Cớ sao một Tòa án địa hạt Mỹ lại có đủ quyền lực đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống Trump?

08/02/2017 08:13 AM | Xã hội

Mới đây, mệnh lệnh hành pháp ngày 27/1 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với 7 quốc gia đã gây tranh cãi trên toàn nước Mỹ cũng như thế giới. Trớ trêu thay, quyết định này lại không nhận được sự ủng hộ của Tòa án Mỹ và mệnh lệnh này của ông Trump đã phải tạm hoãn.

Vậy hệ thống tòa án Mỹ hoạt động như thế nào và tại sao ông Trump lại bất lực trước tòa án liên bang?

Tóm tắt vụ việc

Ngày 27/1: Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân 7 nước Hồi giáo trong vòng 90 ngày, riêng Syria bị đình chỉ vô thời hạn cho đến khi có quyết định mới. Mệnh lệnh hành pháp này có hiệu lực ngay lập tức.

Ngày 28/1: Hàng trăm người từ 7 quốc gia trên bị giữ lại sân bay và bị làm thủ tục trục xuất do mệnh lệnh trên. Luật sư của những nạn nhân này đã đệ đơn lên các toàn án địa phương.

Vào tối cùng ngày và ngày sau đó, một số tòa án tại địa hạt New York và những khu vực khác tuyên bố không được trục xuất những người này, đồng nghĩa với việc tạm đình chỉ 1 phần mệnh lệnh của Tổng thống Trump.

Ngày 30/1: Tổng chưởng lý bang Washington kiện mệnh lệnh ký ngày 27/1 của Tổng thống Trump lên Tòa án liên bang của đại hạt Tây bang Washington.

Ngày 3/2: Thẩm phán James L.Robart của Tòa án Liên bang địa hạt Washington ban hành lệnh hạn chế tạm thời đối với mệnh lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump. Quyết định trên chỉ có tính tạm thời trong khi Tòa án liên bang thụ lý vụ án.

Điều này đồng nghĩa với việc các nhân viên an ninh phải cho phép những người dân của 7 nước có thị thực được nhập cảnh vào Mỹ cũng như tạm dừng lệnh cấm nhập cảnh với 7 nước như mệnh lệnh hành pháp ngày 27/1 đã nêu.

Ngoài ra, quyết định này của Tòa án liên bang có hiệu lực trên toàn quốc.

Ngày 4/2: Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố tiếp tục công nhận 60.000 thị thực nhập cảnh vào Mỹ vốn đã bị các nhân viên từ chối trước đó do mệnh lệnh của ông Trump. Bộ An ninh nội địa cũng tuyên bố tạm ngừng thi hành mệnh lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.

Trong khi đó, các luật sư đại diện cho Bộ tư pháp Mỹ nộp đơn lên Tòa phúc thẩm Mỹ khu vực số 9 với đề nghị ngừng thi hành lệnh hạn chế tạm thời của thẩm phán Robart với mệnh lệnh ngày 27/1. Điều này có nghĩa là ông Trump muốn được tiếp tục thi hành mệnh lệnh này trong quá trình chờ xét xử.

Ngày 5/2: Tòa án phúc thẩm khu vực số 9 đã bác đơn của Bộ tư pháp. Điều này có nghĩa là lệnh đình chỉ tạm thời của thẩm phán Robart hiện có giá trị pháp lý cao nhất đến thời điểm hiện tại.

Tòa án địa hạt dám đình chỉ lệnh của Tổng thống

Chính quyền Mỹ được chia thành 3 nhánh rõ ràng và phân biệt với nhau, gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.

Hệ thống Lập pháp là các cơ quan có chức năng ban hành văn bản pháp luật, trong khi hành pháp là các cơ quan chịu trách nhiệm đôn đốc thi hành pháp luật. Hệ thống tu pháp bao gồm các tòa án là nơi xác định các văn bản luật có phù hợp với hiến pháp hay không.

Tổng thống Mỹ có quyền nhất định trong tư pháp và lập pháp khi có thể ban hành các sắc lệnh và mệnh lệnh hành pháp. Tuy nhiên nhìn tổng thể thì 3 mảng trên hoạt động khá độc lập và cân bằng với nhau khi nhân sự của các cơ quan này có quyền lực giám sát các quyết định của Tổng thống Mỹ nhằm đảm bảo phù hợp Hiến pháp.


Nguồn: Bryan Toth-luatkhoa.org

Nguồn: Bryan Toth-luatkhoa.org

Xét theo sơ đồ trên, vụ việc về người nhập cư tại Mỹ liên quan đến luật liên bang nên chúng ta chỉ xem xét các tòa địa hạt liên bang và tòa phúc thẩm khu vực.

Toàn nước Mỹ có 94 địa hạt tư pháp, tương ứng 94 tòa án địa hạt. Như vậy bình quân mỗi bang có khoảng 1-4 tòa án như vậy và những tòa án này chỉ có quyền xét xử sơ thẩm các vụ liên quan đến luật liên bang. Đơn kiện đầu tiên của tổng chưởng lý Washington là nộp lên cho tòa án dạng này.

Vậy tại sao những tòa án địa hạt, nghe có vẻ không to mấy mà lại có quyền tạm đình chỉ mệnh lệnh hành pháp của tổng thống Mỹ?

Nguyên nhân rất đơn giản, sơ đồ trên cho thấy tòa địa hạt liên bang khác với tòa sơ thẩm tiểu bang. Nói cách khác những vụ việc liên quan đến luật liên bang, kể cả sắc lệnh của tổng thống sẽ phải được tòa án liên bang xét xử mà bắt đầu là từ các tòa địa hạt.

Trong khi đó, những tòa sơ thẩm tiểu bang chỉ xét xử các vụ án liên quan đến luật tiểu bang và không có quyền xem xét các sắc lệnh của tổng thống.

Theo luật Mỹ, những vụ liên quan đến luật liên bang phát sinh trong địa hạt nào thì đưa lên tòa địa hạt đó, nhưng điều đó không có nghĩa phán quyết của tòa địa hạt liên bang chỉ có giá trị trong phạm vi địa hạt đó mà là trên toàn quốc.

Bộ luật tố tụng dân sự liên bang cũng đã nêu rõ các tòa án địa hạt có quyền ban hành lệnh hạn chế tạm thời khi xét xử nhằm tránh gây ra các thiệt hại vĩnh viên cho đương sự. Nói cách khác, nhằm đảm bảo các bên trong vụ án nhập cảnh không bị thiệt hại, tòa án địa hạt Washington tạm đình chỉ mệnh lệnh ngày 27/1 của ông Trump để chờ xét xử tiếp.

Thẩm phán James Robart của tòa địa hạt tây Washington đã đồng ý rằng lệnh hạn chế với sắc lệnh của ông Trump cần phải được áp dụng trên toàn nước Mỹ vì Nghị viện đã từng đưa ra hướng dẫn dựa trên hiến pháp Mỹ rằng luật về quốc tịch cần được thống nhất. Theo đó, mệnh lệnh hành pháp của ông Trump có thể chưa thống nhất với những quy định trước đó cũng như hiến pháp Mỹ.

Ngoài ra, chiếu theo nguyên tắc án lệ, tức là quyết định dựa trên những vụ án trước đó, thẩm phán Robart đã tuân theo một án lệ của năm 2015 khi tòa án liên bang tuyên bố các luật về di trú cần phải được áp dụng triệt để cũng như thống nhất trên toàn nước Mỹ.

Với tính pháp lý như vậy, Bộ ngoại giao và Bộ an ninh nội địa Mỹ mới dám công khai chống lại lệnh của ông Trump, cho phép những người dân 7 nước trên nhập cảnh vào Mỹ nếu có đủ giấy tờ cần thiết.


Thẩm phán James Robart của tòa địa hạt liên bang Tây Washington

Thẩm phán James Robart của tòa địa hạt liên bang Tây Washington

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Tại thời điểm này, vụ việc nhập cảnh có thể sẽ diễn biến như sau:

Đầu tiên, Tòa án địa hạt tây Washington sẽ tiếp tục vụ kiện của tổng chưởng lý Washington về mệnh lệnh hành pháp của ông Trump xem có vi hiến hoặc vi phạm các quy định trước đó hay không. Bên thua có thể kháng cáo lên Tòa phúc thẩm khu vực 9 rồi lên Tòa án tối cao pháp viện Mỹ.

Song song với đó, Tòa phúc thẩm khu vực 9 sẽ xem xét xử vụ án Bộ Tư pháp kiện tòa địa hạt Tây Washington đã tạm đình chỉ sắc lệnh ngày 27/1. Bên thua có thể kháng cáo lên Tòa án Tối cao pháp viện Mỹ.

Dẫu vậy tình hình tại Mỹ hiện khá phức tạp và rất có thể Tòa phúc thẩm khu vực 9 phải xử xong đơn của Bộ Tu pháp Mỹ thì tòa địa hạt Tây Washington mới có thể tiếp tục vụ án.

Băng Tâm (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM