Cơn đau đầu của Hàn Quốc: Xuất khẩu tăng trưởng nhưng nền kinh tế lại đối mặt khủng hoảng lớn nhất trong hơn 20 năm qua
Trong khi những tập đoàn gia đình trị (Chaebol) tại Hàn Quốc phấn khởi vì xuất khẩu tăng trở lại thì hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và người lao động tại đây lại đang khốn khổ vì đại dịch.
Những số liệu thống kế cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc đã vượt qua được cơn sốc Covid-19 hơn nhiều quốc gia khác. Nhờ hàng loạt gói cứu trợ mà chính phủ nước này đã hạn chế được các thiệt hại kinh tế chỉ ở mức suy giảm 1% GDP trong năm 2020. Đây cũng là năm tăng trưởng âm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 1998 tại Hàn Quốc, nhưng con số này vẫn ấn tượng hơn nhiều nước phát triển đang phải vật lộn với đại dịch.
Bước sang tháng 1/2021, xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành tháng tăng trưởng thứ 3 liên tiếp. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng đạt mức cao kỷ lục đầu năm 2021 sau khi hàng loạt công ty gia đình trị (Chaebol) như Samsung Electronics, Emart hay SK Hynix công bố kết quả lợi nhuận vô cùng tốt cho quý IV/2020.
Xuất khẩu của Hàn Quốc hồi phục mạnh trong mùa dịch
Thế nhưng câu chuyện nực cười ở đây là trong khi các tập đoàn lớn hồi phục mạnh mẽ thì những doanh nghiệp nhỏ và người lao động vẫn chìm trong khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc đã lên mức 5,4% trong tháng 1/2021, cao nhất 21 năm qua. Khoảng 982.000 lao động của nền kinh tế này đã mất việc làm đầu năm 2021, nhiều nhất kể từ năm 1999.
Bộ tài chính Hàn Quốc đổ lỗi cho dịch bệnh khiến hàng loạt hàng quán đóng cửa, gây thiệt hại nặng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người lao động. Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã phải công bố 3 đợt cứu trợ với tổng giá trị hơn 27 tỷ USD cho nền kinh tế nhưng hiệu quả lại chưa thể nói trước.
Hàng loạt vấn đề trong xã hội Hàn Quốc, từ cơ hội việc làm cho giới trẻ đến sức mua của người tiêu dùng, tỷ lệ sinh con thấp… đã tác động đến các doanh nghiệp nhỏ vốn chỉ tập trung cho thị trường nội địa.
Báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI) cho thấy tiêu dùng cá nhân của nước này đã giảm 4,4% trong 3 quý đầu năm 2020, còn chi tiêu công lại tăng tới 5,8%.
Tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc lại ngày một tăng cao
Chi nhiều nhưng kém hiệu quả
Daejeon là thành phố lớn thứ 5 của Hàn Quốc với dân số 1,46 triệu người. Chính quyền nơi đây đã phải cấm tụ tập trên 4 người cũng như buộc các hàng quán phải đóng cửa sau 9h tối nhằm chống dịch. Trớ trêu thay, những biện pháp này lại triệt đường sống của những cửa hàng nhỏ mưu sinh ven đường.
"Tại đây, một bộ phận nhỏ dân số vẫn có thu nhập ổn định nhờ làm công cho chính phủ hay các trường đại học vẫn mở mùa dịch, thế nhưng phần lớn người dân lại đang gặp khó khăn khi chẳng buôn bán hay kinh doanh được gì", nhà hoạt động xã hội Lee Gwang Jin nói với tờ Nikkei Asian Review.
Đồng quan điểm, chủ một trung tâm bán dược phẩm tại Daejeon là anh Yang Song Wu cũng bức xúc: "Nhiều người chẳng thể thể ngủ yên vì quá stress, họ chẳng thể mua nổi một bữa ăn tử tế mà phải dùng những đồ ăn nhanh ngoài siêu thị, hàng quán và nhiều dịch vụ đóng cửa hết cả".
Nhận thức được vấn đề, chính phủ Hàn Quốc đã cố găng tung thêm các gói cứu trợ nhưng lại gặp nhiều cản trở tại quốc hội. Những người phản đối cho rằng tăng chi tiêu công chỉ khiến thâm hụt ngân sách, đẩy nợ công lên cao trong khi nguồn thu từ thuế lại đang thấp vì đại dịch.
Giáo sư Lee Byung Tae của Viện khoa học công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) cho rằng chính phủ chi nhiều tiền nhưng kém hiệu quả, không giúp ích được gì nhiều cho tăng trưởng bền vững. Những chính sách như đảm bảo tiêu chuẩn cho người lao động chỉ giúp tăng tỷ lệ ủng hộ mà không dự đoán được những tác dụng phụ, hệ quả là Hàn Quốc có sự trái ngược trong các chỉ số kinh tế.
"Bởi vì khó sa thải nhân viên hơn do quy định mới, bất kể người đó có làm việc hiệu quả hay không nên các doanh nghiệp hiện nay không muốn tuyển thêm người. Bộ luật mới hầu như chỉ giúp những tập đoàn lớn thu hút thêm lao động mà chẳng có ích mấy với các doanh nghiệp nhỏ", Giáo sư Lee nhận định.
Tiêu dùng cá nhân tại Hàn Quốc giảm mạnh
Ngoài ra, ông Lee cũng cho rằng việc chính phủ cam kết tăng số việc làm công trong các cơ quan nhà nước chẳng mang tính hiệu quả lắm về lâu dài. Những chi tiêu đầu tư thời gian qua nghe to tát nhưng về tính hiệu quả lại không cao.
Điển hình như ở Daejeon, Chính phủ đã đổ nhiều tiền để phát triển nơi đây thành trung tâm sản xuất, công nghệ và khởi nghiệp toàn quốc. Khoảng 47,5% ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Chính phủ đã được đổ vào Daejeon trong 5 năm qua, thậm chí Tổng thống Moon Jae In còn tuyên bố sẽ biến nơi đây thành "trung tâm dẫn đầu công nghệ kỹ thuật Hàn Quốc" vào năm 2019.
Cùng năm đó, Deajeon có mức tăng trưởng GDP thuộc hàng đứng đầu Hàn Quốc với 3,3%. Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là những người trẻ nơi đây lại gặp khó khăn khi kiếm việc làm, một điều không thể tin nổi cho một thành phố được mệnh danh là trung tâm khởi nghiệp tại Hàn Quốc.