"Con đi học còn vất vả hơn tôi đi làm"

11/04/2017 15:21 PM | Sống

Chỉ hai thành phố Hà Nội, TP.HCM đã có 50.000 học sinh lớp 9 không có suất học lớp 10 công lập - một con số không nhỏ để phụ huynh lo lắng trong kì tuyển sinh lớp 10 năm nay.

Thi vào 10 khó hơn thi đại học

Cả tháng nay chị Trần Bích Ngọc, quận Đống Đa, Hà Nội cứ thấp thỏm như ngồi trên lửa vì năm nay có con thi vào lớp 10. Điều chị lo hơn là ngày thi càng đến gần nhưng con thì chưa tập trung học.

Học sinh căng thẳng cuộc đua vào lớp 10 công lập (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

“Thi vào lớp 10 bây giờ còn khó hơn thi vào đại học. Thi đại học không đỗ trường này thì vào trường khác, chứ không vào được lớp 10 thì bơ vơ, rất khổ. Học sinh ở tuổi này cũng dở dở ương ương, nếu không vào được trường tốt có khi lại hư mất"- chị Ngọc lo lắng.

Xác định lực học của con thuộc diện trung bình, chị Ngọc không tạo áp lực mà luôn động viên con phải cố gắng học kỹ kiến thức cơ bản để chuẩn bị cho kỳ sắp tới.

“Chúng tôi chỉ đặt mục tiêu với những trường vừa sức như Trường THPT Quang Trung hoặc Trường THPT Trung Văn, dù thích Trường THPT Kim Liên nhưng tôi không dám cho con đăng ký vì điểm trúng tuyển các năm trước rất cao".

Dù vậy, chị Ngọc cũng không yên tâm bởi Trường THPT Trung Văn luôn có số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhiều nhất. Tại trường này, năm ngoái có tới 1.180 em nộp hồ sơ, trong khi chỉ tiêu chỉ 400, tức là 3 em thì chỉ có 1 em đỗ.

Còn chị Trần Hồng Vân, đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM ngay từ đầu đã thúc giục con học vì chị "nhắm" một suất vào Trường THPT Gia Định trong quận.

Tuy nhiên, để vào được Trường Gia Định không dễ vì "thương hiệu Gia Định" là phải 8 điểm/môn. Dù con học rất khá nhưng chị Vân vẫn không khỏi lo lắng. Thêm một bất lợi với học sinh TP.HCM năm nay là kì thi lớp 10 diễn ra đầu tháng 6, sớm hơn các năm trước nên học sinh không có thời gian ôn tập vì giữa tháng 5 mới hết chương trình thì 10 ngày sau đã thi. Hơn nữa, năm nay việc cạnh tranh sẽ khó khăn hơn vì TP.HCM cũng tăng 13.000 học sinh lớp 9 so với năm ngoái.

"Muốn vào đại học thì trước hết phải học tốt cấp ba đã. Không vào được cấp ba không được thì coi như con đường học vấn cũng đã khép lại vì đại học cũng cần hồ sơ phổ thông"- Chị Vân cho biết, "Cả tháng nay lo con rớt mà sinh bệnh".

Kín tuần học thêm

Chị Trần Thị Yên Hoa, Q.Thủ Đức, TP.HCM kể lại lịch trình vì con muốn vào Trường THPT Nguyễn Hữu Huân như sau: Ở trường, con học thêm 2 buổi Toán, 2 buổi Văn và 2 buổi học tiếng Anh . Ở nhà cô con học thêm 1 buổi toán, 1 buổi văn, 2 buổi tiếng Anh.

Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Cũng có con thi vào 10, anh Nguyễn Văn Nam, quận Đống Đa, Hà Nội cũng trong tình tình cảnh tương tự. Đặt mục tiêu vào Trường THPT Lê Quý Đôn với điểm chuẩn năm ngoái lên đến 51,5, anh Nam cho biết, con gái anh hôm nào cũng học đến hơn 12h đêm nhưng sang vẫn dậy sớm học bài.

"Ngoài việc học thêm ở các trung tâm, tôi còn thuê gia sư cả 3 môn toán, văn và tiếng Anh để kèm thêm tại nhà cho con. Cũng vì thế mà lịch học của cháu gần như kín tuần và chẳng có ngày nghỉ. Lo thì lo thật nhưng bây giờ mình tạo áp lực và căng thẳng thì cũng chẳng giúp ích được gì. Vì vậy, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện tối đa, chỉ mong con cố gắng hết sức”.

"Con học vất vả hơn mẹ đi làm”

Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ thấy con học thêm ở trường khá nhiều và rất mệt, nhưng cũng đăng ký cho con học thêm ở trung tâm.

“Con học thêm ở trường cũng khá nhiều nhưng không đi học thêm ở ngoài cũng không thể nào mà yên tâm được. Bởi thấy bạn bè cháu ai cũng đi học thêm cả”, chị Thanh lo lắng.

Chị Thanh muốn con vào THPT Yên Hòa, một trường thuộc top những trường có điểm đầu vào cao nhất Hà Nội năm ngoái với 52,5 điểm. “Điều tôi lo lắng nhất là con phải học nhiều quá để đối mặt với cuộc thi này, sợ rằng con quá sức”.

Học sinh không có thời gian ăn uống đàng hoàng, ảnh mang tính minh hoạ (Ảnh: Lê Huyền)

Ngoài mong muốn vào trường công lập tốt, thì chị còn có ý định cho con thi vào trường chuyên nên lịch học con chị gần như học kín tuần. Đều đặn các buổi tối trong tuần con chị sẽ học 2 buổi toán và 1 buổi tiếng Anh, 1 buổi văn, vì vậy ngày nào cháu cũng học thêm trên trường xong về ăn cơm, tắm rửa xong là hơn 10h lại tiếp tục ngồi vào học đến nửa đêm.

“Việc học rất vất vả nhưng cũng may con có sức khỏe tốt. Nói thật, tôi thấy con học vất vả hơn mình đi làm, nhưng qua "đốt" rồi thì lại khoẻ"- chị Thanh nói.

Chị Thanh cho biết, chính chị cũng thấy kỳ thi áp lực mệt mỏi, nhưng đành phải động viên con. Bố mẹ cũng chỉ biết nhắc con học vừa phải và đi ngủ sớm hơn.

“Ngày học chính khoá, 5h chiều học toán nhà cô giáo, 7h30 học tiếng Anh cũng ở nhà cô giáo, ngày hôm sau lịch lặp lại học văn, tiếng Anh rồi toán, văn" là lịch mà anh Trần Ngọc Tuấn, có con học tại Trường THCS Thái Văn Lung, Thủ Đức, TP.HCM theo từ ra tết tới nay.

Anh Ngọc Tuấn thừa nhận, "vì kỳ thi mà nhiều lúc con không có thời gian ăn và ngủ, nên việc vừa đi vừa ăn trên đường là bình thường".

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM hơn 81.000 học sinh đăng ký dự thi lớp 10 là số do các phòng giáo dục báo cáo, còn số thực tế thi thì phải gần ngày thi mới biết được. Năm ngoái, TP.HCM có gần 10.000 học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 vì đã chọn học nghề từ trước.

Từ kinh nghiệm này, số học sinh dự thi sẽ ít hơn số đăng kí từ 5000-7000 học sinh. Cụ thể, Năm 2016 có 68.000 học sinh lớp 9 đăng đăng ký thi vào lớp 10 nhưng chỉ hơn 63.000 thí sinh dự thi.

Ngoài ra, một điểm cần lưu ý là so với các trường nội thành có sự cạnh tranh khốc liệt thì ở vùng ven, ngoại thành nơi được coi là vùng trũng giáo dục của TP.HCM có điểm trúng tuyển rất thấp 2 -3 điểm/môn mà vẫn không đủ học sinh, vì vậy phụ huynh cần cân nhắc lựa chọn chỗ học phù hợp, tránh đẩy con vào tình trạng căng thẳng.

Theo Thanh Hùng - Lê Huyền

Cùng chuyên mục
XEM