Coca-Cola là "thủ phạm" gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, nhiều hơn tổng rác nhựa của Nestle, PepsiCo và Mondelez cộng lại
Đi ngược lại với những gì đã tuyên bố, Coca-Cola được cho là còn có một tài liệu mật nhằm “chống lại” những hoạt động thu gom, tái chế chai nhựa để bảo vệ lợi nhuận của mình.
Coca-Cola có thể tự hào khi luôn là một trong những thương hiệu nước giải khát nổi tiếng bậc nhất thế giới. Nhưng không phải cái nhất nào cũng đáng ngưỡng mộ.
Theo kết quả một cuộc kiểm toán mới được công bố, Coca-Cola là công ty gây ô nhiễm nhựa nhiều nhất thế giới. Đáng nó, thương hiệu toàn cầu có trụ sở tại Georgia (Mỹ) này góp phần tạo nên rác thải nhựa nhiều hơn của cả ba cái tên phía sau cộng lại.
Cuộc kiểm toán được thực hiện bởi phong trào Break Free From Plastics, với sự tham gia của 72.000 tình nguyện viên. Họ đến các bãi biển, đường phố khắp nơi trên thế giới để thu gom chai nhựa, cốc, giấy gói, túi và phế liệu, chỉ trong một ngày vào tháng 9.
Tổng cộng có 475.000 mảnh rác, chất thải được thu gom và 11.732 trong số đó thuộc về Coca-Cola. Ba vị trí theo sau thuộc về Nestle, PepsiCo, Mondelez International. Nhiều ông lớn khác cũng có mặt trong danh sách như Unilever, Mars, P&G, Colgate-Palmolive, Phillip Morris và Perfetti Van Melle.
Top 3 công ty gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất, theo báo cáo của Break Free From Chemicals.
Phân chia theo khu vực, Coca-Cola gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất ở châu Phi và châu Âu, trong khi đó đứng thứ hai ở Châu Á và Nam Mỹ. Còn Nestle cũng là tác nhân lớn nhất gây nên tình trạng phát thải nhựa ở Bắc Mỹ.
The Intercept đã liên hệ với Coca-Cola về kết quả của báo cáo này và nhận được hồi đáp: "Việc bao bì đóng gói của chúng tôi bị thải ra đại dương là điều không thể chấp nhận. Hợp tác với những bên liên quan, chúng tôi đang nỗ lực giải quyết vấn đề toàn cầu quan trọng này để giúp chấm dứt tình trạng và làm sạch những khu vực hiện đang ô nhiễm."
Tuy nhiên, đi ngược lại những gì đã tuyên bố, Coca-Cola từng bị phát hiện đã cố gắng ngăn chặn chương trình hoàn tiền khi đổi chai nhựa để bảo vệ lợi nhuận của mình.
Cuộc điều tra của Greenpeace tiết lộ rằng họ nắm giữ một báo cáo nội bộ từ Coca-Cola Châu Âu bao gồm những gì công ty gọi là "ma trận rủi ro", nêu ra các vấn đề có thể gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh. Một phần của tài liệu có tiêu đề "Chống lại", nhằm mục địch ngăn chặn những kế hoạch thu hồi và tái chế chai nhựa.
Mặc dù vẫn tuân thủ các kế hoạch thúc đẩy tái chế chai nhựa ở nhiều khu vực nhưng Coca-Cola vẫn thường hành động vì lợi nhuận của riêng mình thay vì suy nghĩ cho môi trường.
"Những tài liệu này cho thấy kế hoạch thực sự của Coke là tiếp tục tạo ra hàng triệu chai nhựa sử dụng một lần và không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra." Louise Edge, người đứng đầu chiến dịch nhựa đại dương Greenpeace UK cho biết.
Gần 1.800 tổ chức thành viên của Break Free From Plastics đang kêu gọi các tập đoàn khẩn trương giảm sản xuất nhựa sử dụng một lần và tìm giải pháp sáng tạo tập trung vào các hệ thống phân phối thay thế không gây ô nhiễm.