Cổ phiếu Bán lẻ đua nhau vượt đỉnh, động lực nào đằng sau con sóng?

28/03/2022 09:35 AM | Kinh doanh

Nhịp bứt phá mạnh từ giữa tháng 3 với nhiều phiên tăng nóng đưa cổ phiếu FRT, DGW, PET, PSD đồng loạt vượt đỉnh lịch sử trong khi MWG, PNJ đang “lầm lũi” tiến về đỉnh cũ.

Thị trường chứng khoán chững lại thời gian qua khiến dòng tiền có xu hướng tạm rút khỏi các nhóm ngành có ảnh hưởng lớn đến chỉ số và mở ra cơ hội cho các cổ phiếu có câu chuyện riêng. Bán lẻ được đánh giá có triển vọng phát phục hồi tích cực hậu đại dịch là một trong những điểm đến thu hút nhà đầu tư thời gian gần đây.

Trong bối cảnh VN-Index gần như đi ngang từ đầu năm 2022, các cổ phiếu PET (+72,4%), FRT (+55,2%), PSD (+39,4%), DGW (+14%), PNJ (+13,1%) đều có mức tăng ấn tượng hàng chục phần trăm. Riêng cái tên "nặng" nhất nhóm là MWG cũng nhích nhẹ 2,2% qua đó đưa vốn hóa lên xấp xỉ 100.000 tỷ đồng.

 Cổ phiếu Bán lẻ đua nhau vượt đỉnh, động lực nào đằng sau con sóng?  - Ảnh 1.

Nhiều cổ phiếu Bán lẻ vượt đỉnh sau nhịp tăng ấn tượng

Đà tăng của cổ phiếu Bán lẻ được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực đến từ tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong tháng 2, Petrosetco (mã PET) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 13,2% và lợi nhuận trước thuế cũng tăng 48,1% lên 40 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm, Petrosetco đạt 2.881 tỷ đồng doanh thu thuần và 76 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 5,3% và 40,7% so với cùng kỳ.

Thêm nữa, PSD – Công ty con của Petrosetco mới đây đã chốt quyền nhận cổ tức còn lại của năm 2020 tỷ lệ 5% và cổ tức đợt 1/2021 với tỷ lệ 10% đều bằng tiền mặt. Động thái này không chỉ hỗ trợ diễn biến giá cổ phiếu PSD trên thị trường mà còn giúp Petrosetco có thể thu về gần 37 tỷ đồng tiền cổ tức được chia nhờ nắm giữ 80,7% cổ phần của PSD.

Tương tự, Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) cũng tăng trưởng mạnh trong 2 tháng đầu năm. Riêng tháng 2/2022, PNJ đạt 3.589 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng, lần lượt tăng 26,5% và 18% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng, doanh thu thuần của PNJ đạt 7.066 tỷ đồng, tăng 41% và lợi nhuận sau thuế 522 tỷ đồng, cũng tăng 37% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Digiworld và FPT Retail đều hé lộ kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trong năm 2022 thông qua tài liệu họp ĐHĐCĐ công bố mới đây.

Cụ thể, Digiworld (mã DGW) tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh năm 2022 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 26.300 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 22% so với cùng kỳ. Công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% đồng thời và trình phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 80%.

Cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số, FPT Retail (mã FRT) kỳ vọng doanh thu năm 2022 đạt 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với năm 2021. Cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu).

FPT Retail cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cửa hàng, dự kiến thêm hơn 70 trung tâm laptop và từ 70 – 100 cửa hàng FPT Shop nhằm tăng vùng phủ đến các khu vực quận, huyện đông dân cư. Song song, công ty cũng đặt mục tiêu mở mới thêm 300 nhà thuốc Long Châu, theo đó nâng tổng số cửa hàng lên 700-800 đơn vị vào cuối năm 2022.

Với Thế Giới Di Động (mã MWG), công ty mới đây đã công bố chính thức hợp tác với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronic (thương hiệu Era Blue). Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ khách vào giữa năm 2022 tại Jakarta.

Dù chưa thể tiết lộ về tên gọi cũng như kế hoạch cụ thể, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết có thể không chỉ là mục tiêu về quy mô cửa hàng, doanh thu,... MWG còn lên cả chiến lược lên sàn.

Triển vọng hồi phục mạnh hậu Covid

Trong báo cáo triển vọng ngành Bán lẻ, SSI Research cho rằng nhu cầu về điện thoại di động và máy tính xách tay vẫn tăng trưởng trong năm 2022, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2021. Với sự thiếu chip có thể sẽ kéo dài đến đầu năm 2023, các thương hiệu điện thoại di động cao cấp có thể vượt trội hơn do các công ty lớn có khả năng đàm phán tốt hơn để đảm bảo đủ chip trong sản xuất.

SSI Research kỳ vọng mức tăng trưởng 1 con số thấp cho điện thoại di động và tăng trưởng 1 con số cao cho máy tính xách tay trong năm 2022. Nhu cầu điện tử tiêu dùng dự kiến sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 1 con số thấp nhờ thu nhập hộ gia đình phục hồi, mặc dù có thể mất một thời gian vì phần thu nhập tăng có thể được ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu.

Với MWG, SSI Research dự phóng tăng trưởng doanh thu năm 2022 của Điện Máy Xanh/Thế Giới Di Động (ĐMX/TGDĐ) ước tính 13% trong khi doanh thu Bách Hóa Xanh (BHX) được kỳ vọng sẽ tăng 25% nhờ vào việc mở mới trong năm trước. MWG sẽ không mở mới cửa hàng BHX trong năm 2022 mà tập trung vào việc tăng doanh thu của các cửa hàng hiện có và tối ưu hóa chi phí để cải thiện biên lợi nhuận.

Trong khi đó, VCSC đánh giá Digiworld có thể duy trì tăng trưởng 2 chữ số trong giai đoạn 2022-2024. Trong đó, doanh thu từ điện thoại di động Xiaomi kỳ vọng tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 2 chữ số thấp nhờ triển vọng thị phần của Xiaomi tăng mạnh. CAGR của doanh thu từ Apple có thể đạt hơn 20% nhờ nhu cầu mạnh mẽ và các sản phẩm không chính hãng thoái lui. CAGR của doanh thu sẽ đạt khoảng 15-19% đối với laptop, máy tính bảng và 28-33% đối với OE, IoT.

Với Petrosetco, Chứng khoán Tiên Phong (ORS) kỳ vọng doanh thu năm 2022 đạt 20.313 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước với kỳ vọng mảng phân phối sẽ tăng trưởng tốt, trong đó, phân phối các sản phẩm Apple kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 35%. Bên cạnh đó, việc ký kết hợp đồng phân phối thiết bị gia dụng Xiaomi cũng dự kiến sẽ mang lại khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 391 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm trước.

PNJ cũng được Chứng khoán BSC kỳ vọng tăng trưởng cao với doanh thu thuần ước tính 23.874 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.383 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% và 34% so với năm trước. Theo BSC, doanh thu bán lẻ trang sức/cửa hàng hiện hữu (SSSG) có thể tăng từ 6,7% lên 11,9%. Biên lợi nhuận tăng từ 18,2% lên 18,8% do giảm tỷ trọng bán lẻ vàng miếng từ 25,6% xuống còn 24,9% theo định hướng tập trung vào mảng kinh doanh trang sức. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu dự kiến sẽ duy trì ở mức 11%.

Với FPT Reatil, Chứng khoán Yuanta đánh giá chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng lớn trong tương lai, không chỉ riêng trong thời gian giãn cách xã hội do đã thu hút được một lượng lớn khách hàng thời gian qua và các nhà thuốc mới mở cũng đạt được ngay doanh thu ổn định ban đầu. Chính thức có lợi nhuận dương trong quý 4/2021 sẽ là tiền để để mở rộng quy mô trong tương lai. Ngoài ra, Yuanta cũng kỳ vọng FPT Shop sẽ tiếp tục hồi phục trong các quý tới khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục sau dịch Covid-19.

Theo Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM