"Con trai, đừng bao giờ nghĩ rằng mình tiêu tiền là vì vợ!": Lá thư cha gửi con trai khiến mọi người kinh ngạc
Tình yêu và hôn nhân không giống nhau. Sự khác biệt lớn nhất là ở chỗ: tình yêu phóng đại ưu điểm, còn hôn nhân phóng đại nhược điểm.
Con trai, hôm qua sau ngày kết hôn của con được vài ngày, lần đầu tiên bố và mẹ đến thăm tổ ấm nhỏ của hai đứa. Thấy tụi con hạnh phúc bên nhau, bố mẹ thật sự rất vui.
Nhưng những lời con nói với vợ con hôm qua lại khiến bố mẹ thấy hơi khó chịu.
Hai đứa tính đến chuyện có con, đó là chuyện tốt, nhưng khi vợ con nói sợ có con bây giờ sẽ ảnh hưởng đến công việc. Con lại kiêu ngạo nói: "Không sao, nếu em không kiếm tiền được thì ở nhà chăm con đi, để anh kiếm tiền nuôi gia đình là đủ."
Có thể khi con nói câu này mang ý tốt, nhưng lại khiến người nghe, đặc biệt là những người nhạy cảm lại cảm thấy không thoải mái, vì nghe như bố thí ấy.
Thế nên sau đó, vợ con mới không vui nói: Em không cần anh nuôi, đâu phải em không biết kiếm tiền, cùng lắm thì không sinh con nữa."
Con thấy đó, vợ chồng đang vui vẻ lại thành ra thế này.
Tụi con vừa kết hôn, con đường sau này còn rất dài, còn rất nhiều thứ chờ tụi con đối mặt, giải quyết.
Bố chưa nhắc đến thành công, chỉ mong rằng gia đình con sống hạnh phúc cả đời.
Thế nên, để duy trì được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, đứng trên góc độ một người đàn ông, bố muốn nói với con điều này.
1. Một người chồng thông minh, không bao giờ nói mình tiêu tiền vì vợ
Có rất nhiều người đàn ông, động một chút là: "Nghỉ việc đi, anh nuôi em."
Có thể lúc đầu, họ nói lời thật lòng. Nhưng sau này, khi một mình gánh trách nhiệm cơm áo gạo tiền, còn được mấy người không mắng vợ ăn bám, cằn nhằn, nói này nói nọ?
Con nói xem, con là ai? Dựa vào cái gì mà dám can đảm đòi nuôi người ta?
Con gái bây giờ độc lập lắm, không có con, người ta vẫn sống rất tốt đấy thôi.
Chỉ có điều người ta đồng ý gả cho con, vì sinh con dưỡng cái mà từ bỏ sự nghiệp của mình.
Lúc này, đàn ông nên chủ động gánh trách nhiệm nuôi gia đình. Đó là chuyện rất bình thường, có gì phải kiêu ngạo?
Nếu không con tự mình đi sinh con đi, xem sinh con với kiếm tiền cái nào đau khổ hơn, cái nào dễ dàng hơn.
"Hôn nhân như hai công ty lấy tài nguyên của mình đến hợp tác với đối phương. Họ bàn về gia đình, hợp đồng là giấy kết hôn, nhưng đây là hợp đồng cả đời. Thế nhưng, tài nguyên giữa nam và nữ không giống nhau. Người phụ nữ sớm đã bỏ ra hết tài nguyên của mình: như sinh con, chăm sóc gia đình. Còn đàn ông thường bỏ ra trễ hơn."
Một khi kết hôn, tiền của con là của cả nhà, đừng nghĩ rằng con phải làm lụng cực khổ để vợ tiêu tiền, để nuôi vợ con.
Bởi vì có nhiều người phụ nữ, họ giữ tiền để tìm cảm giác an tâm, họ đi làm là vì sợ bị chồng chửi vô dụng. Cái họ cần, là cảm giác an toàn, mà không phải là tiền.
2. Hôn nhân muốn hạnh phúc lâu dài, cần phải bồi dưỡng, không phải tự nhiên mà có.
Có người nói rằng, hôn nhân càng lâu, vợ chồng càng thân thiết như người thân.
Nhưng con biết đấy, có nhiều người càng thân, càng cảm thấy nhàm chán. Do đó, con đừng bao giờ xem vợ như người thân, hãy coi họ, là người yêu duy nhất và cả đời.
Chỉ có khi con đối xử với vợ như người yêu, con mới có thể kiên nhẫn tạo ra niềm vui nho nhỏ cho cả hai hết lần này đến lần khác.
Có một bộ phim ngắn kể về hai vợ chồng nọ. Lúc mới yêu nhau, họ thường tặng nhau những món quà nhỏ hay cùng nhau làm những việc lãng mạn. Nhưng sau khi kết hôn, hai người dần lạnh nhạt, những điều lãng mạn kia chỉ làm cho có như một thông lệ.
Cuối cùng, người chồng đề nghị ly hôn.
Người vợ không từ chối, nhưng chỉ hi vọng chồng sẽ làm vài việc nhỏ cho cô ấy trong 30 ngày tới, chẳng hạn như ôm cô ấy trước khi đi làm, sau khi thức dậy sẽ hôn lên trán cô ấy, nắm tay cô ấy dạo phố, nói "Anh yêu em" trước khi đi ngủ.
Qua từng ngày, cảm giác yêu thương từng chút trở lại. Và người chồng hối hận vì đã quá mê công việc, lạnh nhạt vợ, cuối cùng còn muốn ly hôn.
Con trai à, con nên nhớ, hôn nhân muốn lâu dài, phải bồi dưỡng từng ngày mới có được.
3. Đôi lúc, cư xử với vợ đừng quá lí trí.
Người ta thường nói phụ nữ thường hay không nói đạo lí. Nhưng có đôi khi họ cư xử trẻ con, vô lí là vì muốn thử xem con có yêu họ không, giới hạn chịu đựng của con với họ lớn cỡ nào.
Nếu như đó là vấn đề nhỏ nhặt, con cũng đừng chấp nhặt làm gì.
Như Trương Trí Lâm, khi được phóng viên hỏi anh ấy, khi vợ anh ấy cứ gây chuyện vô lí đòi mua túi, anh ấy có "giảng đạo" với vợ không, Trương Trí Lâm đã nói: "Không đâu, tôi không nói đạo lí với cô ấy, bởi vì giữa đạo lí và cô ấy, tôi chọn cô ấy."
4. Trong một gia đình, không phải ai kiếm nhiều tiền thì người đó có quyền
Con trai, là một người đàn ông, con tuyệt đối đừng bao giờ có suy nghĩ đó.
Cách đây một thời gian, có một ông bố người Nhật đã đăng trải nghiệm của mình trên Twitter.
Hiroshi có 2 con gái: đứa lớn 3 tuổi, đứa bé nửa tuổi. Lúc đầu, hai đứa trẻ đều do mẹ chăm sóc, còn bố ra ngoài kiếm tiền.
Nhưng một hôm nọ, người vợ đi họp lớp, trách nhiệm chăm con thuộc về Hiroshi.
Lúc đầu, ông còn tự tin nói với vợ: "Cứ để anh lo, em yên tâm đi."
Nhưng chỉ sau một ngày, Hiroshi cảm thấy còn mệt hơn việc tăng ca cả tuần.
Vậy nên, đã là vợ chồng, phải biết trân trọng công sức của nhau.
Đừng quá tính toán, đừng quá khắc nghiệt, đó mới là một gia đình!
5. Trân trọng vợ và biết kiểm soát ham muốn của mình.
Thành thật mà nói, dù một người đàn ông có tốt đến đâu đi nữa, có đôi lúc, cũng phải đối mặt với cám dỗ.
Thế nên, còn cần học cách kiểm soát ham muốn của mình.
Có một số thứ, mất rồi rất khó tìm lại. Dù sau lần đầu lỡ phạm lỗi, vợ con có tha thứ cho con đi nữa, thì tình cảm giữa hai đứa đã có vết nứt.
Cô ấy tha thứ vì yêu con, mà không phải vì con không có lỗi. Nên tốt nhất, đừng bao giờ dây vào cám dỗ.
Vì sao ư?
Bởi vì khi con thấy cô đơn và bất lực, vợ con có thể không phải người đầu tiên, nhưng nhất định là người đi với con đến cuối đời chở che, an ủi con. Và lúc đó, con sẽ hiểu được, hôn nhân đáng giá để con trân trọng thế nào.
Bố hi vọng con nhớ rõ hai điều:
Vợ tốt là quý nhân của con sau này.
Còn gia đình, chính là bến cảng cuối cùng của người đàn ông.