Công an TP HCM kiểm tra 10.000 cơ sở về công tác phòng cháy chữa cháy

29/09/2023 07:02 AM | Xã hội

Qua kiểm tra, Công an TP HCM phát hiện, xử lý 1.541 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 2,4 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 3 cơ sở, tạm đình chỉ 3 cơ sở.

Chiều 28-9, UBND TP HCM họp báo cung cấp tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu - Công an TP HCM, cho biết Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, công an các quận, huyện, TP Thủ Đức nhanh chóng tham mưu ban hành kế hoạch, đồng loạt ra quân tổng rà soát, kiểm tra địa bàn.

Công an TP HCM kiểm tra 10.000 cơ sở về công tác phòng cháy chữa cháy - Ảnh 1.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ liên quan đến xe đạp điện

Bước đầu, các lực lượng đã kiểm tra 10.000 cơ sở, phát hiện, xử lý 1.541 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 2,4 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 3 cơ sở, tạm đình chỉ 3 cơ sở.

Theo thượng tá Hà, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ liên quan đến xe đạp điện. Khi các phương tiện sử dụng năng lượng điện tăng thì theo quy luật, nguy cơ cháy xe đạp điện, xe máy điện cũng tăng.

Hai nguyên nhân chính là tâm lý chủ quan và thói quen sạc qua đêm không có người trông coi, sạc xe ngay sau khi sử dụng lúc pin còn nóng, mua sắm phương tiện giá rẻ không đảm bảo chất lượng.

"Xe điện sử dụng nhiều loại ắc quy, pin nhưng phổ biến nhất là loại pin lithium ion. Loại pin này khi cháy, nổ sẽ khó dập tắt bằng bình cứu hỏa thông thường do các phản ứng hóa học"- thượng tá Hà nói.

Ông cũng đưa ra khuyến cáo trong quá trình sạc cho xe máy, xe đạp điện, các tủ điện, thiết bị điều khiển và cấp nguồn cho trạm sạc cần đặt ở nơi khô ráo, ngăn cách với khu vực có nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Vị trí sạc xe điện cũng cần ngăn cách với khu vực để xe động cơ khác. Khi sạc điện, người dân không để xe bên trên hoặc gần vật dụng, hàng hóa dễ cháy nổ, gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt. Đồng thời, người dân cần thường xuyên kiểm tra xe khi sạc để kịp thời phát hiện xử lý ngay sự cố, không sạc xe qua đêm.

Nhiều người dân phản ánh khó tìm mua các thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) như thang dây, mặt nạ chống khói trên địa bàn TP HCM ở thời điểm hiện tại. Trước tình trạng trên thị trường xuất hiện nhiều loại bình chữa cháy giá rẻ, không có tem, nhãn, Sở Công Thương có biện pháp nào để bảo đảm người dân mua được thiết bị phòng cháy chữa cháy chất lượng tốt?

Đại diện Sở Công Thương TP HCM đã trả lời câu hỏi này tại buổi họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Cụ thể, ông Lê Đình Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính tổng hợp, Sở Công Thương - cho biết do đây là các sản phẩm đặc thù nên việc quản lý các thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy, bảo hộ cá nhân, phương tiện cứu người thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của Bộ Công an. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp với cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy khi có yêu cầu.

Theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 136 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC thì Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về PCCC trong phạm vi cả nước.

PHAN ANH - THANH NHÂN

Cùng chuyên mục
XEM