Có nên "đu đỉnh" mua vàng SJC?
Dù giá vàng SJC có thể tăng tiếp lên 79 - 80 triệu đồng/lượng nhưng việc mua lướt sóng thời điểm này là rất rủi ro.
Ngày 24-12, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 75,75 triệu đồng/lượng, bán ra 76,95 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với hôm qua. Mốc cao nhất của giá vàng lên tới 77,4 triệu đồng/lượng lập ngày 22-12.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng khoảng 10 triệu đồng/lượng.
Việc giá vàng SJC giảm nhẹ, tăng mạnh suốt thời gian qua khiến nhiều người băn khoăn có nên mua vàng thời điểm này?
Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, xung quanh thị trường vàng hiện tại.
- Phóng viên: Có nhiều ý kiến nói rằng giá vàng, đặc biệt là vàng miếng SJC đang quá cao, thậm chí đang bị làm giá, đẩy giá cao hơn giá trị thật. Ông có nhận định gì?
+ Ông Huỳnh Trung Khánh: Bản thân tôi cũng bất ngờ khi giá vàng SJC đột ngột tăng lên vùng 76 - 77 triệu đồng/lượng, bởi trước đó mốc 73 - 74 triệu đồng/lượng đã được nhận định là quá cao.
Tôi cho rằng đây là do cung cầu thị trường đối với vàng SJC chứ không hẳn bị làm giá. Đơn cử, thời điểm vàng SJC lập đỉnh 77,4 triệu đồng/lượng thì giá các doanh nghiệp mua vào vàng miếng này cũng lên tới 76,2 triệu đồng/lượng.
Tức là doanh nghiệp cũng nâng giá mua vào lên để kích thích người cầm vàng bán ra, chứ không chỉ tăng một chiều bán ra. Biên độ chênh lệch giá mua – bán khoảng 1- 1,2 triệu đồng/lượng là không quá lớn.
Và ngay khi doanh nghiệp nâng giá mua vào vàng SJC, nhu cầu bán vàng của thị trường xuất hiện giúp vàng SJC hạ nhiệt nhanh về quanh 76,9 triệu đồng/lượng đến sáng nay, 24-12.
- Theo ông, vì sao giá vàng SJC tăng sốc?
+ Như tôi đã từng trao đổi, giá vàng trong nước tăng theo giá thế giới. Tuần qua, đã có lúc giá vàng thế giới tăng vọt lên vùng 2.075 USD/ounce trước khi lùi về 2.053 USD/ounce vào cuối tuần. Nếu vượt qua mức cản này, kim loại quý có thể hướng tới vùng 2.100 USD.
Nhưng tuần tới thị trường quốc tế bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2024 nên giá vàng có thể chững lại.
Giá vàng thế giới tăng do quyết định của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về ngưng tăng lãi suất và sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ năm sau; yếu tố địa chính trị; nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương các nước…
- Có ý kiến cho rằng giá vàng có thể lên tới 80 triệu đồng/lượng, ông nghĩ sao và có nên mua vàng lúc này?
+ Nếu dự đoán giá vàng thế giới có thể lên tới 2.100 USD/ounce (tức tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/lượng so với thời điểm hiện tại), thì giá vàng SJC sẽ chạm vùng 78 triệu đồng/lượng.
Nhưng giá vàng SJC rất khó đoán vì phụ thuộc vào cung cầu, mà nguồn cung hiện nay rất khan hiếm nên cũng có thể lên 80 triệu đồng/lượng. Vàng miếng đang chịu tác động của yếu tố tâm lý, khi ai cũng dự đoán còn tăng tiếp nên rủ nhau đi mua chứ không biến động theo sát giá thế giới.
Dù đà tăng của giá vàng SJC có thể còn cao nữa vì rất khó dự đoán nhưng theo tôi mua vào lúc này rất rủi ro. Bởi mốc 76-77 triệu đồng/lượng đã là rất cao, chưa kể chênh lệch giá mua – bán đang là 1,2 triệu đồng/lượng và cao hơn thế giới 16 triệu đồng/lượng. Mua lướt sóng kiếm lời ngay thì quá khó. Với những người đầu tư cho trung dài hạn mục tiêu 3-6 tháng cũng cần chờ giá vàng điều chỉnh, chứ không mua ngay vùng đỉnh, nguy cơ "đu đỉnh" và rất rủi ro.
Xin cám ơn ông!
Nhiều người kỳ vọng giá vàng tăng tiếp
Đối với vàng SJC, quy mô thị trường vàng miếng hiện không lớn nên nhu cầu chỉ cần nhích lên nhiều hơn là giá có thể tăng.
Nhiều người thấy giá vàng tăng cao và kỳ vọng còn tăng tiếp nên không bán ra, trong khi người mua kỳ vọng giá còn lên tiếp khi lãi suất gửi tiết kiệm xuống thấp.
Chênh lệch giá vàng SJC và thế giới đã lên tới 16 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch cao nhất trong quá khứ lên tới 20 triệu đồng/lượng.