Sếp MoMo hiến kế hút nhân tài công nghệ về nước: Miễn thuế thu nhập cá nhân trong 10 năm!
Là startup Việt thuần Việt, MoMo hiện có trên 2.000 nhân viên. Toàn bộ lãnh đạo, nhân viên công ty đều là người Việt Nam. Để phát triển những mô hình đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng cần có một lượng nhân sự rất lớn từ trong nước và ngoài nước.
"Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhấn mạnh những “lão làng” trong giới công nghệ giờ đã hơn 20 năm tuổi trở lên thì đâu đó MoMo cũng đã hoạt động được 15 năm. Chúng tôi khởi đầu vào năm 2007, đến năm 2010, chúng tôi bắt đầu triển khai ví điện tử đầu tiên trên sim/card điện thoại với Vinaphone (tương tự như Mobile Money hiện nay). Năm 2014, chúng tôi bắt đầu làm ứng dụng (application).
Điều đặc biệt là năm 2016, MoMo có 1 triệu khách hàng đầu tiên nhưng đến 2019 chúng tôi có 10 triệu khách hàng. Trong 2 năm có đại dịch Covid-19 (2020-2021), chúng tôi tăng trưởng thêm mỗi năm 10 triệu người dùng. Tức chỉ trong 2 năm chúng tôi tăng trưởng với tốc độ tương đương 20 năm thông thường. Hiện nay MoMo chiếm khoảng hơn 50% thị phần ví điện tử với hơn 31 triệu người dùng toàn quốc ", ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch MoMo mở đầu bài tham luận trong sự kiện Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV.
Tên tuổi của MoMo cũng được đặt cạnh các thương hiệu lớn, lâu đời như Samsung, Panasonic, Vietnam Airlines, Kinh Đô,... trong danh sách 10 thương hiệu tốt nhất Việt Nam 2022 do YouGov công bố.
Chỉ là ứng dụng thanh toán thì khó phát triển tại Việt Nam
Theo ông Diệp, nếu chỉ phát triển ứng dụng thanh toán thì khó phát triển tại Việt Nam, mà cần mở rộng thành siêu ứng dụng. Được biết nhiều đến với tính năng thanh toán nhưng trên thực tế, MoMo hiện đã phát triển thành một siêu ứng dụng, cung cấp đa dịch vụ từ chuyển tiền, thanh toán đến mua sắm dịch vụ ăn uống, đi lại, giải trí, du lịch, khách sạn, thậm chí là quyên góp và đặc biệt là các dịch vụ tài chính, bảo hiểm,… Ví dụ hiện ở TP.HCM, người dùng có thể dùng MoMo để thanh toán tất cả các loại dịch vụ trên.
Và cùng với đó là các giải pháp dành cho nhóm doanh nghiệp quy mô từ nhỏ đến lớn. Đơn cử, với các tiểu thương, họ rất quan tâm giải pháp là gì, có tốn chi phí không, hiệu quả không. Do đó, MoMo cung cấp giải pháp đơn giản nhất là thanh toán QR Code, tích hợp dễ dàng, miễn phí.
Ở mức độ cao hơn, nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, siêu ứng dụng này cũng có giải pháp cùng với Nhanh.vn cung cấp dịch vụ quản lý kinh doanh, tiếp thị đa nền tảng. Hay đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B muốn có giải pháp trọn gói từ quản lý, vận hành thì cũng có thể đáp ứng.
Đối với doanh nghiệp lớn, quy mô lớn hơn, đã có ứng dụng hay website riêng, đơn vị này lại tạo ra nền tảng Mini App, cho phép nhúng trực tiếp nền tảng của họ vào nền tảng của MoMo, tiếp cận hơn 31 triệu người dùng, triển khai các chương trình ưu đãi, tương tác với khách hàng ngay trên nền tảng MoMo.
Đáng nói, MoMo hiện là nền tảng thiện nguyện điện tử lớn nhất Việt Nam. Thông qua nền tảng này, đã có hơn 8,2 triệu người tham gia đóng góp cho các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Trong hơn 3 năm qua, MoMo đã kết nối với hơn 36 tổ chức bao gồm chính phủ, phi chính phủ,... huy động số tiền quyên góp hơn 167 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp đỡ được hơn 223.000 cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà chống lũ, hỗ trợ tiền tuyến chống Covid-19,...
Siêu ứng dụng MoMo cũng không bỏ qua "miếng bánh" đầu tư tiềm năng khi phối hợp với các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp để triển khai dịch vụ mua bán Chứng chỉ quỹ, giúp người dùng đầu tư từ 10.000 đồng. Ông Nguyễn Bá Diệp cho hay, trong vài tháng triển khai sản phẩm này, lượng khách hàng thu hút được đã nhiều hơn tổng số tài khoản nhà đầu tư chứng chỉ quỹ của toàn thị trường trong nhiều năm trước đó.
Hiến kế phát triển nhân lực công nghệ
MoMo được đánh giá là "tay chơi" bền bỉ và thành công nhất ở thời điểm hiện tại trong lĩnh vực Fintech nói riêng và giới startup Việt nói chung. Sau 15 năm, doanh nghiệp này hiện có hơn 2.000 nhân viên, trong đó hơn một nửa là kỹ sư công nghệ. Nhà đồng sáng lập MoMo cũng tự hào chia sẻ, toàn bộ lãnh đạo, nhân viên công ty đều là người Việt Nam.
Để phát triển những mô hình đổi mới sáng tạo, chưa bao giờ có, bên cạnh việc cần xây dựng cơ sở pháp lý phù hợp, ông Diệp cho rằng cần có một lượng nhân sự rất lớn từ trong nước và ngoài nước.
"Mục tiêu của quốc gia đặt ra là 1 triệu kỹ sư, 1.000 doanh nghiệp thì cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt. Ví dụ như miễn phí thu nhập cá nhân trong 10 năm. Tôi tin rằng đó sẽ là động lực rất lớn để đạt được mục tiêu, thu hút được nhân sự nước ngoài quay về đóng góp cho đất nước", ông Diệp bày tỏ.
Bên cạnh đó, đại diện MoMo cũng thẳng thắn bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện tham gia vào các dự án của Chính phủ, những thử nghiệm lớn như tập đoàn lớn như Viettel hay VNPT. Điều này tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp mà còn xã hội số phát triển hơn nữa.