Con đường xây dựng dự án trang web nuôi dạy con lớn nhất Đông Nam Á của nữ doanh nhân Singapore

30/04/2020 17:20 PM | Kinh doanh

Thông qua nền tảng website lớn nhất Đông Nam Á: theAsianparent – một cuốn bách khoa toàn thư về nuôi dạy trẻ, Roshni Mahtani Cheung đang giúp các bậc cha mẹ giải quyết rất nhiều vấn đề trong nuôi dạy trẻ.

"Chúng tôi cung cấp toàn bộ thông tin hữu ích và cần thiết cho bạn để nuôi dạy con cái, vì vậy bạn không cần phải lo lắng hay suy nghĩ nhiều ", Mahtani rất tự tin khi chia sẻ điều đó.

Chẳng hạn, Mahtani gợi ý một vài câu hỏi thường gặp của các bà mẹ mang thai: "Tôi có thể hít khói thuốc không? Tôi có thể mặc áo ngực không? Tôi có thể đeo nhẫn không?" trong khi trình bày cách ứng dụng của công ty hoạt động.

Trang web ra mắt vào năm 2009 khi cô đang sống ở Mỹ và tiếp tục phát triển sau khi cô trở về Singapore.

"Tôi nghĩ rằng khi còn trẻ, bạn có nhiều can đảm hơn so với khi bạn có nhiều trách nhiệm hơn trong cuộc sống", cô nói khi nhìn lại những thử thách mình đã vượt qua. Hiện tại, với tư cách là người đứng đầu một công ty đang phát triển với 250 nhân viên, mục tiêu của Mahtani là làm thế nào vượt qua khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Sau khoảng một thập kỷ ra mắt, theAsianparent có 33 triệu người dùng. Lưu lượng truy cập trang web đã có chiều hướng gia tăng sau khi công ty tung ra các phiên bản địa phương hóa cho Indonesia, Thái Lan, Malaysia và các nước Đông Nam Á khác.

Mahtani cho biết, trang web rất phù hợp cho phụ huynh ở các nước mới phát triển: "Vấn đề ở chỗ, những nội dung hữu ích lại chưa có ngôn ngữ của quốc gia đó và nếu người dùng không biết tiếng Anh, họ sẽ không tiếp cận được thông tin và áp dụng đúng?”.

Thành công của website là động lực để cô mở rộng ra ngoài khu vực Đông Nam Á, sang Ấn Độ và Sri Lanka. "Hiện tại, trong năm 2020, chúng tôi dự kiến sẽ đạt mốc 50 triệu người dùng", cô nói.

Ý tưởng ban đầu về công ty ra đời khi Mahtani sống ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm công việc bán thời gian là người giữ trẻ và ngạc nhiên về cách cha mẹ người Mỹ áp dụng kỷ luật đối với con cái họ. Một phụ huynh mà cô nhớ lại, đã từng nói với con mình: "Có lẽ con sẽ có cách cư xử tốt hơn", thay vì một câu "Đừng làm vậy!" như bố mẹ cô vẫn thường dùng với cô.

"Tôi nghĩ trong rất nhiều khía cạnh của văn hóa phương Tây, đó không nhất thiết là khái niệm về việc trừng phạt", cô nói. "Đó là khái niệm về nội tâm, trong khi ở châu Á, đó sẽ là hình phạt ngay lập tức".

Là một người Ấn Độ gốc Hoa, lớn lên ở Singapore, Mahtani có một nền tảng văn hóa đa dạng và không chỉ có thế: "Rời khỏi Singapore khiến tôi nhận ra mình là người châu Á như thế nào", cô nói.

Mahtani cho rằng, nhiều bậc cha mẹ trẻ người châu Á cảm thấy mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con cái. Trong khi cuộc sống hiện tại đã tương đối khá giả hơn so với thời điểm họ lớn lên, các bậc phụ huynh đã tiếp thu các giá trị phương Tây như quyền tự do cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Những điều này đi ngược lại với xã hội châu Á, với sự nhấn mạnh về tầm quan trọng của tập thể và tính cố hữu không thay đổi. Mặc dù cảm thấy không được giúp ích gì trong quá trình nuôi dạy con cái, họ vẫn luôn bị người thân và đồng nghiệp, với suy nghĩ là tốt cho họ, nhắc nhớ hàng ngày về cách thức nuôi dạy con của họ.

Công ty đã giải quyết vấn đề nan giải này, mang đến cho các bậc cha mẹ châu Á một không gian kết nối các vấn đề tương tự để họ có thể tự tìm hiểu.

Ở đó, họ tìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi phổ biến, chẳng hạn như mặc quần áo gì khi mang bầu và làm thế nào để tạo ra một gia đình tốt.

TheAsianparent cũng cung cấp các bản dịch về các nghiên cứu từ châu Âu và Mỹ, có những giải thích bổ sung cho từng bối cảnh. Người dùng không mất phí sử dụng vì doanh thu của trang web đến từ quảng cáo và kết quả khảo sát người dùng cho người có nhu cầu.

Mahtani cho biết, định hướng nội dung của theAsianparent đã thay đổi sau khi bản thân cô trở thành một người mẹ.

Mặc dù chia sẻ rất nhiều thông tin về cách nuôi dạy con theo kiểu phương Tây, Mahtani vẫn đưa thêm vào rất nhiều nội dung đan xen về văn hóa đặc trưng của mỗi đất nước. Ví dụ: mỗi phiên bản được bản địa hóa có một diễn đàn nơi người dùng được khuyến khích trao đổi công thức nấu ăn của riêng họ với đặc trưng của từng quốc gia.

Bất chấp một lĩnh vực có sự cạnh tranh cao, theAsianparent đã trở thành trang web có sự quản lý chặt chẽ các diễn đàn người dùng. Trái ngược với nhiều diễn đàn tự do ở Mỹ thường bị đánh cắp, công ty muốn người dùng tương tác mà không sợ bị chỉ trích hay chế giễu. Bất kỳ ý kiến đi ngược lại các quy định của công ty sẽ bị xóa ngay lập tức và tác giả của chúng sẽ bị cảnh báo.

"Không giống như Facebook và Google với định hướng về những bài viết tự do – quan điểm của chúng tôi, 'Không có nội dung nào là tự do!' Chúng tôi kiểm soát mọi thứ, "Mahtani nói đùa.

Bình luận chính trị cũng bị cấm, với số lượng lớn bài viết được một nhóm nhân sự kiểm soát chặt chẽ cùng hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, khoảng 5% người dùng nhận được các cảnh báo một hoặc nhiều lần khi đưa các bình luận chính trị.

Kinh nghiệm của Mahtani khi nuôi dạy con gái riêng của mình cũng chính là triết lý kinh doanh của bản thân cô. Khi sinh con ở tuổi 33, cô biết rằng các bậc cha mẹ rất muốn tìm hiểu cách người khác nuôi dạy con cái đồng thời không muốn bị chỉ trích khi làm mọi thứ theo cách riêng của họ. Đây là kim chỉ nam mà trang web của cô ấy hướng tới và cô tin rằng đó là lý do vì sao website theAsianparent trở thành cẩm nang hàng đầu về nuôi dạy con cái đối với cộng đồng các bậc cha mẹ ở khu vực.

"Làm cha mẹ thật khó khăn. Bạn không muốn mọi người đánh giá bạn về quyết định của bạn", cô cho biết.

Châu Á đang trở thành “một cơ hội” cho các dịch vụ hỗ trợ nuôi dạy con cái. Theo Liên Hợp Quốc, số lượng trẻ được sinh dự kiến sẽ đạt khoảng 373 triệu, từ 2015 đến 2020. Khu vực Đông Nam Á – vốn là thị trường trọng điểm của theAsianparent ở châu Á – con số này là 57,28 triệu. Trong khi đó, ở châu Âu là 38,84 triệu và Bắc Mỹ là 21,43 triệu trẻ.

Người dân ở châu Á thích sử dụng internet tạo điều kiện thuận lợi cho các trang web thông tin như theAsianparent phát triển. Theo công ty nghiên cứu We Are Social của Anh, thời gian trung bình dành cho các hoạt động online (trực tuyến) mỗi ngày là 9h giờ 45 phút đối với người Philippines và khoảng 9 giờ đối với người Thái Lan. Hai mức này đều cao hơn 2 giờ so với mức trung bình toàn cầu là 6 giờ và 43 phút. Trong năm 2019, khoảng 200 triệu người trong khu vực Đông Nam Á được ghi nhận lần đầu tiên tiếp cận với internet, trong đó người Ấn Độ và Indonesia xếp vị trí hàng đầu.

Quá trình đô thị hóa phát triển nhanh chóng ở khu vực Đông Nam Á khiến cho các bậc cha mẹ gặp khó khăn trong nuôi dạy con cái. Điều này càng trở nên rõ nét khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các biện pháp giãn cách xã hội được nhiều chính phủ áp dụng để hạn chế virus lây lan đã buộc nhiều người phải ở nhà. Trong bối cảnh đó, tầm quan trọng của thông tin trực tuyến càng được nâng cao và yêu cầu đáp ứng tiêu chí kịp thời và tin cậy.

TheAsianparent hiện đang hướng đến thị trường châu Phi, nơi dự kiến tỷ lệ sinh em bé sẽ vượt qua châu Á trong nửa sau của thế kỷ.

Website gần đây đã cho ra mắt các phiên bản nội địa hóa dành cho Kenya và Nigeria, cung cấp các kiến thức nuôi dạy con cái bên ngoài phạm vi châu Á.

Theo Trang Trang

Cùng chuyên mục
XEM