Cổng cưới miền Tây giá từ vài chục đến hơn 100 triệu: Người trong nghề chỉ ra điểm khác biệt tạo nên sự đắt đỏ
Cổng cưới miền Tây thịnh hành trở lại, doanh thu của chủ thi công có thể lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Những chiếc đám cưới nổi bật của người nổi tiếng dạo gần đây như Puka - Gin Tuấn Kiệt, diễn viên Hà Trí Quang - Thanh Đoàn... khách mời quen mặt còn là chiếc cổng cưới hết sức độc đáo - cổng cưới rồng phượng, một nét đẹp đặc trưng trong lễ cưới truyền thống miền Tây.
Có gì đặc biệt ở chiếc cổng cưới miền Tây đang hot?
Thoạt nhìn chiếc cổng cưới được làm từ quả cau, ớt, đậu đũa, đậu bắp, lá dứa, lá dừa… mọi người rất dễ lầm tưởng vật dụng cây nhà lá vườn thì giá thành sẽ không đáng là bao. Nhưng cổng cưới lá dừa lá dứa cũng có “năm bảy" loại, loại mà những nhà có điều kiện, hội nghệ sĩ quê miền Tây chọn dĩ nhiên cũng ấn tượng và hoành tráng hơn hẳn loại cổng thường thấy ở những đám cưới bình dân.
Những chiếc cổng cưới "cây nhà lá vườn" phiên bản “luxury" cần diện tích nhà rộng để dựng.
Anh Trần Văn Ngọt (tỉnh An Giang), người vừa thi công cổng cưới cho Puka - Gin Tuấn Kiệt, diễn viên Hà Trí Quang cho biết: “Thông thường gia chủ đặt một chiếc cổng cưới miền Tây nếu kích thước nhỏ, có chiều ngang 5 mét, chiều cao 3 mét sẽ khoảng 15 - 20 triệu đồng, cổng kích thước trung bình chiều ngang 8-10 mét và chiều cao khoảng 4,5 mét thì giá khoảng 35 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng. Tất nhiên sẽ dao động tuỳ vào yêu cầu của khách về mẫu mã, độ cầu kỳ, nhiều hay ít hoa tươi…”
Anh Ngọt tiết lộ thêm, khoảng 2 tuần trước anh vừa thi công một chiếc cổng cưới rồng phượng có giá lên đến 130 triệu đồng. Đây là chiếc cổng cưới lớn rộng tận 11 mét gồm 2 mặt trong và ngoài.
Anh Nguyễn Tiến Đạt (10 năm thi công tạo hình trái cây, ngụ tỉnh Bình Dương) cũng chia sẻ cổng cưới rồng phượng anh thường thực hiện có giá khoảng từ 20 - 35 triệu đồng. "Cổng rồng phượng sẽ không xuất hiện phổ biến bằng các cổng cưới hiện đại vì giá thành cao, cần phải có diện tích đủ để dựng được cổng."
Nhưng cổng cưới cây nhà lá vườn này nhìn hoành tráng và được chế tác công phu nhưng chỉ sử dụng được một lần, duy trì độ tươi xanh trong khoảng 2 ngày chứ không hơn. Đội ngũ thi công chỉ có thể tái sử dụng lại được bộ khung bao gồm mút xốp, thanh sắt… còn toàn bộ nguyên liệu tươi đành bỏ.
Vậy giá thành cổng cưới miền Tây cao nhưng tại sao nhiều người vẫn sẵn sàng rút hầu bao đặt hàng?
Anh Tiến Đạt lý giải: “Đa phần khách hàng hiện nay biết đến cổng rồng phượng rồi sẽ muốn tái hiện, lưu giữ nét đẹp văn hoá lễ cưới truyền thống cho ngày trọng đại của mình. Phần khác, kinh tế hiện tại ổn hơn xưa và suy nghĩ chi tiêu cũng khác xưa, nên mọi người cũng mạnh dạn chi để ngày mình cưới được lộng lẫy nhất có thể.”
“Khách hàng quyết định đầu tư cho một cổng cưới vì họ tôn trọng người thân, khách quý đã mời đến tham dự lễ cưới. Ngoài ra, cũng thể hiện gia chủ cũng là người có gu thẩm mỹ cao, yêu thích cái đẹp cộng với sự cầu kỳ, tỉ mỉ.” - anh Ngọt nói.
Lý do cổng cưới “cây nhà lá vườn" có giá từ chục triệu đến hơn trăm triệu
Một chiếc cổng cưới làm bằng hoa tươi thông thường sẽ có giá khoảng 4 - 7 triệu đồng. Tuy nhiên, một chiếc cổng cưới được kết từ cau, ớt, lá cây… sẽ có giá trung bình gấp 5 lần.
Anh Tiến Đạt giải thích: “Vấn đề ở chỗ thi công. Cổng cưới hiện đại bằng hoa tươi thi công đơn giản hơn nhiều. Trong khi cổng cưới hoa tươi dễ mua nguyên liệu thì cổng rồng phượng nếu trái mùa tìm nguyên liệu rất khó, lại không đạt chuẩn theo ý mình. Hơn nữa nhân lực thi công cổng hoa tươi cũng ít hơn mà thời gian thi công cũng ngắn ngày hơn.”
Anh Ngọt chia sẻ cụ thể, với mỗi cổng rồng phượng này trung bình cần khoảng 4 người thi công trực tiếp trong 2-3 ngày tại nhà khách hàng, cổng lớn thì cần đến 9 người thi công. Trước đó cần thêm 1 ngày chuẩn bị, xử lý nguyên vật liệu để đảm bảo độ tươi mới khi đi xa. Ngoài ra về phần khung để kết hình rồng phượng, có khi mất đến 15 ngày để hoàn thiện bộ khung theo yêu cầu của khách.
“Đặc biệt là kết nguyên liệu lên khung để tạo từng chi tiết, làm cho tổng thể nhìn có hồn rất khó. Khác biệt và đắt giá của cổng cưới rồng phượng ở chỗ tay nghề tạo hình.” - Anh Ngọt nhận định.
Cận cảnh một chiếc cổng mà đội anh Tiến Đạt thực hiện.
Nhờ mạng xã hội mà cổng cưới miền Tây hồi sinh mạnh mẽ, độ nhận diện rộng rãi hơn thì đơn đặt hàng thi công cũng nhiều hơn trước. Đơn cử, anh Ngọt cho biết mỗi tháng anh thi công khoảng 7-10 cổng cưới, tháng nào cao điểm chẳng hạn tháng 10, tháng 11 anh nhận lên đến 15 đơn đặt hàng. Hơn nữa, cổng cưới độc đáo này không chỉ chuộng trong phạm vi miền Tây mà các gia chủ ở tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương rất cũng yêu thích.
Với mỗi chiếc cổng cưới rồng phượng có giá trung bình khoảng 20 - 30 triệu đồng, có thể ước lượng thu nhập của "nhà thầu" thi công cổng cưới là không nhỏ. Chưa kể, thù lao sẽ hậu hĩnh hơn nếu biết tối ưu thời gian thi công, khéo léo tận dụng lại khung và tính toán tốt trong tạo hình.
Ekip của anh Ngọt trong quá trình thi công.