“Có phẩm đức sẽ không hèn, có học thức sẽ không nghèo”: Người có năng lực tiến xa vạn dặm thường có 3 tố chất
Đúng như câu "lượng sức mà làm", những người yếu kém sẽ có thành tựu đồng dạng với năng lực của họ, nếu bạn có thể rèn luyện thật tốt năng lực của bản thân, thì bạn tự nhiên sẽ có thể đạt được những thành tựu phi thường trong cuộc sống.
Tất cả chúng ta đều không muốn sống một cuộc sống tầm thường, và cách để cuộc sống của mình trở nên đầy màu sắc đó là tạo ra một phen "chiến tích". Nhưng trong cuộc sống, nếu muốn đạt được thành tựu thì nhất định phải có năng lực, suy cho cùng thì ai cũng muốn vươn lên, chẳng có ai muốn sống nghèo khổ cả.
Người thông minh sẽ thay đổi cuộc đời của họ từ những điều căn bản nhất, họ không bao giờ nằm trên giường mà mơ mộng, vì đối với họ, chỉ người có năng lực mới có đủ tư cách đạt được thành công. Vậy 3 phẩm chất như thế nào mới có thể "đúc" ra được một người có năng lực thật sự? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
1. Học không mệt mỏi
Bất kể là ngành nghề gì, công việc gì thì chỉ có học tập mới có thể cho bạn kiến thức và kinh nghiệm, và chỉ có kiến thức, kinh nghiệm mới là thứ có thể tạo lên năng lực thực sự của bạn. Nhiều người khi làm việc thích ỷ vào kinh nghiệm nông cạn của bản thân mà lên mặt, là loại người nói như rồng leo, làm thì như mèo mửa. Khi nhìn thấy người khác đạt được thành tựu thì nghĩ rằng "chỉ được có như vậy thôi à", nhưng khi được yêu cầu làm ra được thành tích giống như vậy thì họ lại lập tức xua tay và tỏ ý "chuyện cỏn con đó đâu cần tôi ra tay".
Những người như vậy chỉ biết múa võ mồm, năng lực của họ cũng chỉ có thể treo trên cái miệng mà thôi, học hành đối với họ mà nói là một việc rất cực khổ, cho nên họ thường sẽ bỏ qua hoặc coi thường việc học, loại thái độ như thế này nhất định sẽ làm hại bản thân họ. Trong xã hội, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm đã có mà không chịu học hỏi thêm thì chỉ có thể sống qua ngày đoạn tháng, như ếch ngồi đáy giếng, khó có thể đạt được thành tích cao.
Trong thời Tam Quốc, tướng quân nước Ngô, Lã Mông là người coi thường việc học, khi còn nhỏ ngoài việc biết được vài chữ ra thì ông không đọc bất kỳ cuốn sách nào. Dựa vào sự dũng mãnh, nên ông đã làm nên tên tuổi của mình dưới trướng của Tôn Quyền. Một ngày nọ, Lỗ Túc là một người học vấn uyên bác đến doanh trại của Lã Mông để bàn việc quân sự. Ở trước mặt Lỗ Túc, Lã Mông trông như một đứa trẻ to xác, hai bên rất khó trao đổi với nhau. Thứ mà Lã Mông hiểu thì Lỗ Túc cũng nắm rõ trong lòng bàn tay, nhưng thứ mà Lỗ Túc bàn đến thì Lã Mông lại mù tịt chả biết gì. Khi từ biệt, hình ảnh của Lã Mông trong lòng Lỗ Túc vì vậy mà bị suy giảm đi rất nhiều.
Sau đó, Lã Mông báo cáo việc quân sự cho Tôn Quyền, Tôn Quyền nói đến cuộc gặp gỡ giữa Lỗ Túc và Lã Mông, đồng thời cũng khuyên Lã Mông nên nghiêm túc học hành, nhưng không ngờ Lã Mông vẫn phản đối, nói: "Thần thân là tướng, trong quân doanh bận rộn nhiều việc. Nào còn có thời gian để học?", Tôn Quyền nghe xong tức giận vô cùng, nói: "Trong doanh của ngươi dù có nhiều việc đến đâu cũng không thể nhiều bằng ta, thế nhưng mỗi ngày ta vẫn có thể trích ra một ít thời gian rãnh để đọc sách. Mỗi lần đọc đều có thể mang đến những hiểu biết mới, chỉ cần ngươi hiểu rõ binh pháp và quân luật, như vậy thì người khác sẽ không thể khinh thường ngươi được nữa, không phải sao?"
Câu nói cuối cùng của Tôn Quyền đã đánh động được Lã Mông, sau khi trở về quân doanh, mỗi ngày ông đều dành thời gian để đọc sách. Sau đó, Lỗ Túc gặp lại Lã Mông, trò chuyện không được bao lâu, Lỗ Túc liền ngạc nhiên, nói: "Ngài đã không còn là Mông tướng quân của ngày đó nữa rồi." Lã Mông vui vẻ, đáp: "Kẻ sĩ ba ngày không gặp nhau, thì cách nhìn nhất định sẽ khác trước. Lỗ Túc, cách nhìn của ngài đối với ta cũng nên đổi mới rồi."
2. Chăm chỉ thực hành
Đọc sách chỉ là cách hiểu hời hợt trên giấy vì những điều trong sách chỉ có thể cho bạn biết chứ không thể cho bạn hiểu sâu. Nếu bạn muốn hiểu sâu thì nhất định phải tiến đến thực hành. Kiến thức mà chưa qua thực hành thì chưa thể tính là kiến thức của bạn, nếu bạn chỉ mới đọc được vài quyển sách mà đã đắc ý, thì đến cuối cùng cũng chỉ giống như một cái chân què quặt, ắt sẽ có ngày té ngã.
Trong thời Chiến quốc, Triệu Quát, một danh tướng của nước Triệu, là một người chỉ biết đọc mà không hiểu tầm quan trọng của việc thực hành, ông đã đọc hàng trăm cuốn binh thư từ khi còn là một đứa trẻ, vì thế ông luôn coi trời bằng vung, ngạo mạn đến nỗi cho rằng bản thân có thể đảm nhiệm cả chức thống soái của mấy mươi vạn binh mã. Nhưng không ngờ lần đầu tiên tấn công đã bị danh tướng Bạch Khởi đánh bại, sau đó 40 vạn tướng sĩ của Triệu Quốc đã bị chôn sống, khiến Nước Triệu bị tổn thất nặng nề, không thể khôi phục lại được sức mạnh như trước, sau đó bị nước Tần lấn chiếm dần rồi tiêu diệt hoàn toàn.
3. Tận dụng tình huống
Kiến thức trong đầu và kinh nghiệm thực tiễn, nếu làm được 2 điều này thì có thể được tính là một người có chút năng lực rồi, nhưng nếu muốn có năng lực lớn thì còn cần phải có một đôi mắt biết nhìn rõ thời thế, như câu nói, "Đứng được ở nơi đầu gió, thì heo cũng có thể bay". Nếu một người không biết thuận theo thời thế, thì dù có năng lực lớn đến cỡ nào cũng khó thành việc lớn. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng thời thế làm đòn bẩy cho bản thân, thì nhất định sẽ đạt được kết quả "bốn lạng đẩy ngàn cân".
Học tập và thực hành đều là những điều có thể đạt được nhờ sự chăm chỉ, nhưng để kiểm soát được tình hình thì đòi hỏi một người phải có trí tuệ phi thường mới có thể nhìn ra được bản chất cốt lỗi bên trong lớp sương mù của vạn sự. Loại trí tuệ này cũng không phải là cái gì quá sâu xa khó hiểu. Chỉ cần bạn tinh ý để tâm đến mọi thứ trong cuộc sống thì bạn sẽ có thể hiểu thấu được logic đằng sau nó. Nhờ vào những kinh nghiệm từng trải này bạn sẽ nhìn thấy được tất cả những cơ hội và lợi thế mà người khác không thấy được. Khi đó cuộc sống nhất định sẽ một bước lên mây, khiến người người kinh ngạc.