Con trai hiểu sai ý nghĩa của đồng tiền, người mẹ có cách chấn chỉnh cực thông minh
Tiền bạc rất quan trọng, và trong hầu hết, nó sẽ đóng vai trò quyết định. Nhưng không phải lúc nào nó cũng là công cụ vạn năng.
Trên một diễn đàn lớn dành cho phụ huynh, một bà mẹ mới đây kể lại tình huống khó xử. Tuy nhiên, cách chị xử lý vấn đề nhận về hàng ngàn lượt yêu thích và đồng tình:
Cách đây vài ngày, trong lúc đang nằm chơi xem điện thoại, con tôi vô tình nhìn thấy đoạn video về một đứa trẻ sợ hãi tột độ vì bị bố răn dạy bằng đòn roi mạnh tay. Sau đó, thấy con ôm mặt khóc, người bố này nhét vào tay con vài tờ tiền không rõ bao nhiêu, gằn giọng: "Cầm tiền đi mua đồ chơi đi, lần sau đừng có mà làm biếng học hành". Đứa trẻ đang nước mắt lưng tròng, mặt ráo hoảnh đứng dậy, chạy đi như từng có gì xảy ra.
Con trai tôi xem xong clip, thừ người ra một lúc rồi quay sang hỏi mẹ: "Mẹ ơi, con phát hiện ra một sự thật, tiền bạc và bạo lực sẽ giải quyết được tất cả". Đang dở tay nấu ăn, tôi giật thột mình, lấy điện thoại con xem mới phát hiện ra đoạn clip nói trên. Vốn dĩ định trả lời qua loa vài điều rồi còn làm việc tiếp, nhưng nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tôi dừng tay, ngồi xổm xuống bằng con, nhìn thẳng vào mắt thằng bé rồi nói:
- Ồ, đúng không nhỉ? Đây là 200 ngàn đồng. Nếu con đổi ý, tiền này sẽ là của con. Đứa nhỏ do dự, có vẻ tiếc nuối một chút rồi bất đắc dĩ nói: "Mẹ, chuyện này làm sao được, sự thật không thể tùy tiện thay đổi!".
- Vậy theo con, tiền có giải quyết được vấn đề của con không? Đứa trẻ im lặng.
Lúc này, tôi hét lên: "Phát hiện sự thật nhảm nhí gì vậy chứ? Con mau thay đổi suy nghĩ nhanh". Đứa trẻ khóc. Lúc này tôi mới nhẹ nhàng nói: "Mẹ xin lỗi con, mẹ không cố ý mắng con. Nhưng con phải nghĩ lại, tiền và cả bạo lực có thể làm con thay đổi suy nghĩ, có điều vấn đề đã được giải quyết chưa?".
Con trai không nói gì, tôi nói tiếp: "Mẹ đã dùng tiền để con bị cám dỗ. Và nếu số tiền nhiều hơn, có thể con sẽ đổi ý. Mẹ cũng đã dùng bạo lực để khiến con nói khác đi vì con cảm thấy bị đe dọa, nhưng trái tim của con có thay đổi không? Bạo lực hay tiền bạc có thực sự giải quyết được tận gốc mọi vấn đề không?".
Chẳng hạn trong câu chuyện trên, đứa trẻ có thể vui mừng vì có tiền mua đồ chơi mà tạm quên đi chuyện bị đòn roi. Nhưng rõ ràng, nỗi sợ hãi khi bị đánh, vết thương tâm lý đó sẽ không thể vì vài tờ tiền được bố nhét vào tay mà quên đi được. Nếu là con, con có muốn bị mẹ đánh rồi "mua chuộc" con bằng một ít tiền hay không? Dĩ nhiên tiền là điều cần thiết, nhưng không bao giờ được sử dụng là công cụ để đạt được tình cảm.
Tại sao mẹ chưa từng đánh con mạnh tay như ông bố kia? Vì mẹ biết, đòn roi không làm con ham học, thậm chí còn làm con sợ hãi việc học. Lúc đó, con học bởi áp lực và nỗi sợ, không phải vì chính con thấy mình yêu thích. Một đứa trẻ sẽ không nhớ những gì chúng làm sai mà chỉ tập trung vào nỗi đau khi bị đánh.
Tiền bạc rất quan trọng, chúng ta không thể sống thiếu tiền, bố mẹ cũng đang lao động chăm chỉ cũng vì kiếm tiền để gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Và trong hầu hết, nó sẽ đóng vai trò quyết định. Nhưng không phải lúc nào tiền cũng là công cụ vạn năng. Con đừng hoang mang. Lúc này có thể nói con đã nhận ra gốc rễ của vấn đề, biết đâu là điểm hạn chế.
Hầu hết mọi người chỉ nhìn ra được bề ngoài của vấn đề, trong khi một số ít người nhận thấy bản chất thực sự, và điều này trực tiếp quyết định cách mọi người xử lý vấn đề. Trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể nghĩ các cách giải quyết khác nhau thay vì chỉ phụ thuộc vào tiền bạc hay bạo lực.
Đứa trẻ sau đó thở phào như vỡ ra nhiều điều. Còn bà mẹ nhận cơn mưa lời khen về cách ứng xử tinh tế. Trên thực tế, trong cuộc sống hàng ngày, nếu cha mẹ nhẹ nhàng, khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm và đáp lại bằng sự đồng cảm, hướng dẫn trẻ những chuẩn mực hành vi... sẽ giúp mối quan hệ cha mẹ-con cái khắng khít. Đồng thời, thông qua đó, trẻ sẽ tiếp cận được những quan điểm đúng đắn thay vì đi chệch hướng vì tự tìm hiểu. Đứa trẻ được tôn trọng cũng sẽ dùng cách nhẹ nhàng như vậy để đối xử với người khác.
Bên cạnh đó, không bao giờ là quá sớm cho việc giáo dục con về tiền bạc. Trong quá trình lớn lên của trẻ, sự thiếu nhận thức đúng đắn về tiền bạc khiến trẻ không hiểu hết ý nghĩa của đồng tiền, không biết cách sử dụng tiền và dễ sai lầm.
Dạy con không quá coi trọng vật chất
Hầu hết tất cả các triệu phú tự thân, hoặc bất kỳ ai đã đạt được thành công về tài chính, họ đều tin rằng, tiền rất quan trọng. Cha mẹ giàu thường cho con cái họ biết được tiền quan trọng như thế nào, bất kể là nó mang lại hạnh phúc hay là chất lượng cuộc sống cao hơn... Tiền mang lại sự tự do, cho phép họ lựa chọn nơi ở cao cấp nhất và khả năng giúp đỡ người khác. Họ biết rằng, khi có nhiều tiền, áp lực tài chính sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần dạy con, tiền không phải là tất cả. Những đứa trẻ coi trọng vật chất thường định hình niềm tin rằng thành công được đo bằng việc sở hữu những món đồ đắt tiền hay lượng lớn của cải vật chất. Điều này khiến chúng coi thường những người nghèo, có cái nhìn sai lệch về giá trị cuộc sống khi trưởng thành. Chúng sẽ đánh giá giá trị của một người qua những món đồ mà họ mang hay sở hữu.
Để dạy con không quá coi trọng vật chất, bố mẹ cần tránh những món quà nặng về vật chất. Bên cạnh đó, hình phạt liên quan đến tài sản như cắt tiền tiêu vặt, tịch thu đồ đắt tiền gửi đi thông điệp rằng trẻ sẽ không thể sống thoải mái nếu thiếu vật chất.
Phụ huynh hãy thảo luận với con về khái niệm tiền bạc, nhấn mạnh rằng tiền không mọc từ trên cây mà phải nỗ lực, chăm chỉ để kiếm được. Đừng quên nuôi dưỡng lòng biết ơn của trẻ. Lòng biết ơn giúp trẻ hiểu ra mọi món đồ đắt tiền đều không tự nhiên mà có, loại bỏ suy nghĩ hạnh phúc chỉ đến từ vật chất.
Cha mẹ nên tranh thủ cơ hội trao đổi với con thái độ sống tích cực, coi trọng tình cảm, biết sử dụng tiết kiệm đồ dùng, chi tiêu hợp lý... mỗi khi đưa con đi mua sắm, mua quà cho con các dịp lễ tết, khi nhìn/đọc thấy tin tức liên quan đến vấn đề này.