'Cơn sốt' dịch vụ xin nghỉ việc hộ tại Nhật Bản
Nhiều nhân viên Nhật Bản cảm thấy "xấu hổ" và "ích kỷ" khi mình xin nghỉ việc.
Là công dân của một xã hội đề cao tinh thần tập thể, những người lao động Nhật Bản thực sự rất để ý đến việc mình là thành viên của một nhóm, và thường cảm thấy có trọng trách với đồng nghiệp. Tuy nhiên, chính lối suy nghĩ đó đã khiến một vài người bị mắc kẹt trong công việc được cho là "tồi tệ" không phù hợp với khả năng và tính cách của mình.
"Sau tất cả, với nhiều lý do, nếu như đồng nghiệp của tôi hàng ngày làm việc vất vả, chẳng phải việc cảm thấy không hài lòng về công việc khiến tôi trở nên ích kỷ hay sao. Nếu như tôi nghỉ việc, chẳng phải họ là người sẽ làm việc vất vả hơn, cáng đáng thêm phần công việc của tôi cho tới khi công ty tuyển dụng và đào tạo được người thay thế", đó là những ý nghĩ cứ lởn vởn trong đầu một nhân viên có ý định nghỉ việc.
Theo Japan Times, đối với một người lao động Nhật Bản, việc họ muốn bỏ việc là điều gây cảm giác xấu hổ. Và nếu thậm chí khi họ quyết tâm nghỉ việc, họ cũng khá chần chừ khi thông báo với sếp hay bộ phận nhân sự, vì họ lo sợ cấp trên sẽ chỉ trích đó là hành động "ích kỷ".
Anh Toshiyuki Arano – một trong những người sáng lập ra công ty "xin nghỉ việc hộ" Exit có trụ sở Tokyo cho biết: "Tôi làm việc trong 3 công ty trước khi đến với công việc này. Khi bạn nghỉ việc, điều đó khiến bạn tiêu hao nhiều năng lượng, chính vì vậy tôi muốn khởi nghiệp với công ty này với hy vọng sẽ tạo ra một xã hội để nhân viên có thể từ bỏ công việc dễ dàng hơn".
Exit cung cấp "dịch vụ xin nghỉ việc". Một khi khách hàng liên lạc, Exit sẽ gọi tới chỗ làm của khách hàng và thông báo cho công ty đó biết rằng nhân viên của họ sẽ nghỉ việc. "Xin chào, chúng tôi gọi từ Sentience (công ty mẹ của Exit). Tôi có thể nói chuyện với người của phòng nhân sự được không?", giọng nói lịch sự từ nhân viên của Exit vang lên trong điện thoại. Khi được kết nối, bên Exit sẽ thông báo: "Tôi gọi hôm nay để báo với ông/bà rằng một trong số các nhân viên của ông/bà sẽ nghỉ việc".
Exit sẽ đóng vai trò là một người trung gian đảm nhiệm mọi công việc liên lạc giữa khách hàng và công ty mà khách hàng xin nghỉ. Sau cuộc gọi đầu tiên, khách hàng sẽ chuẩn bị một đơn xin nghỉ việc, đưa nó cho Exit để chuyển cho công ty. Exit cũng thay mặt người nhân viên này nhận các giấy tờ cần thiết từ công ty, cụ thể như rishokukyo (giấy xác nhận nghỉ việc chính thức) để nhận được những khoản trợ cấp từ chính phủ.
"Khi chúng tôi bắt đầu dịch vụ này, chúng tôi nghĩ rằng nó cũng chỉ là công việc đơn giản, nhẹ nhàng. Nhưng mọi người tìm đến chúng tôi đều nói những câu như ‘Xin hãy cứu tôi’ hay "tôi muốn chết’. Khách hàng của chúng tôi suy sụp hơn những gì chúng tôi nghĩ", Yuichiro Okazaki – người đồng sáng lập Exit bày tỏ.
Exit cung ứng dịch vụ "xin nghỉ việc hộ" từ mùa xuân năm ngoái, và cho biết mỗi tháng công ty phải tiếp nhận 300 khách hàng. Chi phí trung bình cho dịch vụ của Exit xin nghỉ việc cho nhân viên chính thức là 50.000 yên (10.4 triệu đồng), cho nhân viên bán thời gian là 40.000 yên. Và vì không đảm bảo được từ bỏ một công việc ác mộng sẽ đưa bạn tới một công việc mơ ước, khách hàng tìm đến dịch vụ lần thứ 2 sẽ được giảm giá 10.000 yên.
"Tôi muốn bỏ việc được nhìn nhận như một điều tích cực. Mọi người có thể nghỉ việc mà không phải chần chừ gì", Arno cho biết.