"Cơn ác mộng" Covid-19: "Thủ phạm" cuỗm mất 5.000 tỷ USD của thị trường tài chính thế giới trong tuần qua, đè bẹp hàng loạt ngành sản xuất - dịch vụ, kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Thị trường tài chính toàn cầu đã "bốc hơi" 5 nghìn tỷ đô la giá trị chỉ trong vòng 1 tuần qua; cùng với đó, các ngành hàng không, sản xuất và du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Sự lây lan nhanh chóng của virus corona đã khiến cho thị trường chứng khoán trên toàn thế giới trải qua sự sụt giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, trong bối cảnh các nước vẫn đang lo ngại về tác động của dịch bệnh tới kinh tế toàn cầu. Ngày càng có nhiều quốc gia và công ty sử dụng các biện pháp mạnh để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh Covid – 19, gây ra nhiều thiệt hại về mặt kinh tế.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã có tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, phản ánh nỗi sợ hãi ngày càng lớn đối với những thiệt hại kinh tế mà dịch bệnh này gây ra.
Tại Mỹ, Chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận phiên giảm điểm trong ngày lớn nhất trong lịch sử với việc giảm tới 1,190 điểm vào ngày 27/2 vừa qua. Chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 823 điểm trong tuần qua - tương đương với 206 tỷ bảng - để kết thúc tại 6.580,61.
Tại Việt Nam, chỉ số VNIndex cũng giảm điểm mạnh trong tuần qua khi mất tới 35 điểm (từ 917 điểm xuống chỉ còn 882 điểm, tương đương với -4%) sau những tin tức không tốt về dịch Covid-19 từ Hàn Quốc và Ý.
VNIndex giảm rất mạnh trong tuần qua do những tin xấu về dịch bệnh (Nguồn: TradingViews)
Với việc thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, các nhà đầu tư trên thế giới đổ xô mua các tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm khủng hoảng này – bao gồm vàng và trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, sau khi tăng giá đến mức kỷ lục vào ngày 24/02, giá vàng liên tục giảm mạnh trong những ngày sau đó. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng chỉ còn 1.585 USD/ OZ so với mức đỉnh 1.688 USD/ OZ hồi đầu tuần.
Giá vàng tại Việt Nam tại ngày 28/2 cũng giảm về mức khoảng 46,5 triệu đồng/ lượng, sau khi tăng kỷ lục lên trên 48 triệu đồng/ lượng vào 4 ngày trước đó.
Giá vàng giảm sâu sau khi đạt đỉnh vào ngày 24/02 (Nguồn: TradingViews)
Kinh tế thế giới
Các hoạt động kinh tế đình trệ, người tiêu dùng sợ hãi với dịch bệnh dẫn tới giảm chi tiêu cũng như sự gián đoạn với các chuỗi cung ứng trên toàn cầu là các nguyên nhân khiến cho dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới kém khả quan trong năm nay. Những hành động kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh đang gây ra tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu, khi các cuộc hội thảo và hội nghị bị hủy bỏ, trao đổi và mua bán hàng hóa toàn cầu cũng bị ảnh hưởng lớn do Covid-19.
Oxford Economic điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng theo tình hình dịch bệnh Covid -19 (Nguồn: The Guardian)
Hai tuần trước, các nhà kinh tế thế giới dự báo dịch bệnh lần này sẽ có tác động tương tự như dịch SARS hồi năm 2003, khi tăng trưởng ở Trung Quốc chững lại trước khi trở lại một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, Trung Quốc ở thời điểm hiện tại có GDP chiếm gần 1/5 GDP toàn cầu (so với chỉ 4% đầu thiên niên kỷ) và nền kinh tế thế giới cũng đang chững lại sau chiến tranh thương mại Mỹ Trung hồi cuối năm ngoái. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng gấp đôi GDP và thu nhập đầu người mà Trung Quốc đặt ra cho thập kỷ mới, nước này cần đạt tăng trưởng kinh tế ở mức 5,8%, trong khi nhiều nhà kinh tế học tin rằng nước này, sau khi dịch bệnh bùng phát, chỉ có thể đạt được mức 3% trong năm nay.
Ngành du lịch và hàng không
Các hãng hàng không trên toàn thế giới đã phải cắt giảm nhiều chuyến bay tới Trung Quốc do lo ngại về dịch bệnh, với dự báo của IATA rằng ngành hàng không sẽ mất đi tới 29,3 tỷ USD doanh thu. Hiệp hội Du lịch Kinh doanh Toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết coronavirus khiến tổng chi tiêu toàn cầu cho các chuyến công tác giảm 37%, tương đương 46,6 tỷ đô la mỗi tháng. Booking Holdings, đại lý du lịch trực tuyến sở hữu nhiều thương hiệu trong ngành du lịch, cho biết tỷ lệ đặt phòng đã giảm 10% trong quý 1/ 2020 so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ vậy, việc khách du lịch Trung Quốc suy giảm cũng ảnh hưởng lớn tới doanh thu của các địa điểm du lịch lớn, có thể kể đến Nhật Bản, Thái Lan và Bali – Indonesia, khi các du khách tới từ Đại Lục chi tiêu rất nhiều trong những chuyến du lịch nước ngoài của họ.
Ngành hàng không của Việt Nam cũng chịu tổn thất nặng nề khi nhiều chuyến bay tới Trung Quốc và mới đây nhất là Hàn Quốc bị hủy bỏ do sự bùng phát của dịch bệnh.
Số lượng chuyến du lịch ở Trung Quốc giảm mạnh kể từ sau Tết Nguyên Đán – thời điểm thông tin về dịch bệnh bắt đầu xuất hiện (Nguồn: Capital Economics, The Guardian)
Giá dầu mỏ
Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể giảm tới 1 triệu thùng mỗi ngày do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Điều này đã dẫn đến giá dầu thế giới đã giảm xuống dưới 50 USD một thùng lần đầu tiên sau trong hơn một năm qua.
Giá dầu thô giảm mạnh từ đầu năm tới nay (Nguồn: TradingEconomics)
Ngành sản xuất ô tô
Việc Triển lãm ô tô quốc tế Geneva, triển lãm xe hơi lớn nhất dự kiến diễn ra ở châu Âu năm nay bị hủy bỏ, chỉ là một trong những dấu hiệu khủng hoảng của ngành sản xuất ô tô thế giới. Điểm khởi nguồn và trung tâm của sự bùng phát dịch Covid - 19 là Vũ Hán, một trong những trung tâm sản xuất xe hơi chủ chốt của Trung Quốc với 12 nhà máy sản xuất ô tô riêng biệt. Doanh số xe hơi bán ra ở Trung Quốc giảm 92% trong nửa đầu tháng 2, theo số liệu của Hiệp hội xe khách Trung Quốc; sự sụt giảm này được lo ngại là sẽ tiếp tục lan sang châu Âu và Mỹ.
Số lượng xe tiêu thụ giảm tới 92% trong nửa đầu tháng 2 ở Trung Quốc (Nguồn: Hiệp hội xe khách Trung Quốc – Bloomberg)