Con đường chiến thắng của Donald Trump
Trên thực tế kể từ cuộc bầu cử năm 1988, vấn đề Trump có nên ứng cử tổng thống hay không đã được đề cập tại mọi mùa tranh cử sau đó.
Sinh ngày 14/6/1946 tại New York, Donald Trump là con trai thứ 4 trong một gia đình kinh doanh bất động sản giàu có.
Vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, ông Trump bắt đầu tiếp bước người cha khi tham gia kinh doanh bất động sản. Vào năm 1983, tòa tháp Trump, biểu tượng cho đế chế kinh doanh của ông Trump sau này được hoàn thành.
Đến năm 1987, ông Trump lần đầu tiên có bài phát biểu tại bang New Hampshire về việc Mỹ viện trợ cho các đồng minh quân sự như Nhật Bản hay Ả Rập Xê Út. Các chuyên gia đánh giá đây là sự khởi đầu cho sự nghiệp chính trị của ông Trump sau này.
Việc ông Trump tham gia vào giới chính trị là một điều khá bất ngờ với nhiều chuyên gia khi vị tỷ phú này chủ yếu kinh doanh bất động sản và nổi tiếng nhờ các hoạt động giải trí. Nổi bật là động thái xuất bản cuốn sách “Nghệ thuật Đàm phán” năm 1987 và tham gia chương trình truyền hình thực tế “Người tập sự” vào năm 2004.
Với hàng loạt các bài bình luận, phát biểu về chính trị, kinh tế Mỹ, một số người hâm mộ đã lên tiếng đề nghị ông Trump xem xét tranh cử tổng thống trong các kỳ bầu cử trước đây nhưng vị tỷ phú này từ chối.
Tổng thống Trump khi còn trẻ
Vị ứng cử viên tiềm năng
Trên thực tế kể từ cuộc bầu cử năm 1988, vấn đề Trump có nên ứng cử tổng thống hay không đã được đề cập tại mọi cuộc tranh cử sau đó. Thậm chí vào năm 1999, Trump tuyên bố mình là ứng cử viên tiềm năng của Đảng Cải cách cho đợt tranh cử tổng thống, nhưng sau đó đã rút lại lời tuyên bố vào tháng 2/2000.
Trong cuộc bầu cử năm 2012, các cuộc khảo sát cho thấy Trump là ứng cử viên Đảng Cộng hòa tiềm năng hàng đầu cho đợt tranh cử năm đó, nhưng tỷ phú này không tham gia.
Đến tháng 2/2015, Trump từ chối gia hạn ký hợp đồng với chương trình “Người tập sự”, qua đó làm bùng lên nghi ngờ về việc ông sẽ tham gia tranh cử.
Ông Trump khi còn làm cho chương trình "Người tập sự"
Mãi đến ngày 16/6/2015, ông Donald Trump mới chính thức tuyên bố quyết định chạy đua vào Nhà Trắng.
Điều gây chú ý với giới truyền thông khi đó, ngoài chuyện ông Trump muốn làm tổng thống thì cương lĩnh tranh cử của ông cũng khiến nhiều người bán tán. Quan điểm chỉ trích tự do thương mại, coi Trung Quốc là mối đe dọa, phản đối các chính sách của Tổng thống Barack Obama cũng như có thái độ thù hằn với người Hồi giáo, người nhập cư khiến cả thế giới bất ngờ.
Trong lịch sử chính trị Mỹ, hiếm có vị ứng cử viên nào mạnh miệng như ông Trump khi tuyên bố hàng loạt những quan điểm cứng rắn như vậy.
Đến tháng 8/2015, các cuộc tranh luận vòng loại sơ bộ của Đảng Cộng hòa bắt đầu diễn ra và ông Trump bắt đầu cuộc hành trình chinh phục giấc mơ tổng thống của mình.
Ông Trump chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ
Quá quan trảm tướng
Trong giai đoạn năm 2015, ông Trump chủ yếu thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông dựa trên 2 sự kiện chính là tuyên bố xây một bức tường ngăn cách với Mexico nhằm hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp vào đây đang cướp việc làm của dân Mỹ, cùng với đó là những tuyên bố cứng rắn về người Hồi giáo sau vụ khủng bố Paris đẫm máu vào tháng 11/2015.
Ngày 13/11/2015, vụ khủng bố tại Pháp khiến 130 người thiệt mạng đã mở màn cho trận chiến đấu khẩu trên chính trường Mỹ. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm về vụ này và ông Trump cũng tuyên bố hàng loạt phát ngôn gây sốc về người Hồi giáo, bắt đầu cho những lời tuyên bố gây rúng động giới truyền thông sau đó.
Mặc dù những quan điểm trên gây tranh cãi lớn trên thế giới cũng như cánh báo chí, nhưng chính những quan điểm mạnh mẽ này lại thu hút được rất nhiều cử tri Mỹ. Theo khảo sát, tỷ lệ ủng hộ của ông Trump vào cuối năm 2015 cao hơn hẳn so với các ứng cử viên tiềm năng khác của Đảng Cộng hòa như Jeb Bush, con trai của Cựu Tổng thống George H Bush (Bush cha) và là em trai của Cựu Tổng thống George W Bush (Bush con), hay Scott Walker.
Bước sang năm 2016, cuộc tranh cử tổng thống ngày càng trở nên gay gắt với nhiều diễn biến mới.
Ngày 1/2/2016, cuộc bầu cử sơ bộ của 2 Đảng diễn ra tại Iowa khi ông Trump chỉ về vị trí thứ 2 sau ông Ted Cruz. Tuy vậy, vị tỷ phú này đã thắng liên tiếp tại nhiều bang trong các buổi bỏ phiếu sau.
Ông Donald Trump và ông Ted Cruz
Ngày 1/3/2016, ông Trump vượt qua vòng bỏ phiếu sơ loại với thế thắng áp đảo tất cả các đối thủ trong Đảng Cộng hòa. Tuy vậy, những đối thủ mới của ông trong Đảng cũng trỗi dậy.
Ứng cử viên Ted Cruz của Đảng Cộng hòa bỗng nổi lên như một đối thủ đáng gờm với ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ. Với sự hậu thuẫn của cộng đồng Thiên chúa giáo, ông Cruz đã chiến thắng trong cuộc bầu xử sơ bộ tại bang Iowa. Tuy nhiên, tỷ phú Trump đã giành lại thế chủ động khi liên tiếp thắng tại các bang New Hampshire, Bắc Carolina, Nevada và Indiana.
Ngày 3/5/2016, tỷ phú Donald Trump trở thành ứng cử viên còn lại duy nhất của Đảng Cộng hòa khi thượng nghĩ sĩ Ted Cruz rút lui sau thất bại bỏ phiếu sơ bộ tại bang Indiana.
Trớ trêu thay, hàng loạt nghị sĩ của Đảng Cộng hòa từ chối ủng hộ ông Trump cũng như phản đối quyết liệt việc đưa vị tỷ phú này trở thành ứng cử viên của Đảng. Thậm chí, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Paul Ryan và cũng là nghị sĩ của Đảng Cộng hòa cũng tuyên bố ông chưa sẵn sàng để ủng hộ tỷ phú Trump.
Đến ngày 26/5/2016, ông Trump vẫn tập hợp đủ 1.238 phiếu ủng hộ trog Đảng cộng hòa để có thể trở thành ứng cử viên đại diện tranh chức tổng thống cho Đảng.
Có thể nói, việc một người không chuyên về chính trị như ông Trump bất ngờ đánh bại hàng loạt các chính trị gia khác đã khiến Đảng Cộng hòa dậy sóng. Vào tháng 6/2016, Đảng Cộng hòa bị chia rẽ làm 2 nhóm là “Free the Delegates” (FD) và “Delegates Unbound” (DU).
Trong khi nhóm FD chủ trương thay đổi quy định trong đảng để bỏ phiếu lại chống ông Trump thì nhóm DU lại cho rằng Đảng này nên tuân thủ quy định dù người đại diện có là ai đi chăng nữa.
Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng ngày 21/7/2016, Đảng Cộng hòa chính thức bầu Trump là ứng cử viên đại diện tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Trump được đề cử làm đại diện tranh cử tống thống chính thức của Đảng Cộng hòa.
Trump vs Clinton
Sau khi trở thành ứng cử viên chính thức của Đảng Cộng hòa, ông Trump bước vào cuộc đua chính thức với ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ là bà Clinton mà tiêu biểu là 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên sóng truyền hình.
Mặc dù có nhiều nhận định trái chiều về người chiến thắng thật sự qua 3 cuộc tranh luận, nhưng hầu như tất cả mọi người phải thừa nhận rằng một tỷ phú không rành về chính trị như ông Trump vẫn có thể đấu tay đôi với bà Clinton, một người lão luyện trong giới chính khách trên truyền hình.
Trên thực tế, cuộc tranh luận năm 2016 được coi là kỳ quặc nhất từ trước đến nay khi ngay từ buổi đầu tiên vào ngày 26/9/2016, 2 ứng cử viên đã lôi những vụ bê bối của nhau ra để chỉ trích thay vì tập trung vào các vấn đề lớn của kinh tế, xã hội và chính trị Mỹ.
Ngay trong cả những cuộc tranh luận sau vào ngày 9/10 và 19/10, cả 2 ứng cử viên cũng khiến khán giả và giới truyền thông chú ý về các vụ cáo buộc của nhau hơn là những chính sách họ sẽ làm khi đắc cử.
Trong khi bà Clinton cáo buộc ông Trump trốn thuế, coi thường phụ nữ và sẽ khiến ngân sách thâm hụt, làm nước Mỹ bị cô lập và có mối quan hệ mờ ám với phía Nga thì tỷ phú Trump cho rằng bà Clinton là một chính khách gian dối, dù nói nhiều nhưng chẳng làm được bao nhiêu và chỉ khiến nước Mỹ tiếp tục bất ổn như hiện nay.
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp.
Kết quả cuộc tranh luận trên thực tế không phân rõ đúng sai hay ai thắng ai thua bởi mỗi ứng cử viên và cử tri có quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, thời kỳ này tương đối khó khăn cho ông Trump khi hầu hết cánh báo chí nghiêng về ủng hộ bà Clinton.
Thậm chí, số tiền vận động tranh cử của bà Clinton cũng lớn hơn ông Trump.
Trong giai đoạn này, ông Trump gặp nhiều bất lợi hơn so với bà Clinton khi lịch sử đời tư của vị tỷ phú nhiều tai tiếng này bị lật lại. Từ vụ phá sản trước đây đến việc có mặt trong một cảnh quay của phim người lớn, hay những phát ngôn gây sốc về phụ nữ, người nhập cư, Trung Quốc và người Hồi giáo.
Ngày 1/10/2016, tờ New York Times lật lại chuyện ông Trump né thuế và lạch luật trong 18 năm, qua đó chỉ trích vị tỷ phú này làm giàu không đàng hoàng.
Ngày 10/10/2016, sau khi kết thúc cuộc tranh luận thứ 2, ông Trump gặp rắc rối bởi một đoạn video cho thấy vị ứng cử viên này có những lời lẽ khiếm nhã với phụ nữ. Sau đó khoảng 10 phụ nữ cũng đứng ra cáo buộc ông Trump quấy rối họ.
Trái ngược lại, với sự nghiệp chính trị dài lâu kể từ khi ông Bill Clinton lên làm tổng thống, bà Clinton luôn biết cách ứng xử và che giấu những khuyết điểm của bản thân với tư cách là Cựu đệ nhất phu nhân và là một chính trị gia lão luyện.
Mặc dù vậy, điều trớ trêu là những vụ bê bối của ông Trump hầu như được giới truyền thông và người dân các nước khác quan tâm, trong khi cử tri Mỹ lại nhìn nhận chuyện này khá bình thường. Việc các ứng cử viên công kích lẫn nhau, bới móc chuyện đời tư đã từng diễn ra trong các cuộc tranh cử trước đó, chỉ có điều lần này giới truyền thông đang cố gắng thổi phồng quá mọi chuyện.
Người dân Mỹ hiện nay đã quá chán với các chiêu trò và những lời cam kết của giới chính trị. Nền kinh tế số 1 thế giới này vẫn chưa gượng dậy hoàn toàn kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008 trong khi vị thế của Mỹ đang dần bị lung lay bởi hàng loạt các biến động địa chính trị trên thế giới.
Nước Mỹ ngày nay đã không còn giống như 30 năm trước khi ngày càng nhiều người nhập cư vào Mỹ và trở thành công dân. Tất nhiên, những công dân nhập cư này sẽ bầu cho vị tổng thống nào tiếp tục chính sách mở cửa cũng như những chương trình ưu đãi cho người nước ngoài muốn vào sinh sống tại đây.
Theo tờ Las Vegas Review Journal, chính sách của bà Clinton cùng Đảng Dân chủ đã từng biến bang California trở thành thiên đường của công dân Mỹ nhập cư. Hệ quả là bang này hầu như ủng hộ cho đảng Dân chủ và giờ đây bà Clinton đang cố gắng nhân rộng điều này ra toàn nước Mỹ.
Bất chấp điều đó, giới truyền thông vẫn nghiêng về ủng hộ bà Clinton hơn ông Trump khi hầu hết các tờ báo lớn đều ủng hộ cựu ngoại trưởng Mỹ và chỉ có 1 tờ báo duy nhất lên tiếng ủng hộ ông Trump.
Ngày thứ 3 lịch sử
Bước vào ngày bầu cử quyết định 8/11, cả Trump và Clinton đều có những nỗ lực cuối cùng nhằm thu hút thêm cử tri tại nhiều bang. Giới truyền thông khi này cho rằng ông Trump rất khó chiến thắng do dù lấy được phiếu đại cử tri tại nhiều bang trung lập thì vẫn cần phiếu bầu tại một số bang có truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ.
Theo luật pháp Mỹ, một ứng cử viên cần đủ 270/538 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống và điều kỳ diệu đã xảy ra khi một số bang được dự kiến ủng hộ bà Clinton như Michigan hay Wisconsin lại quay sang ủng hộ ông Trump. Đồng thời với đó, hàng loạt những bang trung lập có nhiều phiếu đại cử tri như Florida, Bắc Carolina, Ohio hay Pennsylvania cũng ủng hộ Trump.
Đến 2h30 ngày 9/11 theo giờ Việt Nam, ông Trump chính thức vượt qua mốc 270/538 phiếu đại cử tri để hợp pháp trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ, Đến 3h chiều cùng ngày, ông Trump có bài phát biểu cảm ơn mà theo nhiều chuyên gia là lời tuyên bố chiến thắng trong trận chiến cuối cùng này.
Kết quả cuộc bầu cử này đã khiến giới truyền thông bất ngờ khi rất nhiều dự đoán trước đó cho rằng ông Trump sẽ thua.
Không dừng lại ở đó, kết quả cuộc bỏ phiếu Hạ viện Mỹ cũng cho thấy Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế và tiếp tục kiểm soát nghị viện, trong khi đảng này cũng chiếm nhiều ghế tại thượng viên, qua đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho ông Trump cho việc điều hành nước Mỹ sau này cũng như thực hiện các mục tiêu mà ông đã đề ra khi tranh cử.