Cơn sốt khẩu trang không dành cho những 'tay mơ lướt sóng'

20/06/2020 13:20 PM | Xã hội

Hàng chục nghìn nhà sản xuất ở Trung Quốc tranh thủ cơn sốt khẩu trang, quyết định lấn sân để kiếm lời dù không có kinh nghiệm.

Trong tháng 4, khi cơn sốt sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc đang trong giai đoạn cao trào nhất, Mo Xiaoyi, chủ một cơ sở chuyên sản xuất các thiết bị máy móc cơ khí tại thành phố Trường Châu, đã dự trữ vải meltblown và vải không dệt, hai nguyên liệu quan trọng trong sản xuất khẩu trang, lúc đó đang có giá khá cao.

Cách đó 60 km, tại Dương Trung, một hòn đảo trên sông Dương Tử, thuộc địa phận tỉnh Giang Tô, ông Li, chủ doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất đầu tư 282.685 USD để lắp đặt 6 dây chuyền sản xuất vải meltblown. Không may, cơ sở của ông chưa sản xuất được thành phẩm nào thì chính quyền địa phương ra quyết định các nhà máy, xí nghiệp buộc phải đóng cửa để phòng dịch.

Cả hai người đàn ông kể trên đang phải đối mặt với tình trạng “rớt giá” trầm trọng của những nguyện vật liệu và máy móc họ đầu tư, sau khi đặt trọn niềm tin vào “cơ may trên trời rơi xuống” đến từ cơn sốt khẩu trang. Nhưng giờ đây, “đoàn tàu niềm tin” của họ dường như đã trật bánh.

Chỉ vài tháng trước, khẩu trang đột ngột trở thành mặt hàng được săn đón “hàng đầu” trên thị trường. Quá trình tìm kiếm nguồn cung khẩu trang được ví như cuộc săn tìm vàng tại California, khi các công ty nước ngoài cũng như thương lái nội địa, lùng sục từng ngóc ngách để tìm kiếm mặt hàng này. Thế nhưng, nhiều nhà máy hiện tại không khác gì những “thị trấn ma” khi cơn sốt vàng qua đi.

Các nhà máy tại Dương Trung, hoạt động tối đa công suất 24 giờ/7 ngày vài tháng trước, kiếm được bộn tiền giờ đây trông rất “thảm hại”.

“Một vài tháng trước, tôi thấy được sự hào hứng từ mọi người khi doanh thu từ việc sản xuất khẩu trang đến liên tục. Nhưng giờ đây, điều tôi thấy lại hoàn toàn trái ngược”, một người đàn ông tên Li cho biết.

Cám dỗ lợi nhuận đã thu hút hàng nghìn “tay chơi lướt sóng”, thuật ngữ dùng để ám chỉ người mới bước chân vào hoạt động trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, những người “rất non” kinh nghiệm trong ngành công nghiệp “đầy hỗn loạn” này.

Trong 5 tháng đầu năm, 70.802 doanh nghiệp mới được đăng ký thành lập, với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất khẩu trang, tại Trung Quốc, tăng 1.256% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, 7.296 công ty mới khác cũng được thành lập chỉ để sản xuất hoặc kinh doanh vải meltblown, nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất khẩu trang, tăng 2.277% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tianyancha, website chia sẻ thông tin đăng ký doanh nghiệp.

Xu hướng này giảm nhiệt trong tháng 5 với số doanh nghiệp đăng ký mới trong lĩnh vực sản xuất khẩu trang và vải meltblown giảm lần lượt 70,84% và 57,6% so với đỉnh trong tháng 4.

Cũng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu các thiết bị vật tư y tế của Trung Quốc tăng 89% so với cùng kỳ năm 2019 bởi nhu cầu các mặt hàng này tăng mạnh do dịch Covid-19 đang lan rộng và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả khi nhiều quốc gia châu Á và châu Âu được cho là có những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất vẫn buộc phải rời khỏi cuộc chơi do những thay đổi liên quan tới quá trình xuất khẩu hàng hóa, những quy định giấy phép chặt chẽ hơn, cũng như nhu cầu các sản phẩm chất lượng kém hoặc trung bình giảm mạnh.

Một nguồn tin nội bộ cho biết nhu cầu khẩu trang trên thế giới vẫn gia tăng nhưng là đối với các công ty sản xuất có uy tín. Cơ hội dành cho các nhà đầu tư “lướt sóng”, những người hy vọng kiếm được bộn tiền trong một thời gian ngắn, đang dần cạn kiệt.

Huang Wensheng, giám đốc điều hành của Shandong Jofo Nonwoven, tham gia vào lĩnh vực sản xuất vải meltblown và vải không dệt trong hơn thập kỷ.

Huang cho biết khoảng một nửa các nhà máy sản xuất khẩu trang trong khu vực lân cận đã đóng cửa, phần lớn được thành lập sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tại Trung Quốc và sản xuất những sản phẩm chất lượng không cao.

Ông cho rằng nhu cầu các sản phẩm khẩu trang kém chất lượng từ nước ngoài chính là nguyên nhân đẫn đến thực trạng này, bên cạnh đó, cũng phải kể đến những biện pháp mạnh tay của Bắc Kinh đối với các nhà cung cấp chưa được cấp phép, trong bối cảnh Trung Quốc nhận về rất nhiều chỉ trích từ chính phủ các quốc gia trên thế giới.

Huang cũng bổ sung rằng đối với các nhà sản xuất có uy tín, tình hình kinh doanh vẫn “khá tốt”.

“Từ khi dịch bệnh bùng nổ, người dân có xu hướng mua tất cả khẩu trang có trên thị trường. Nhưng tình hình đã được cải thiện, và ngày càng có ít người sử dụng khẩu trang hơn. Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, và đó là lý do những nhà sản xuất không đủ tiêu chuẩn sớm bị đá khỏi thị trường”, ông chia sẻ.

Tại Trường Châu, Mo Xiaoyi mất đến 3 tuần để chuẩn bị cho quá trình sản xuất trước khi khi bán được lô hàng khẩu trang chưa qua kiểm định đầu tiên ra thị trường với giá 0,92 USD/chiếc. Đó không phải là một quá trình phức tạp, ông chia sẻ.

Quá trình tìm người mua cũng khá dễ dàng, ông nói. Các thương lái đỗ xe tải của họ tại cổng nhà máy của ông, nằm tại Giang Tô, thủ phủ ngành dệt may của Trung Quốc, và sẵn sàng trả tiền mặt cho toàn bộ số lượng khẩu trang mà ông sản xuất ra, dù không một sản phẩm nào được chứng nhận hoặc cấp phép.

Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt.

Vào đúng ngày công ty của ông xuất lô hàng đầu tiên, cơ quan hải quan Trung Quốc tiến hành các biện pháp kiểm tra hàng hóa gắt gao hơn đối với các lô hàng khẩu trang xuất khẩu nhằm kiểm soát chất lượng bởi quốc gia này nhận về nhiều lời phàn nàn từ chính phủ các quốc gia khác cũng như các bệnh viện trên toàn thế giới về các lô hàng vật tư y tế kém chất lượng.

Phải đối mặt với một khoản thua lỗ lớn, ông Mo vẫn cho rằng mình là một trong những “người may mắn” vì ông chỉ phải bỏ ra trung bình khoảng 16.500 USD để nhập mỗi tấn vải không dệt, trong khi đó nhiều người bạn của ông đã phải bỏ ra hơn 21.000 USD cho một tấn nguyên liệu này.

“Tôi mua 2 tấn vải không dệt trong đầu tháng 4 với giá gần 14.000 USD/tấn, nhưng những người khác cũng đổ xô đi mua tích trữ mặt hàng này khiến cho nguồn cung không đủ đáp ứng được cầu, do đó, tôi cũng chạy theo số đông và mua thêm với giá lúc đó rơi vào khoảng 18.300 USD/tấn".

Giá của mặt hàng này hiện chỉ khoảng 2.500 USD/tấn, tương đương với khoảng 15% số tiền ông Mo đã bỏ ra, trong khi đó, hàng tấn vải đang nằm phủ bụi trong nhà kho. Ông không nhận được một đơn hàng sản xuất khẩu trang KN95 nào kể từ giữa tháng 5, cho dù giá của mặt hàng này đã giảm xuống chỉ còn 0,28 USD/chiếc.

Cơn sốt khẩu trang không dành cho những tay mơ lướt sóng - Ảnh 1.

Khẩu trang được sản xuất tại một nhà máy ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Khi cơn sốt khẩu trang tại Trung Quốc đang ở giai đoạn cao trào nhất, Dương Trung, thành phố ít người biết đến, bất ngờ trở thành “thủ phủ vải meltblown”, với gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký mới chuyên sản xuất hoặc kinh doanh mặt hàng này tính đến ngày 10/4, tại một đô thị chỉ có 340.000 dân, theo thống kê của chính quyền địa phương.

Nhưng giờ đây, hàng trăm xưởng sản xuất vải meltblown đã đóng cửa, với sự rời đi của những thương lái, các nhà cung cấp nguyên liệu thô và thậm chí là các công nhân cơ khí, những người có vai trò bảo đảm máy móc hoạt động trơn tru giữa cơn sốt. Mọi chuyện diễn ra nhanh như cách bắt đầu.

Ông Wang, chủ một cơ sở sản xuất đồ dùng nhà bếp, nghe theo lời thuyết phục của bạn bè, lấn sân sang lĩnh vực sản xuất vải meltblown trong tháng 3, với kỳ vọng kiếm được khoản lợi nhuận kếch sù.

Sau khi bỏ tiền đầu tư vào 7 dây chuyền sản xuất, ông đã bán sản phẩm cho nhiều nhà máy sản xuất khẩu trang nhỏ tại các tình An Huy, Hồ Nam và Phúc Kiến, cho dù ông chưa hề có kinh nghiệm cũng như giấy phép để sản xuất mặt hàng này. Sản phẩm mà công ty ông sản xuất ra có chất lượng không đồng đều.

Với những lô hàng có chất lượng tốt, giá bán có thể lên tới gần 56.400 USD/tấn, nhưng đối với các lô hàng kém chất lượng, giá bán có thể sẽ chỉ ở mức 141 USD. Trong giai đoạn cao điểm, nhiều nhà sản xuất chất lượng cao có thể kiếm về gần 100.000 USD cho mỗi tấn vải bán ra.

Vào ngày 15/4, chính quyền thành phố Dương Trung có những biện pháp mạnh tay nhằm ổn định thị trường vải meltblown đang có xu hướng mất kiểm soát, qua đó, 867 doanh nghiệp bị cấm sản xuất mặt hàng này. Ông Wang may mắn khi có thể bán tất cả dây chuyển sản xuất vải trong ngày hôm sau, nhưng không phải ai cũng có thể làm điều tương tự.

“Nhà máy sản xuất đồ nội thất của tôi không thể hoạt động trong suốt thời gian dịch bệnh, tôi phải tìm cách khác để kiếm tiền”, theo ông Li. Doanh nghiệp của ông là một trong những doanh nghiệp chưa được cấp phép và buộc phải đóng cửa khi chưa tiến hành sản xuất được một mét sản phẩm nào dù đã đầu tư gần 300.000 USD.

Ông đang tìm cách bán dây chuyền sản xuất nhưng giờ đây, chúng chỉ có giá vài trăm USD.

“Tôi đã phải vay ngân hàng để đổ tiền vào thương vụ này. Một vài người bạn của tôi thậm chí đã phải thế chấp nhà cửa. Chí ít thì tôi cũng không thê thảm như họ”, ông Li cho biết.

Mo cũng đang mắc kẹt với đống máy móc mà ông đã mua về. Ông cho biết sẽ quay trở lại sản xuất các dụng cụ máy móc cơ khí. Nhưng cả hai đểu hy vọng họ có thể sẽ thu được một chút gì đó từ khoản đầu tư của mình.

“Tôi sẽ chờ đợi”, ông Mo cho biết. “Có thể làn sóng dịch bệnh thứ 2 sẽ ập đến khi mùa đông tới”.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM