Công bố 40 sản phẩm Make in Viet Nam 2022: Giải pháp phân tích chất thải hữu cơ của Rynan, nền tảng quản lý tiêm chủng Vaccine của Viettel được vinh danh
4 giải vàng Make in Viet Nam 2022 đã được trao cho Giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng hải sản – CTCP Rynan Technologics Vietnam, Nền tảng quản lý tiêm chủng Vaccine phòng Covid-19 quốc gia - Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, Nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud - Công ty FPT Smart Cloud, và Nền tảng quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov - Công ty CP MISA.
Lễ công bố và vinh danh “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2022 vừa diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) với chủ đề “Hệ sinh thái công nghệ số Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”. Diễn đàn VFTE 2022 được chủ trì bởi Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và điều hành bởi Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.
Theo đó, 40 giải pháp được trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2022 là những sản phẩm xuất sắc đã có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số.
Các giải pháp trao giải nằm trong các hạng mục Sản phẩm số tiềm năng, Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số, Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số, và Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số.
Trong hạng mục Sản phẩm số tiềm năng, giải vàng được trao cho Giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng hải sản – CTCP Rynan Technologics Vietnam. Rynan Technologics Vietnam là doanh nghiệp của “ông Việt kiều té giếng” Nguyễn Thanh Mỹ, đặt trụ sở ở Trà Vinh, với ước mong xây dựng nơi này thành Thung lũng Silicon thu nhỏ của Việt Nam. Giải bạc được trao cho giải pháp Metric nền tảng dữ liệu thương mại điện tử - CTCP Khoa học dữ liệu.
Trong hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số, giải vàng thuộc về Nền tảng quản lý tiêm chủng Vaccine phòng Covid-19 quốc gia của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, giải bạc thuộc về Giải pháp truyền tải nội dung số trên hạ tầng Internet của CTCP VieOn.
Với hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số, Nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud - Công ty FPT Smart Cloud - giành giải vàng, giải bạc thuộc về Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS của CTCP MISA.
Tại hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số, MISA tiếp tục giành giải vàng với giải pháp Nền tảng quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov. Siêu ứng dụng MoMo của CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến giành giải bạc.
"Doanh nghiệp công nghệ là một trong các lực lượng quyết định Việt Nam có đi nhanh được không", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ. "Điều mừng nhất là còn nhiều dư địa, nhưng không được quá mơ mộng, cần có hành động thật”.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp số "đừng khoe nhiều giải pháp trung gian. Mục đích cuối cùng của Chính phủ, người dân là sử dụng". Ông dẫn ra các ví dụ về các bài toán cụ thể, như ứng dụng du lịch qua điện thoại, số hoá các điểm đến, có phiên dịch cho người nước ngoài, hay công nghệ có thể tự động đo lưu lượng giao thông...
Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức lần đầu vào năm 2019, đã đưa công nghệ số Việt Nam sang giai đoạn mới - nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam. Diễn đàn năm 2020 tuyên bố không "Make in Viet Nam" thì Việt Nam không thành nước phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường và thịnh vượng. Trong khi đó, diễn đàn lần III năm 2021 đặt ra các bài toán chuyển đổi số trong việc xây dựng nền tảng chuyển số quốc gia, đã hành động quyết liệt và hiệu quả tạo động lực phục hồi kinh tế.
"Công nghệ số tiếp tục là điểm sáng, khi năm 2022 doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, doanh nghiệp công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động; xuất khẩu công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vai trò của công nghệ số trong đổi mới số sáng tạo", Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết.