Cơ quan thuế phát hiện cá nhân nhận triệu đô từ Facebook, Google bằng cách nào?

04/08/2018 09:29 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo pháp luật thuế, cá nhân có kinh doanh phải tự kê khai, tự nộp và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, ngành thuế có cách riêng để phát hiện dòng tiền mà cá nhân nhận được từ nước ngoài.

Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã xác nhận thông tin truy thu thuế và phạt đối với một cá nhân. Trong 2 năm, Facebook, Google,… đã thường xuyên trả tiền quảng cáo gắn trên ứng dụng trò chơi của cá nhân này. Tổng số tiền cho đến nay đạt hơn 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, người này không nộp thuế và Cục Thuế TP.HCM đã quyết định truy thu 3 tỷ đồng tiền thuế, đồng thời phạt chậm nộp khoảng 1,1 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam khẳng định, theo pháp luật thuế, cá nhân phải tự kê khai, tự nộp và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thông qua cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế kê khai, nếu phát hiện gian lận, cơ quan thuế sẽ có những biện pháp ấn định và truy thu, xử phạt. Do đó, cần có sự kết nối dữ liệu từ các nguồn về cơ quan thuế để tránh việc thất thu thuế.

Thực tế, cơ quan thuế đã từng thực hiện thu thuế với rất nhiều cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Trước khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam, hãng công nghệ này từng là tâm điểm chú ý về thuế. Các lái đã thực hiện giao kết hợp đồng với Uber B.V (trụ sở tại Hà Lan), trong khi chi nhánh tại Việt Nam không thực hiện hoạt động nào liên quan đến vận tải.

Trước sự việc này, Quyết định 24 của Thủ tướng đã quy định Uber chỉ được phép cung cấp dịch vụ kết nối đối với chủ xe có giấy phép hành nghề, thuộc HTX, doanh nghiệp vận tải. Sau đó, cơ quan thuế đã tính thuế thu nhập cá nhân dựa vào dữ liệu từng chuyến xe. Cách thu thuế này còn được đánh giá là chặt chẽ hơn nhiều so với taxi thương quyền, loại hình mà lái xe chỉ đóng tiền bộ đàm, còn thông tin về chuyến xe, doanh thu đều không được công khai.

Thậm chí, với cách quản lý của cơ quan thuế, Uber và Grab còn tự giác kê khai thuế. Trả lời chất vấn tại Nghị trường Quốc hội ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cơ quan thuế đã thu thêm thuế từ các đơn vị này sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra. Một số cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên Google, Facebook cũng đã tự giác đăng ký mã số thuế.

"Chúng tôi tiếp tục làm mạnh việc này hơn nữa. Về lâu dài, cần phải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng, Ngân hàng Nhà nước (về việc thanh toán không dung tiền mặt). Thậm chí, yêu cầu các tổ chức như Facebook phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam thay vì để kê khai thuế thay, gây khó cho quản lý" – Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, dòng tiền từ nước ngoài đều phải qua hệ thống ngân hàng trước khi đến tay cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể "nhìn thấy" dòng tiền, thu nhập từ hoạt động kinh doanh với Google, Facebook,…

Mặc dù vậy, việc nộp thuế vẫn dựa vào sự tự giác của các cá nhân. Trước khi Cục Thuế TP.HCM quyết định truy thu thuế đối với cá nhân nhận 41 tỷ từ Facebook và Google, một vụ việc liên quan đến tiền quảng cáo gắn trên trò chơi điện tử cũng đã làm nóng các diễn đàn. Nguyễn Hà Đông, người tạo ra trò chơi Flappy Bird, đã tự kê khai nộp 1,4 tỷ đồng. Sau khi rà soát, cơ quan thuế đã hướng dẫn Nguyễn Hà Đông nộp đủ số thuế theo đúng pháp luật.

Theo An Bình

Cùng chuyên mục
XEM