'Cơn sốt cây xanh' giữa mùa dịch ở Philippines

14/11/2020 19:15 PM | Xã hội

Hình ảnh những bông hoa, các loại cây cảnh với lá to xanh mướt được trồng ở ban công, sân nhà đang tràn ngập mạng xã hội khi nhu cầu mang thiên nhiên vào nhà bùng nổ ở Philippines.

Các hạn chế đi lại để kiểm soát đại dịch Covid-19 khiến cơn sốt trồng cây, làm vườn lan rộng khắp Philippines. Nhu cầu tăng mạnh khiến giá cây cảnh tăng cao, kéo theo đó là nạn trộm cây ở các công viên công cộng cũng như các khu rừng được bảo vệ.

Hình ảnh những bông hoa mong manh, các loại cây cảnh với khuôn lá to xanh mướt được trồng ở ban công, sân nhà đang tràn ngập mạng xã hội khi một bộ phận không nhỏ người dân Philippines có xu hướng mua cây, trồng cây để giải tỏa áp lực căng thẳng và buồn chán.

“Không thể tin nổi. Thời gian này mọi người đều vô cùng hào hứng với việc trồng cây”, Alvin Chingcuangco, một người làm nghề chăm sóc cảnh quan, sân vườn cho hay.

Cơn sốt cây xanh giữa mùa dịch ở Philippines - Ảnh 1.

Một bộ phận không nhỏ người dân Philippines có xu hướng mua cây, trồng cây để giải tỏa áp lực căng thẳng và buồn chán. Ảnh: AFP.

Nhu cầu vẫn tăng mạnh kể cả khi giá những loại cây trồng trong nhà phổ biến như các loại cây họ môn, lan chi và lan ý tăng gấp đôi, thậm chí gấp 4 lần. Nhiều dòng cây thuộc họ trầu bà hiện có giá tới 55.000 peso (khoảng 1.140 USD), so với mức giá 800 peso (gần 166 USD) trước đây.Trong khi đó, chủ cửa hàng cây cảnh Arlene Gumera-Paz cho biết doanh thu hàng ngày của cửa hàng đã tăng gấp 3 lần kể từ lúc mở cửa trở lại sau nhiều tháng phong tỏa.

“Thật không thể hiểu nổi”, một người phụ nữ mua buôn cây cảnh từ nhà vườn ngoại thành cảm thán. “Khi cây cảnh có giá rẻ thì ai cũng thờ ơ với chúng”.

Nhưng cùng với việc nhu cầu gia tăng, chính phủ Philippines cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng nhiều loại cây xuất hiện trên thị trường có thể có nguồn gốc bất hợp pháp.

Các nhân viên kiểm lâm làm nhiệm vụ tuần tra ở khu rừng Zamboanga, miền nam Philippines, giờ đây không chỉ phải lưu tâm đến những kẻ khai thác gỗ lậu, săn trộm động vật hoang dã mà còn được lệnh phải đề phòng những tên trộm cây, sau khi các cơ quan chức năng nhận thấy nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán những loại cây chỉ có thể được tìm thấy trong các khu bảo tồn.

“Trước khi xảy ra đại dịch, chúng tôi không hề thấy có sự xuất hiện của những kẻ trộm cây”, Maria Christina Rodriguez, giám đốc rừng Zamboanga thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên cho biết. “Tình trạng này chỉ trở nên phổ biến hơn trong thời gian phong tỏa”.

Theo luật pháp Philippines, việc tìm kiếm và vận chuyện các loại cây đang có nguy cơ tuyệt chủng ra khỏi rừng là bất hợp pháp và sẽ phải chịu những mức phạt rất nặng. Việc săn lùng những loài cây bản địa chỉ được thực hiện khi có giấy phép.

Những kẻ trộm cây thường nhắm vào những loài thực vật phổ biến trên mạng xã hội như cây nắp ấm hay các dòng dương xỉ.

Tuy nhiên việc bắt được những kẻ phạm tội không hề dễ dàng, bởi theo bà Rodriguez, một khi cây đã bị đào lên và mang bán, “sẽ rất khó để chứng minh được rằng cây đó có nguồn gốc từ các khu rừng hay những khu bảo tồn mà chúng tôi quản lý”.

Không chỉ trộm cây từ rừng, những kẻ trộm cây thậm chí còn nhổ cả cây ở các các công viên công cộng. Chính quyền thành phố Baguio đã phải thắt chặt an ninh và kêu gọi người dân không xâm hại xây xanh đô thị.

Cho tới nay, đã có 5 người bị bắt vì tội trộm hoa, Rhenan Diwas, viên chức phụ trách thuộc Văn phòng Quản lý Công viên và Môi trường thành phố Baguio cho biết.

“Nguyên nhân có thể vì họ thấy buồn chán hoặc muốn bán chúng để kiếm tiền”, ông Diwas nói.

Những căng thẳng trong thời gian phong tỏa cùng với áp lực tài chính vì đại dịch khiến nhiều người Philippines tìm kiếm cách giải tỏa bằng việc làm trồng cây, làm vườn.

“Cách an toàn nhất để giúp bạn tự giải khuây là trồng một vài chậu cây”, Norma Karasig Villanueva, cựu chủ tịch Hiệp hội Làm vườn Philippine khẳng định.

Cô Ivy Bautista, 30 tuổi, một người làm vườn lâu năm cho biết, chăm sóc cây cối giúp cô không còn buồn chán và thậm chí còn kiếm được tiền bằng cách bán cây chiết từ các loại cây mà cô đang sở hữu.

Tuy nhiên, cô phản đối việc những người bán cây cảnh thổi giá “điên cuồng” như hiện nay, bởi nó có thể dẫn tới nạn đào trộm thực vật.

“Thật nực cười. Một chậu cây tôi mua với giá 400 peso giờ đây có thể bán với giá tới 5.000 peso”, cô Bautista nói.

Cơn sốt cây xanh giữa mùa dịch ở Philippines - Ảnh 2.

Thợ làm vườn nhổ cỏ tại một công viên ở thành phố Baguio City, phía bắc thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: AFP.


Trong bài báo có tiêu đề “Cơn sốt cây” hồi tháng trước, tờ Philippines Daily Inquirer chỉ trích tình trạng giá cây cảnh quá cao như hiện nay, đồng thời kêu gọi mọi người chỉ nên mua cây “từ các nguồn hợp pháp”.

Giám đốc rừng Zamboanga, bà Rodriguez, cho biết bà hoan nghênh sở thích làm vườn, nhưng hy vọng người dân nên trồng hoa hoặc các loại cây ăn được thay vì thực vật bản địa.

“Hãy là những người trồng cây có trách nhiệm và lưu ý đến nguồn gốc của cây trồng”, bà nói. “Chúng tôi thực sự nghiêm túc về vấn đề này bởi việc các loài thực vật bị tách ra khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng của hệ sinh thái”.

Đỗ Hiền

Cùng chuyên mục
XEM