Còng lưng làm việc 3 năm không bằng “trúng” đất 1 giờ: Xu hướng ngồi không kiếm tiền tỷ - giàu chóng mặt nhưng sẽ sống dở chết dở nếu…

18/11/2021 08:51 AM | Sống

Có thể nói chưa bao giờ việc mua đất lại... dễ dàng đến thế.

Tôi có một thằng bạn, 29 tuổi, mới đi làm được 5 năm, lương văn phòng cùng lắm chục củ một tháng. Thế mà mới đây, nó khoe nó mua được con Ford Ranger 700 củ. Tôi thắc mắc thì nó bảo: “Tiền tao đi buôn đất á, chứ lương văn phòng có mà mọt kiếp”.

“Nếu bán được một mảnh đất mua vào với giá đẹp, bán ra với giá hời thì lãi 200-300 triệu một miếng đất là chuyện bình thường”, thằng bạn tôi khoe.

Với biệt danh chuyên gia săn tin, chúa tể hóng hớt cùng với cái miệng dẻo như kẹo kéo, tôi thấy nghề tay trái này khá phù hợp với hắn. Ở đâu phong phanh tin tức chỗ này sắp có dự án , chỗ kia có người bán rẻ vì nhà có việc gấp cần tiền là hắn “bắt sóng” ngay lập tức. Hắn nói một năm chỉ cần 2-3 mánh như vậy là đủ tiền mua ô tô rồi. Nghe mà phát thèm.

Chứng khoán hay buôn đất - món nào đầu tư ngon hơn?

Với những ai chơi “chứng khoán hệ tâm linh” thì việc ôm tâm trạng lo âu thấp thỏm cả ngày khi thị trường nổi sóng là điều quá đỗi quen thuộc. Nhưng buôn đất thì khác, nó giống như việc bạn mua một cổ phiếu nào đó, quên nó đi và giữ chúng trong dài hạn.

Tân Nguyễn, 27 tuổi, hiện đang là du học sinh tại Hàn Quốc cho biết Tân đã chuyển từ đầu tư cổ phiếu sang buôn đất cho “nhẹ đầu”. Sau thời gian học tập và làm việc tại Hàn Quốc, Tân đã tích cóp được một khoản tiền kha khá, khoảng 500 triệu. Mới đầu, Tân trích ra một phần để đầu tư cổ phiếu theo một hội nhóm du học sinh người Việt bên Hàn Quốc.

 Còng lưng làm việc 3 năm không bằng “trúng” đất 1 giờ: Xu hướng ngồi không kiếm tiền tỷ - giàu chóng mặt nhưng sẽ sống dở chết dở nếu… - Ảnh 1.

Tân Nguyễn quyết định chuyển từ đầu tư chứng khoán sang BĐS

Dù đã được hô hào phải thật kiên nhẫn khi chơi chứng khoán nhưng nhìn những con số nhảy nhót lúc lên lúc xuống trên màn hình điện thoại khiến Tân thấp thỏm không yên, cảm xúc cũng lên xuống theo biểu đồ giá. Không ít lần vì tâm lý không ổn định mà cậu chàng phải nếm cảnh mua đỉnh bán đáy và đi kèm là một khoản lỗ nhỏ.

Sau một thời gian đầu tư chứng khoán nhưng không đem lại kết quả, cậu chàng quyết định nhảy sang đầu tư vào đất. Tân cho biết, anh chàng đang góp vốn chung với anh trai để mua một vài miếng đất tại Việt Nam. Từ khi chuyển sang đầu tư đất, Tân kiên nhẫn hơn, tâm trạng cũng thoải mái hơn.

“Sau này về Việt Nam, mình sẽ bán chúng hoặc nếu có mảnh đất nào đó có mặt tiền đẹp, hai anh em mình dự định sẽ mở cửa hàng kinh doanh tại đó”, Tân chia sẻ.

Thời đại công nghệ 4.0, việc mua đất cũng được số hóa, nhanh gọn chứ không phức tạp như trước.

Theo Yến, nhân viên kinh doanh tại một công ty bất động sản, thủ tục mua bán đất hiện nay được diễn ra nhanh gọn, kể cả đất dự án hay đất thổ cư.

Với 3 năm kinh nghiệm bán đất, cô bạn chia sẻ rằng, đầu tiên, khách hàng đến xem đất, nếu ưng họ sẽ chuyển tiền cọc (thường qua internet banking), hai bên ký kết hợp đồng, sau đó ra cơ quan công chứng, kê khai thuế và cuối cùng là sang tên sổ đỏ.

 Còng lưng làm việc 3 năm không bằng “trúng” đất 1 giờ: Xu hướng ngồi không kiếm tiền tỷ - giàu chóng mặt nhưng sẽ sống dở chết dở nếu… - Ảnh 2.

Yến có 3 năm kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS

Nếu như trước đây, quá trình này diễn ra tốn khá nhiều thời gian, có khi lên tới 1-2 tháng thì nay, nó được rút ngắn lại chỉ trong khoảng 10-15 ngày cho tất cả các thủ tục.

Về những lần bán đất nhanh như tàu siêu tốc, Yến hào hứng kể lại, một khách hàng đã chốt đơn online sau khi xem xong video về lô đất mà họ dự định mua. Khách gửi tiền cọc luôn và đến hôm sau thì hai bên lên văn phòng ký kết hợp đồng chuyển nhượng.

“Mặc dù hiện nay, người bán đất thực sự thì ít, ‘cò đất’ thì nhiều, nhưng nếu có được sự tin tưởng của khách hàng thì việc bán được vài lô đất trong một tuần là chuyện bình thường”, Yến nói.

Đất nền dự án và đất thổ cư - loại hình nào giúp nhà đầu tư hốt lời nhiều hơn?

Anh Nguyễn Mạnh Hà, 30 tuổi vốn là bếp trưởng tại một nhà hàng nhưng do dịch Covid-19 bùng phát, cửa hàng tạm dừng kinh doanh nên anh đã xin nghỉ việc và chuyển hướng sang đầu tư đất.

“Dịch dã bùng phát buộc tôi phải chuyển hướng sang làm việc khác. Tôi bắt đầu tìm hiểu và chuyển sang buôn đất được hơn 2 năm nay”, anh Hà cho biết.

Theo anh Hà, hiện nay, có 2 loại hình đất chủ yếu là đất nền dự án và đất thổ cư (đất riêng lẻ của người dân).

“Đất nền dự án thường có giá cao hơn đất thổ cư do chủ đầu tư đã phải bỏ ra một khoản chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, tiện ích. Còn giá đất thổ cư thường ngang với mặt chung. Tuy nhiên, do đất nền dự án được thiết kế quy hoạch rõ ràng và có sổ đỏ từng nền nên rất hiếm khi xảy ra tranh chấp trong khi đất thổ cư do phân lô không rõ ràng nên dễ xảy ra tranh chấp”.

 Còng lưng làm việc 3 năm không bằng “trúng” đất 1 giờ: Xu hướng ngồi không kiếm tiền tỷ - giàu chóng mặt nhưng sẽ sống dở chết dở nếu… - Ảnh 3.

Anh Hà chuyển hướng sang BĐS

Ngược lại, đất đất thổ cư khi được cấp phép sẽ dễ dàng tiến hành xây dựng và hoàn tất, còn đất dự án phải chờ đợi một thời gian để chủ đầu tư hoàn tất hồ sơ pháp lý, hạ tầng và ra sổ đỏ. Trong trường hợp số nhọ, dự án bị chậm tiến độ hoặc bị “đóng băng”, người mua đất có thể bị rơi vào tình trạng bị “giam vốn”, có đất mà không được làm gì.

Do đó, dù là mua đất thuộc loại hình nào, các nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu thật kỹ các thông tin liên quan đến mảnh đất nhắm mục tiêu để tránh những trường hợp đáng tiếc, bởi để mua được một miếng đất, số vốn đầu tư mà bạn phải bỏ ra “không phải dạng vừa đâu”.

Bài học xương máu khi đi buôn đất

Kể về một lần suýt “fail” khi đi buôn đất, thằng bạn tôi kể đợt đó hắn hóng hớt được một “lô” có vị trí khá đẹp mà giá rẻ giật mình. Lúc đầu, hắn mừng lắm, định quất luôn nhưng sau đó, hắn chột dạ “ngon bổ rẻ mà chưa ai hốt liệu có thực sự ngon?”. Sau một thời gian “nằm vùng” tám chuyện với hàng xóm xung quanh lô đất định mua, hắn mới phát hiện hóa ra, miếng đất định mua đang trong tranh chấp với hàng xóm bên cạnh. Sự việc diễn ra đã lâu nhưng vẫn chưa giải quyết xong. Đợt đó mà hắn bị lòng tham che mắt, không tìm hiểu kỹ thì lại được phen hú hồn chim én.

Thêm nữa là, để mua được một mảnh đất, số tiền bỏ ra không phải là ít. Vì vậy, không ít người đã đi vay ngân hàng hoặc thế chấp để mua đất. Nếu hên, miếng đất đó tăng giá thì không sao nhưng nếu miếng đất đó không bán được hoặc bị rớt giá, điều này sẽ khiến các nhà buôn đất đau đầu, sốt xình xịch như ngồi trên đống lửa.

Kể về một lần dính “phốt” tương tự, anh Hà kể, tầm này năm ngoái thôi, anh cũng mua một mảnh đất, do giá trị lô đất quá cao, vượt ngoài khả năng tài chính của bản thân nên anh đã phải vay ngân hàng. “Đợt đó, vừa dịch dã, thất nghiệp ở nhà, lại thêm khoản trả lãi ngân hàng vì mua đất mà chưa bán được, khan hiếm người mua khiến tôi mất ăn mất ngủ. May mà cuối cùng, tôi cũng bán được nó sau đó vài tháng”.

Có thể nói, mặc dù hiện nay, chỉ cần có tiền, mua đất cũng dễ như mua mớ rau nhưng số tiền bỏ ra để mua đất thì khác bọt hoàn toàn, càng đầu tư lớn thì rủi ro càng cao. Vì vậy, quan trọng là nhà đầu tư đất phải cân đối được khả năng tài chính và tìm hiểu thật kỹ trước khi đầu tư nhé!

Tạm kết

Ông bà ta thường nói “Đất đai là của cải, có đất là có vàng”. Ngẫm thực không sai, đất cũng là một loại hình đầu tư sinh lời, thậm chí lời rất nhiều, để không cũng tăng giá trị. Chả vậy mà nhiều người đổ xô đi buôn đất.

Tuy nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó cả. Kênh đầu tư nào cũng có khả năng rủi ro nếu người đầu tư thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ trước khi ném tiền vào nó. Những “bong bóng” đất vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khiến không ít người giàu lên bất thường, nghèo đi bất ngờ. Thời đại thông tin, thông tin chính là tiền, dù là đất, vàng hay cổ phiếu, việc tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trước khi đầu tư là điều không thể thiếu.

Còn một điều nữa, muốn buôn đất cũng không phải dễ đâu nha. Bởi số vốn bạn phải bỏ ra ban đầu hơi bị khổng lồ, trừ khi bạn làm bên môi giới nhà đất, văn phòng bất động sản. Thấy thằng bạn buôn đất thỉnh thoảng được mánh cũng mừng cho nó. Còn mình thì … à mà thôi, đang bận gồng lưng kiếm xiền buôn đất đây!

Nguồn: NVCC

Thanh Hà

Cùng chuyên mục
XEM