Còn trẻ nên đầu tư gì để được lợi cả đời?: Yêu một mối tình sâu đậm, làm những điều dị thường, thời gian là vốn liếng quý nhất của tuổi trẻ

22/04/2018 13:43 PM | Sống

Hãy để mọi việc bạn làm nảy sinh sự thay đổi theo thời gian.

01

Khi tôi còn học đại học, xung quanh tôi có rất nhiều bạn cùng lớp và cả bạn thân đều đã từng có mong muốn làm nên một vài chuyện lớn lao nào đó. Họ đã lên rất nhiều kế hoạch, cũng đã làm thử không ít. Trong đó có một người bạn cùng lớp hạ quyết tâm không để quãng đời sinh viên bị uổng phí, đã từng mất hết mấy đêm để lập ra một bản kế hoạch mà cậu ta nghĩ là “Cực. Kỳ. Ngầu!” cho bản thân mình.

Trong bảng danh sách được nắn nót cẩn thận này, không chỉ có mỗi ngày phải học bao nhiêu tiếng, đọc những loại sách nào, còn có cuối tuần phải rèn luyện thể thao như thế nào, đi làm thêm bao nhiêu tiếng, thậm chí ngay cả lúc nghỉ ngơi phải thư giãn ra sao, chơi game bao lâu,... đều được viết ra ngay ngắn từng hàng một. 

Vì để nhắc nhở bản thân mình mọi lúc, nhất là phòng trường hợp bản thân không làm được lại xé mất bản kế hoạch, cậu ta đã dùng cả một cuộn băng dính dán thật chặt bản kế hoạch lên góc học tập cạnh giường ngủ.

Cậu ta dán rất nhiều lớp, kín mít, cho đến nỗi lúc tốt nghiệp, chúng tôi dùng dao rọc giấy vừa chọt vừa cạy mất hơn một tiếng đồng hồ cũng không làm sạch hết được. Bản kế hoạch này cuối cùng không mang đến bất kì sự thay đổi nào cho quãng đời đại học của cậu ta. 

Bởi vì các kế hoạch trên đó được cậu ta kiên trì chưa đến một tháng thì đã từ bỏ, nhưng trong những năm tháng tiếp theo của thời đại học, mỗi khi nhắc đến cậu ta mọi người đều sẽ trêu đùa một chút về chuyện này.

Bản kế hoạch “không xé nổi” ấy đã trở thành một bằng chứng đầy mỉa mai trong quãng đời sinh viên nhạt màu của cậu ta. Câu chuyện này mang đến một sự khuấy động rất lớn dành cho chúng ta, nó giúp ta biết rằng: Khi còn trẻ, cho dù bạn biết thêm bao nhiêu việc có lợi cho sau này, cho dù bạn hạ bao nhiêu quyết tâm, lên kế hoạch chu đáo thế nào thì bạn vẫn có thể chẳng làm nên trò trống gì. 

Trước khi bạn đọc được bài viết này thì đã có vô số đáp án cho câu hỏi “Nên làm gì ở tuổi 25” trên mạng xã hội. Ví dụ còn trẻ thì nên đọc sách, nên biết chăm lo quản lý tài chính, nên rèn luyện thể thao... đều được diễn đạt rất có lý, nhưng đều không làm được. Đây cũng không phải lần đầu tiên bạn nhìn thấy những bài viết như thế này. 

Vậy thì, bây giờ xin bạn hãy tự hỏi bản thân một cách nghiêm túc: 

- Bạn đã đọc, đã lưu lại bao nhiêu bài viết mà bạn cảm thấy nhất định sẽ hữu ích trong tương lai? Mà trong số đó, có bao nhiêu việc được bạn kiên trì? 

- Bạn đã hiểu được nội dung, cũng biết nên làm những gì, tại sao bạn không làm được? 

- Liệu có ai đã từng suy nghĩ nghiêm túc về điều này?

Còn trẻ nên đầu tư gì để được lợi cả đời?: Yêu một mối tình sâu đậm, làm những điều dị thường, thời gian là vốn liếng quý nhất của tuổi trẻ - Ảnh 1.

02 

Tôi đã từng suy nghĩ về điều này. Vài tháng sau khi tốt nghiệp đại học, tan ca xong tôi lại nhốt mình trong một căn phòng trọ nhỏ hẹp, chật chội, liên tục lược bỏ các sự việc để đúc kết lại những con đường vòng, những lối rẽ sai lầm và những con đường rút lui mà tôi đã đi hơn mười năm qua.

Tôi cũng phân tích sự hèn nhát, mông lung và nghi hoặc trong con người mình theo cách dứt khoát và nhẫn tâm nhất. Tôi suy nghĩ vấn đề này trong một thời gian dài, cho đến một ngày kia tôi đột nhiên tỉnh ngộ.

Nguyên nhân mà chúng ta không thể làm được là vì hầu hết mọi người đều không có cách nào liên hệ những chuyện trước mắt hoặc những chuyện sắp phải làm với lợi ích nhận về sau này.

Suy cho cùng, người xưa có câu: “Vàng cách một ngọn núi không bằng đồng đã đến tận tay”, người ta thường hay ao ước những thứ người khác có mà quên trân trọng những thứ xung quanh mình. 

Tôi cũng không kiếm cơm bằng nghề nhà văn, đọc nhiều sách như thế thì có ích gì?

Làm một tháng lương được bao nhiêu đâu, học cách quản lí tài chính thì có ích gì?

Đã trông như vậy rồi, rèn luyện thân thể thì có ích gì?

Tôi lại không muốn ra nước ngoài, không thi vào bộ , không xin làm tại công ty ngoại, bạn bảo tôi bỏ tiền túi ra để học tiếng Anh không phải là làm trò cười hay sao?

Mà nguyên nhân sau khi tốt nghiệp tôi mới bắt đầu “suy nghĩ nghiêm túc và tổng kết cuộc đời mình” cũng là bởi vì khi vừa đi làm thì tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi. 

Con người thường là vậy, nước đến chân mới nhảy. Đa phần mọi người đều thiển cận, họ cảm thấy rất khó để trì hoãn mong muốn trước mắt, cũng giống như việc nhìn thấy một món đồ yêu thích và muốn sỡ hữu ngay lập tức vậy. 

Suy nghĩ không thông suốt vấn đề trên thì cho dù một doanh nhân nổi tiếng đứng trước mặt bạn, viết cho bạn 99 điều mà tuổi trẻ nên làm thì bạn vẫn rơi vào hoài nghi và lãng phí thời gian, không kiên trì nổi một việc nào. 

Trừ phi ông ta có thể khẳng định với bạn, làm xong 99 điều này, bạn sẽ có thể tiếp quản công việc của ông ta, tốt nhất là vì để giữ lòng tin vững chắc của bạn, ông ta cũng kí thêm với bạn một bản cam kết thì bạn mới yên tâm.

Còn trẻ nên đầu tư gì để được lợi cả đời?: Yêu một mối tình sâu đậm, làm những điều dị thường, thời gian là vốn liếng quý nhất của tuổi trẻ - Ảnh 2.

03

Vậy thì chúng ta nên hành động như thế nào để điều đó không còn là lí thuyết chỉ biết nằm im trên mặt giấy? Theo quan niệm “lạ lùng” này, tôi đã chia những việc mà tuổi 25 nên làm thành bốn nhóm: 

- Đầu tiên là việc học tập các kĩ năng. Có một số kỹ năng, một khi chúng ta đã học thì sẽ không thể quên được. Có thể bạn vừa thi học kì xong thì đã trả lại hết kiến thức hình học không gian, đại số tuyến tính cho thầy cô sau vài tháng, nhưng nếu như bạn đã từng học bơi, đi xe đạp,... ngay từ nhỏ thì cho dù mấy chục năm sau bạn không đụng vào, chỉ cần cho bạn nửa giờ đồng hồ bạn vẫn có thể nhớ lại hết toàn bộ. 

Do đó, xin hãy học nhiều những kĩ năng như thế nhân lúc còn trẻ và sau này bạn sẽ không cần phải lãng phí quá nhiều thời gian cho việc này nữa. Ví dụ như một số kĩ năng về nhạc cụ, thể thao liên quan đến sở thích, kĩ năng về nấu ăn, bơi lội, lái xe liên quan đến chất lượng cuộc sống, hoặc các kĩ năng liên quan đến nghề nghiệp sau này... 

Danh sách này có thể được liệt ra rất dài, hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu thời gian và bạn muốn làm gì, đặc điểm của kiểu học tập này là chỉ cần bạn làm thì sẽ thấy được hiệu quả, bởi vì đây là hành động ứng với quy luật 10.000 giờ. 

- Thứ hai là những việc có lợi ích nhận về liên quan đến độ dài ngắn của thời gian. 

Nếu nói việc học tập các kĩ năng ở trên vẫn có khả năng xảy ra tình trạng học cả buổi mà bạn vẫn không biết làm hoặc học xong không ứng dụng được, vậy thì việc sau, chỉ cần bạn đầu tư thời gian vào nhất định sẽ liên tục nhìn thấy “lợi nhuận”. 

Ví dụ như tiết kiệm tiền, bắt đầu từ khi tôi tốt nghiệp đại học thì vẫn luôn duy trì thói quen tiết kiệm một khoản tiền nhất định vào mỗi tháng, tất cả thu nhập và chi tiêu trong những năm qua đều được tôi ghi chép trên bảng Excel riêng. 

Thậm chí hiện tại dù thu nhập đã cao hơn trước, xuất hiện thêm nhiều cách đầu tư tài chính thì tôi vẫn kiên trì giữ lại một khoản tiền cố định, vì khi nhìn thấy những con số tăng lên theo từng tháng có thể mang đến cho tôi cảm giác chắc chắn và yên tâm.

Ví dụ như ghi chép, có thể bạn sẽ quên những kiến thức mà bạn đã đọc trong sách, nhưng những trích đoạn và câu nói hay được chép ra thì luôn được giữ lại trên giấy.

Hoặc như việc xã giao, trong thời gian rảnh rỗi, bạn quen biết thêm một người đồng nghĩa trong tương lai bạn không chỉ tăng thêm một mối quan hệ... Tương tự, danh sách này cũng có thể không ngừng mở rộng, tùy thuộc vào bạn sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu thời gian để suy nghĩ và đúc kết. 

- Thứ ba là đầu tư thời gian vào những cơ hội mang tính đột phá. 

Sự khác biệt giữa hai câu chuyện cá chép hóa rồng và vịt con xấu xí biến thành thiên nga xinh đẹp là cá chép vốn không phải rồng, trong khi vịt con xấu xí trời sinh đã là thiên nga. 

Nhóm “cá chép” muốn thay đổi đòi hỏi phải trải qua rất nhiều cú vấp sứt đầu mẻ trán mới tích lũy được một chút khả năng đó, còn nhóm “vịt con” muốn thay đổi về lí mà nói chỉ cần chờ đợi diễn biến tự nhiên của câu chuyện. Miễn là những người không quá đắm chìm vào kiểu nhân vật trong mơ trên phim ảnh đều tỉnh táo nhận ra rằng phần lớn chúng ta đều thuộc nhóm “cá chép” trong cuộc sống thực tại. 

Vì vậy khi còn trẻ nếu bạn có thời gian thì đừng ngại mạnh dạn thử nghiệm, ví dụ như thi một vài chứng chỉ tương đối khó, sau khi đậu rồi thì nó là của bạn (không bao gồm những chứng chí phải hao phí một lượng lớn tiền bạc). 

Nếu như có một chút sở trường, có thể thường xuyên tham gia một vài cuộc thi, thắng thì rất có thể thay đổi số phận từ đó, thua thì rút được kinh nghiệm... 

Cho dù tất cả những việc này sau cùng vẫn không tạo ra đột phá, nó cũng chỉ hao phí chút ít thời gian, hoặc lấy mất khoảng thì giờ mà ban đầu bạn định dùng vào việc chơi game, xem tivi mà thôi, bù lại một khi đột phá, “cá chép” sẽ không phải sống trong ao hồ tù túng nữa. 

- Thứ tư là những việc tốn thời gian ngắn nhưng mang đến lợi ích lâu dài. 

Nhiều người đã làm giàu nhờ thật nhiều trải nghiệm xuất phát từ sở thích của mình. Những người ưa thích dịch chuyển thậm chí được trả tiền để đi du lịch, họ kiếm thu nhập bằng cách chia sẻ những phong cảnh đẹp và kiến thức hữu ích trong chuyến đi trên báo hoặc tài khoản mạng xã hội.

Bản thân thời gian cũng là một loại vốn, nhưng nhiều lúc chúng ta khó cảm nhận được sức mạnh từ sự tích lũy nguồn vốn này. Sau cùng tôi xin nói thêm một điều, tuổi trẻ cũng nên tích lũy một vài trải nghiệm đặc biệt, bởi trải nghiệm cũng là một loại tài sản. 

Một người sống hoàn toàn theo quy tắc, nắm bắt chính xác tất cả sự việc và một người sống quá buông thả, lãng phí quá nhiều thời gian, theo ý kiến ​​của tôi thì bản chất đều như nhau, họ đã bỏ lỡ vô số khoảnh khắc thú vị mà cuộc sống ban tặng. 

Cho nên nhân lúc còn trẻ, trải qua một cuộc tình sâu sắc, kết thân với vài người bạn tính cách thất thường nhưng chân thành, làm những việc khiến bạn lo sợ nhưng đã vụt mất rồi thì nuối tiếc vô cùng... không có gì xấu cả. Cùng lắm là khi còn trẻ chưa đủ chín chắn nên đã đi đường vòng. Chỉ cần vẫn còn thời gian, chúng ta vẫn có thể quay trở lại đúng hướng.

Còn trẻ nên đầu tư gì để được lợi cả đời?: Yêu một mối tình sâu đậm, làm những điều dị thường, thời gian là vốn liếng quý nhất của tuổi trẻ - Ảnh 3.

04 

Tất cả những việc liên quan đến đầu tư thời gian ở phần trên thật ra nếu nhìn ở góc độ khác đều đang nói đến cùng một việc: Phải để mọi việc bạn làm nảy sinh sự thay đổi theo thời gian.

Khi chúng ta còn trẻ đã từng đắm chìm vào rất nhiều sự vật và sự việc, đều là những sự kiện rời rạc trong dòng chảy thời gian. Ví dụ như chơi game, trừ phi bạn đạt thành tựu còn không thì chơi bao nhiêu năm cũng không mang đến sự thay đổi thật sự nào. Lần này bạn có thể giết năm tên, lần sau bạn có thể “chết”. Ở tài khoản này bạn chơi đạt cấp cao, sang tài khoản khác vẫn phải chơi lại từ con số không.

Tương tự như vậy còn có các chương trình giải trí vô nghĩa mà khi bạn xem xong vừa ngủ dậy thì đã quên mất như xiên thịt nướng xxx đồng và những kẻ phàm ăn, ngủ nướng đủ 18 tiếng một lần, chương trình học từ vựng mà mỗi lần vừa đọc đến "abandon" thì lại muốn bỏ cuộc...

Tất cả những việc này đều giống như đang ném một đồng xu, hôm nay bạn ném nó một lần, ngày mai bạn ném nó một lần, vốn không có sự khác biệt nào cả.

Việc bạn nên làm là dứt khoát vứt bỏ đồng xu kia đi, thử suy nghĩ và trải nghiệm những việc khiến bạn của ngày mai sẽ trông khác với bạn của hôm nay. 

Vật vẫn còn như xưa nhưng con người không còn như trước nữa, quy luật này luôn khiến người ta cảm thấy thổn thức, nhưng nếu như thời gian trôi đi nhiều như thế, người khác vẫn không nhìn thấy sự thay đổi từ bạn, điều này sẽ thật đáng buồn.

Việc đó cho thấy, trong một xã hội đang phát triển nhanh chóng, bạn đã trở thành kẻ bị thời gian kéo xuống vị trí thấp hơn người khác. Con người một khi qua tuổi 30 thì thật sự đã không còn bao nhiêu thời gian hữu dụng nữa. Công việc cố định, làm thêm giờ, thời gian đi lại, xã giao, gia đình và cả con cái đều sẽ chiếm hết khoảng thời gian tự do vốn đã không được nhiều của bạn.

Đầu 20, bạn có thể dành ra một hai ngày rảnh rỗi trong tuần để ngồi ngẩn ngơ, sau 30, rất có thể là dành ra chút ít thời gian trong một tháng để ăn một bữa cơm với bạn bè bạn cũng không làm được. Nếu như đã qua tuổi 30 mà vẫn lãng phí quá nhiều thời gian vào việc thi chứng chỉ, học lấy bằng lái, học bơi, đọc sách... bạn nào còn thời gian cho việc quan trọng hơn? 

Vậy nên rất nhiều người quen của tôi sau khi qua một độ tuổi nhất định đều sẽ đi “mua” thời gian. Đúng thế, vào giai đoạn nào đó thời gian sẽ mang một mức giá. Có tiền, bạn có thể thuê hoặc mua một căn nhà gần với nơi làm việc một chút, trong một ngày đã có thể tiết kiệm một hai giờ đồng hồ thời gian đi làm. 

Bạn có thể thuê hai bảo mẫu đến thay phiên trông chừng con nhỏ và làm việc nhà, như vậy khi bạn về nhà thời gian dành cho bạn chính là khoảnh khắc thật sự được ở cạnh con cái. Thậm chí nếu thỉnh thoảng bạn xem video trên ứng dụng, mua được thẻ thành viên cũng có thể giảm bớt thời gian chờ quảng cáo. 

Xã hội này vô cùng đa dạng, hầu như mọi thứ bạn đều có thể tìm người có chuyên môn đến làm thay. Những việc càng phiền hà, càng mất nhiều thời gian, thì càng xuất hiện trên thị trường.

Cái bạn cần là dành nhiều thời gian làm vốn liếng khi còn trẻ để đầu tư cho tương lai mới có thể nhận được “lợi nhuận” về sau, từ đó mua được khoảng thời gian khác quan trọng hơn. Một đời người rất quý giá, khi có thời gian đừng ngại suy nghĩ nhiều hơn làm thêm việc gì đó có ích để không đi thụt lùi so với mọi người.

Bởi vì, trái với bạn của mỗi một ngày về sau, bạn của bây giờ chính là bạn khi còn trẻ trung nhất.

Tranh minh họa: @SHOUT

Tu An

Cùng chuyên mục
XEM