Còn lời cảnh tỉnh nào mạnh mẽ hơn con số 78% dự án tiền ảo lừa đảo?
Đây là con số được Cty tư vấn Satis Group (Mỹ) vừa công bố. Ngoài con số 78% dự án tiền ảo ở giai đoạn gọi vốn đầu tư (ICO, tương tự như IPO bên thị trường chứng khoán) đã được xác định lừa đảo, còn có 4% được xác định thất bại, 3% chết yểu, chỉ có 15% thực hiện đúng hứa hẹn lên sàn trong năm 2017.
78% lừa đảo và hơn thế nữa…
Công bố của Satis Group nhấn mạnh, 78% là đã xác định được rằng lừa đảo, và vẫn còn những ICO chưa thể xác định rõ là lừa đảo hay không, cho thấy cạm bẫy vô chừng đối với việc đầu tư vào các dự án tiền ảo . Tổng số tiền được xác định bị lừa đảo bởi các ICO là khoảng 1,7 tỉ USD. Mức độ gian lận ở đây được Satis xác định rằng là “đáng sợ”.
Trước đó, vào đầu tháng 7.2018, hãng tin Bloomberg cũng đã thông tin từ một báo cáo kết quả nghiên cứu từ Đại học Boston (Mỹ) cho thấy hơn một nửa số ICO chết yểu hoặc mất tăm sau chưa đầy 4 tháng.
Một điều đáng chú ý là trong các dự án tiền ảo trong giai đoạn ICO được Satis xác định là lừa đảo có dự án đồng tiền ảo Pincoin vốn không xạ lạ với nhiều người đầu tư tiền ảo tại Việt Nam. Pincoin cùng với Arisebank và Savedroid đã “ngốn” đa phần khoản đầu tư 1,3 tỉ USD của các nhà đầu tư rồi lặn mất tăm. Đây chính là ba dự án phát hành tiền ảo lừa đảo lớn nhất trong năm 2017.
Thế nhưng thật đáng ngạc nhiên, mãi cho tới quý I/2018, Pincoin vẫn được Cty Modern Tech (đăng ký hoạt động kinh doanh tại tòa nhà số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM) mang vào Việt Nam mồi chài nhiều người dẫn đến vụ lừa đảo tiền ảo đa cấp Pincoin và iFan hơn 15.000 tỉ đồng với trên 32.000 nạn nhân.
Theo Satis, các dự án tiền ảo khi thực hiện ICO có thể đã có ý định gian lận ngay từ đầu hoặc trong quá trình ICO nhận thấy không khả thi về dài hạn. Tuy nhiên dù rơi vào khả năng nào thì nhà đầu tư cũng “tiền mất tật mang”.
Lừa đảo và chao đảo
Trong khi các dự án phát triển tiền ảo trong năm 2017 có tỉ lệ xác định lừa đảo là 78% thì từ tháng 1.2018 tới nay thị trường tiền ảo liên tục chao đảo khiến hầu hết dân chơi tiền ảo trong đó có Việt Nam tán gia bại sản. Điển hình là vụ lừa tiền ảo đa cấp Pincoin và iFan vỡ lở vào tháng 4.2018.
Còn trước đó, khi sàn tiền ảo BitConnect (đồng tiền ảo có mã BCC) bị “sập” thì tại Việt Nam “cộng đồng nạn nhân” của nó được cho rằng lên đến hơn 50.000 người ôm thiệt hại. Đồng BCC thời điểm mức giá đỉnh khoảng 400USD nhưng đến khi “sập sàn” rơi xuống chỉ còn dưới 10USD.
Còn vào những ngày này, giá đồng BCC chỉ dao động từ 0,5-0,6USD. Đây là một dự án phát triển tiền ảo theo tiêu chí phân định của Satis, là dù lên sàn rồi nhưng cũng thất bại, thậm chí gọi là “chết”. Như vậy trong số 15% dự án tiền ảo đã lên sàn trong năm 2017, cũng có thể bao gồm cả một tỉ lệ nào đó thất bại và sẽ “chết” trong tương lai chứ lên sàn chưa hẳn đã gọi là thành công.
Trong vài tháng qua, tại Việt Nam đã xuất hiện những chuỗi hoạt động trong vỏ bọc hội thảo bàn về công nghệ tương lai Blockchain nhưng kỳ thực mục tiêu là hoạt động ICO cho những dự án tiền ảo đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Singapore v.v… Cần biết rằng, việc phát hành, giao dịch, thanh toán bằng tiền ảo bị cấm tại Việt Nam cùng với hoạt động ICO.
Tuy nhiên với vỏ bọc “hội thảo công nghệ Blockchain”, các dự án phát triển tiền ảo đang thúc đẩy ICO tại Việt Nam thậm chí còn mời được cả những quan chức, chức sắc của các hiệp hội… tham dự. Điều đó vô hình chung khiến cho các nhà đầu tư nghĩ rằng hoạt động ICO là hợp pháp và lao theo trong khi về mặt pháp lý cũng như trên thực tế chẳng có cơ chế, cơ sở gì để bảo vệ quyền lợi của họ.