Coi Bitcoin là công cụ kinh doanh, 95% doanh nghiệp thất bại?
Chuyên gia tài chính cho rằng, giao dịch bitcoin rất rủi ro, có 95% doanh nghiệp coi bitcoin là công cụ kinh doanh đều thất bại, chỉ 5% đang phát triển.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành của Chính phủ nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án quản lý kinh tế trên một số lĩnh vực ngay trong tháng 1/2018.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21/8/2017, và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.
Chuyên gia cho rằng, quản lý quan trọng hơn tìm cách cấm giao dịch Bitcoin. (Ảnh minh họa: KT)
Rất rủi ro
Liên quan đến vấn đề về tiền ảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BASICO, cho rằng "Bitcoin là ứng dụng công nghệ. Nó không phải là tiền, nó cũng không phải là tiền mã hoá. Mọi người hay gọi là tiền ảo nhưng tôi gọi nó là tiền nhái. Nó không phải là 3 loại tài sản theo quy định Bộ Luật Dân sự (gồm vật, tiền và giấy tờ có giá), mà thuộc loại thứ tư là quyền tài sản (là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ - PV). Tôi cho rằng không nên cấm kinh doanh, cấm đầu tư, cấm giao dịch dù nó rất rủi ro, nhưng càng rủi ro thì càng nhiều cơ hội".
"Nếu chúng ta không công nhận nó là hàng hoá thì nó vẫn là giao dịch tài sản. Bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau. Tôi nghĩ rằng rất khó có kịch bản cấm. Rủi ro hay bong bóng đó là nhận thức của nhà đầu tư. Cấm là cấm như phương tiện thanh toán thôi. Còn nếu là phương thức đầu tư thì không phạm luật."- ông Đức nêu quan điểm.
Ông Noah Eric Silverman, sáng lập Công ty Helios. AI - Chuyên gia Trí tuệ nhân tạo, tiền ảo, cho rằng: "Bitcoin có 3 xu hướng trong năm 2017: Nhiều nhà đầu tư coi như một dạng đầu tư như vàng; được coi như tiền tệ (ví dụ tại Nhật Bản) và được sử dụng ở quán cafe, nhà hàng; nhiều doanh nghiệp coi Bitcoin là công cụ trong hoạt động kinh doanh của mình, nhưng 95% là thất bại. Nhưng 5% đang phát triển và họ sẽ là những doanh nghiệp đột phá".
Theo đánh giá của ông Noah Eric Silverman, khu vực châu Á là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, mọi người rất hào hứng với tiền ảo, họ dễ dàng chấp nhận sử dụng Bitcoin và có sự dịch chuyển từ dùng Bitcoin sang bất động sản.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực thì cho hay, trong khảo sát tại 10 nước thì 6 nước có xu hướng quản lý Bitcoin theo hệ thống bài bản, còn lại 4 nước còn khá thận trọng như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc...
"Vấn đề chúng ta không nên cấm đoán hoàn toàn mà nên quan tâm đến vấn đề quản lý thế nào"- ông Lực kiến nghị.
Bitcoin là một hình thức rửa tiền?
Cũng bình luận về vấn đề này tại Tọa đàm "Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018", ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT, cho rằng "không nên xem Bitcoin là phương tiện thanh toán. Còn về tài sản thì như ta đã thấy, 95% người chơi Bitcoin thua và chỉ có 5% là thắng. Như vậy độ rủi ro là rất cao và chúng ta phải cung cấp cho xã hội các thông tin về sự rủi ro đó. Nói đơn giản một ngày anh muốn chuyển Bitcoin sang tiền thì anh có chuyển được không?
Ông Đông cho rằng, cần tìm hiểu gốc gác của Bitcoin là gì. Theo ông Đông, gốc của loại tiền này là một hình thức rửa tiền, được tạo ra từ những nhóm rửa tiền không muốn công bố nguồn gốc dòng tiền từ đâu. Nhưng khi Bitcoin ra đời thì tính công nghệ của nó đã vượt lên, trở nên tiện dụng cho thanh toán và nhiều mặt khác. Xu thế trên thế giới là đang hướng tới sự ưu việt về công nghệ của Bitcoin và chấp nhận các rủi ro còn lại. Được biết thời gian tới sẽ có nhiều đề xuất được đưa ra để quản lý tiền ảo một cách chính thức hơn".
Thực tế thị trường, năm 2017 ghi nhận sự phát triển như vũ bão của đồng tiền Bitcoin khi liên tục xô đổ nhiều kỷ lục, có lúc vượt mốc giá 20.000 USD trên mỗi đơn vị. Tuy nhiên, trong những ngày cuối năm 2017 và tuần đầu năm 2018 này giá bitcoin lại liên tục đảo chiều điên loạn. Cụ thể, phiên 30/12/2017, giá đã giảm xuống mốc 12.000 USD/BTC, nhưng phiên ngày 5/1/2018 lại leo lên 16.000 USD/BTC.
Ở Việt Nam, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1/1/2018, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là không hợp pháp và bị nghiêm cấm.
Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.