đó lại được tổ chức ở thủ đô Delhi của Ấn Độ và thật bất ngờ nó thu hút được hàng trăm người hâm mộ cuồng nhiệt, những người chấp nhận đi hàng giờ đồng hồ từ mọi nơi đến đây để nhìn ngắm chiếc điện thoại mới.
Barra đã nói với đám đông người tham dự: “Chúng tôi đang thực hiện những cam kết vững chắc đối với Ấn Độ bằng việc thiết kế riêng một thiết bi hàng đầu cho thị trường Ấn Độ.”
Với những công ty mong muốn thâm nhập thị trường Ấn Độ, cần chú ý đến những thuộc tính độc đáo riêng của nước này. Điều đầu tiên chính là người tiêu dùng ở đây đặc biệt thích điện thoại giá rẻ. Theo Bernstein, trong năm 2014, 42% điện thoại thông minh được bán ra ở đây chỉ có giá dưới 100 đô la.
Cạnh tranh về giá sẽ càng ngày càng gay gắt hơn và theo dự đoán của Bernstein, đến 2019 thì một nửa số điện thoại thông minh tại Ấn sẽ có giá rẻ hơn 100 đô la.
Điều này thực sự là tin vui với các công ty bán điện thoại giá cực rẻ như Xiaomi nhưng lại là một tin không hay cho Apple với những mức giá khá cao cho dòng Iphone.
Thêm nữa, các công ty còn phải đối mặt với khó khăn về kết nối mạng. Hầu hết điện thoại ở Ấn Độ chỉ dùng kết nối 3G và cơ sở hạ tầng tại đây còn mất thời gian dài để xây dựng mới có thể cung cấp tốc độ tải 4G.
Cuối cùng là thử thách về kênh bán hàng. Tại đây, do phần lớn dân số ở nông thôn và thiếu kết nối nên hầu hết điện thoại thông minh được bán qua kênh phân phối bán lẻ truyền thống thay vì bán online.