Con đường đắt nhất thế giới: Hơn 4.500 tỷ VNĐ/km, xây trong 5 năm - "Đắt xắt ra miếng"?
Tuyến đường có tổng chiều dài 42km, nối liền quận Adler của thành phố Sochi với khu vực thi đấu các môn thể thao mùa đông trên núi ở vùng Krasnaya Polyana, Nga.
Theo worldrecordacademy.org, con đường Krasnaya Polyana ở thành phố Sochi, Nga được mệnh danh là con đường đắt nhất thế giới, với hệ thống đường hầm và cầu cần thi công phức tạp do điều kiện địa hình không thuận lợi.
Con đường Krasnaya Polyana và tuyến đường sắt chạy song song
"Đắt xắt ra miếng"?
Thông tin của Wall Street Journal năm 2014 cho biết con đường này trị giá 9,5 tỷ USD ( khoảng 216.505 tỷ VND theo thị giá hiện tại), tức mỗi km đường có giá 200 triệu USD (khoảng hơn 4.500 tỷ VND).
Con đường đã được hoàn thành kịp để phục vụ Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi, nhưng giá trị ước tính của nó còn lớn hơn toàn bộ ngân sách của Thế vận hội mùa đông Vancouver 2010.
Theo ông Andrey Panenkov, quyền kỹ sư trưởng của dự án xây dựng con đường Krasnaya Polyana, phần khó thi công nhất là đường hầm, "đặc biệt là khi dãy Caucasus gồm nhiều núi trẻ. Chúng không phải đá cứng như granite. Nền đất khu vực này còn yếu và có khả năng thay đổi".
Song song với con đường "khủng" này là một tuyến đường sắt, gồm 2 ga hàng hóa, nâng cấp tuyến đường sắt cũ Adler -Tuapse, 4 nhà ga mới và mạng lưới giao thông đường bộ liên kết. Sân bay Sochi cũng được nâng cấp để kết nối với hệ thống này.
Được hoàn thành chỉ trong vỏn vẹn 5 năm, con đường này được đánh giá là một điều kỳ diệu của kỹ thuật-công nghệ. Nhờ sự phối hợp của các chuyên gia tư vấn từ Italy, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, nhiều km đường khó thi công đã vượt mọi thách thức và khó khăn để hoàn thành trước sự kiện thể thao quan trọng.
Nhiều loại máy móc hạng nặng, bao gồm 6 máy khoan khổng lồ cùng 14 máy vận chuyển đá vụn và đất ra khỏi khu vực thi công đã được sử dụng, cùng nhiều phương pháp khoan và nổ mìn để đào khoảng 30 km đường hầm xuyên núi.
Trong điều kiện giao thông thông thoáng, các phương tiện chỉ mất khoảng 30 phút để di chuyển giữa điểm đầu và điểm cuối của con đường này.
Trước những ý kiến băn khoăn, nghi ngại về cái giá 9,5 tỷ USD, ông Oleg Toni, Phó chủ tịch công ty Đường sắt Nga cho biết: "Thật vô nghĩa khi so sánh con đường này với con đường nối thủ đô Paris và thành phố Lyon ở Pháp, vì điều kiện ở đó hoàn toàn khác. Chúng tôi đã xây dựng thêm 4 ga xe lửa mới và những ga này sẽ phục vụ người dân trong nhiều thế hệ."
Đường vành đai đắt nhất Việt Nam, 1.000 tỷ/km
Tại Việt Nam, dự án đường Vành đai 3 dài 98 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, có khoảng 83.000 tỷ tổng mức đầu tư cho khoảng 80 km đường, tức bình quân 1.000 tỷ/km. Dự án được phê duyệt cách đây hơn 10 năm nhưng hiện mới chỉ hoàn thành một đoạn dài hơn 15km.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị về dự án, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ nhiều vấn đề còn tồn tại đối với 2 dự án này, đặc biệt là khâu tính toán chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng.
Từ những số liệu trên, có thể thấy dự án đường vành đai 3 của TPHCM có mức đầu tư cho 1 km đường cao hơn nhiều so với các tuyến cao tốc trên cả nước. Cụ thể, chí phí xây dựng mỗi km đường cao tốc Bắc – Nam là khoảng 140 tỷ đồng.
"Như vậy bình quân 1.000 tỷ/km đường vành đai là quá cao. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng tính riêng 15 km đường tại Bình Dương là 22.000 tỷ, tại Long An 6,8km là 5.000 tỷ.
Nếu không tính toán cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến việc dự trù, và chủ trương", Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, địa bàn có khoảng 15 km đường thuộc dự án vành đai 3 của TPHCM đi qua, đã giải phóng mặt bằng một phần. Hiện tại, đơn giá chi cho giải phóng mặt bằng là khoảng 25 triệu/m2 theo tính toán của các đơn vị đề xuất.
Nguyên nhân dẫn đến giá thành trên là bởi đoạn đường này đi qua thành phố, có nhiều khu dân cư, đất nông nghiệp, đất xen kẽ. Do vậy, tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng cho đoạn đường này là 22.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, trong công tác quy hoạch tuyến vành đai 3, các đơn vị cần hạn chế để tuyến đường đi qua đất ở, đất dân cư. Mặt khác, nếu tuyến đường đi qua đất nông nghiệp thì giá giải phóng mặt bằng nói trên phải xem xét lại./.