Con sâu nhỏ giúp cả làng quê phát tài, kiếm hàng chục tỷ, trở thành tấm "danh thiếp" quý giá cho địa phương

11/03/2023 10:20 AM | Kinh doanh

Chất sáp trắng do loài sâu sáp tiết ra có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, y tế v.v... đã mang lại nguồn lợi lớn cho một địa phương ở Trung Quốc.

Con sâu nhỏ giúp cả làng quê phát tài, kiếm hàng chục tỷ, trở thành tấm "danh thiếp" quý giá cho địa phương - Ảnh 1.

Sâu sáp được coi là sản nghiệp lớn của Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Sina

Đặc sản của Trung Quốc

Tháng tư là mùa gieo trồng, đồng thời cũng là mùa thu hoạch ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Bước vào thị trấn Lưỡng Hà Khẩu, huyện Hỉ Đức, dưới chân núi hùng vĩ, ngôi làng nào cũng tràn ngập những cây tần bì (hay còn gọi bạch lạp) tươi tốt; trên những con đường quê, hương sáp thơm ngào ngạt vương khắp không gian, phảng phất trong thung lũng sông Tôn Thủy.

Dưới ánh mặt trời chói chang, những người nông dân đang bận rộn bắt những con sâu sáp trắng trên cây tần bì, khuôn mặt họ ánh lên niềm vui được mùa.

" Với những cây tần bì cao như này, bạn có thể thu được 50kg sâu sáp và có thể kiếm được khoảng 800 NDT (2,7 triệu VND) tiền công ", A Khắc Ba Gia, nông dân làng Tam Hợp, vừa thu hoạch sâu sáp vừa chỉ vào cái cây phía sau. Ánh nắng xuân xuyên qua cành cây, in nghiêng lên khuôn mặt ngăm đen của anh, mồ hôi lấp lánh dưới ánh nắng.

" Gia đình tôi trồng hơn 800 cây tần bì, ước tính năm nay chúng tôi có thể thu được khoảng 300 kg sâu sáp. Mỗi kg sâu sáp có thể bán được 160 NDT, thu nhập khoảng 50.000 NDT (khoảng 170 triệu VND) ". Khi nói đến thu nhập, A Khắc Ba Gia cười càng ngọt ngào và rạng rỡ hơn.

Con sâu nhỏ giúp cả làng quê phát tài, kiếm hàng chục tỷ, trở thành tấm "danh thiếp" quý giá cho địa phương - Ảnh 2.

Sáp trắng do sâu sáp tiết ra là có giá trị kinh tế cao. Ảnh: CCTV

Sâu sáp trắng hay còn gọi là sâu sáp, chúng thường sống trên cây tần bì. Chất sáp trắng do sâu sáp tiết ra được coi là đặc sản ở Trung Quốc, cũng là một loại sáp động vật có giá trị kinh tế cao.

Sáp trắng có thể được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp hóa chất, hàng không, công nghiệp quốc phòng, y học v.v...

Sản nghiệp lớn của một vùng quê

Nông dân ở thị trấn Lưỡng Hà Khẩu lợi dụng cây tần bì để nuôi sâu sáp trắng, phát triển ngành sâu sáp và trở nên giàu.

Thị trấn Lưỡng Hà Khẩu ở độ cao 2.000 đến 2.700 mét, gần một số ngôi làng bên sông Tôn Thủy, bốn mùa ấm áp, lượng nắng và lượng mưa đều dồi dào, thích hợp để trồng cây tần bì và nuôi sâu sáp.

Theo ghi chép, ngay từ thời nhà Minh và nhà Thanh, nơi đây đã có truyền thống nuôi sâu sáp. Trong những năm gần đây, thị trấn Lưỡng Hà Khẩu tiếp tục phát huy truyền thống này.

" Chất lượng sâu sáp ở thị trấn Lưỡng Hà Khẩu rất tốt. Đây là địa điểm không thể bỏ qua của những người buôn bán sâu sáp ở thành phố Nga Mi Sơn. Năm nay chúng tôi có hơn 200 người đã ở lại đây hơn mười ngày ", Kì Thế Tuyên, một người buôn sâu sáp nói.

Thành phố Nga Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, là cơ sở công nghiệp sáp trắng lớn nhất Trung Quốc và được mệnh danh là quê hương của sáp trắng. Sâu sáp được sản xuất ở thị trấn Lưỡng Hà Khẩu rất thích hợp để sinh sản sáp trắng ở thành phố Nga Mi Sơn.

Ngày nay, ngành công nghiệp sâu sáp ở thị trấn Lưỡng Hà Khẩu đã trở thành tấm "danh thiếp" cho địa phương. Vùng nuôi sâu sáp của thị trấn bao gồm 6 thôn làng, với diện tích trồng hơn 10.000 mẫu và hơn 200.000 cây sáp.

Năm nay, toàn thị trấn sản xuất hơn 50.000 kg sâu sáp, thu về hơn 10 triệu NDT (khoảng 34 tỷ VNĐ), thu nhập bình quân hộ gia đình tăng hơn 30.000 NDT.

Như vậy, chỉ với những con sâu sáp nhỏ màu trắng đã trở thành sản nghiệp lớn của một miền quê.

Theo An An

Cùng chuyên mục
XEM