Công dân thứ hai mất tích ở Trung Quốc, Canada cảnh báo Mỹ
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland hôm 12-12 khuyến cáo Mỹ không chính trị hóa các trường hợp dẫn độ, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có thể can thiệp vào vụ giám đốc tài chính Huawei.
Bà Freeland nhấn mạnh quy trình pháp lý không thể bị tác động bởi mục đích chính trị. "Các đối tác dẫn độ của chúng tôi không nên chính trị hóa quá trình dẫn độ hoặc sử dụng chúng cho mục đích khác ngoài việc theo đuổi công lý và tuân thủ luật pháp" – bà Freeland đề cập đến những bình luận của ông Trump trước đó.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland. Ảnh: Canadian Press
Bà Freeland cho hay một công dân Canada thứ hai có thể đang gặp rắc rối tại Trung Quốc sau khi nhà chức trách ở Bắc Kinh đã bắt giữ cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig hôm 10-12.
Bà Freeland bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về trường hợp của ông Kovrig và nói thêm một người đàn ông giấu tên thứ hai đã gọi cho giới chức Canada thông báo các quan chức Trung Quốc đang thẩm vấn ông.
Nữ bộ trưởng cho hay Canada không thể liên lạc với người đàn ông này sau khi ông tiết lộ thông tin trên và đang cố xác định nơi ở của người này cũng như nêu vấn đề trên với phía Trung Quốc. Người này sau đó được xác định là ông Michael Spavor, một doanh nhân sống ở TP Đan Đông, phía Bắc Trung Quốc và đang điều hành các hoạt động giao lưu văn hóa với Triều Tiên.
Ông Spavor điều hành tổ chức Paektu Cultural Exchange. Tên tuổi của ông khá nổi sau khi ông hỗ trợ thu xếp chuyến thăm Triều Tiên của ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman. Ông Spavor trong dịp đó đã có cơ hội gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Có một chi tiết đáng chú ý là ông Spavor và ông Kovrig có quen biết nhau. Ông Spavor dự kiến tới Seoul trong tuần này trên chuyến bay từ Trung Quốc ngày 10-12, nhưng ông đã không tới Seoul.
Các quan chức Canada cho biết Trung Quốc đến nay vẫn chưa liên hệ vụ giam giữ ông Kovrig với vụ bắt giữ giám đốc tài chính Meng Wanzhou tại Vancouver hôm 1-12. Thế nhưng, các chuyên gia ngoại giao Canada cho rằng hai trường hợp này có liên quan với nhau. Bà Meng đã được tại ngoại hôm 12-12 và dự kiến xuất hiện tại phiên tòa khác vào ngày 6-2 năm tới.
Ông Michael Spavor, công dân Canada bị mất tích tại Trung Quốc. Ảnh: Globe and Mai
Hiện Mỹ cũng chưa đưa ra kiến nghị dẫn độ chính thức đối với bà Meng. Một khi yêu cầu này được đưa ra, bộ trưởng tư pháp Canada sẽ phải quyết định liệu có dẫn độ bà Meng sang Mỹ hay không. Một quan chức cho hay bộ trưởng tư pháp Canada có thể từ chối yêu cầu của Mỹ nếu họ phát hiện có mục đích không chính đáng.
Các quan chức chính phủ Canada trước đó cho rằng bà Meng có nhiều lựa chọn pháp lý để chống việc bị dẫn độ và quá trình này có thể mất vài năm.
Trong khi đó, tờ Global Times (Trung Quốc) hôm 13-12 cho rằng Canada nên tránh xa chủ nghĩa bá quyền của Mỹ và thực hiện nghĩa vụ của mình để giúp duy trì trật tự quốc tế cũng như bảo vệ nhân quyền. Theo tờ báo này, Canada có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng ngay lập tức bằng cách phóng thích bà Meng vô điều kiện, thay vì đóng vai trò là "bang thứ 51" của Mỹ.