Có một thế hệ người trẻ Việt 'ăn bám' bố mẹ, lỗi tại ai?
Xuất phát từ tình yêu thương con cái vô bờ bến, nhưng, trên thực tế nhiều bậc cha mẹ lại tước mất quyền và cơ hội trau dồi tri thức, kỹ năng sống của con.
Muốn con thành cây đại thụ lại hóa tầm gửi
Tục ngữ Việt Nam có câu “Cá chuối đắm đuối vì con” để ám chỉ việc các bậc cha mẹ dốc hết tiền của, tinh thần và sức lực của mình vào con mà không một lời oán thán hay hối hận. Đến khi con cái trưởng thành lấy chồng, lấy vợ sinh con, các bậc cha mẹ lại tiếp tục công cuộc nuôi dạy cháu mình và lại hi sinh vô điều kiện trên tất cả các phương diện.
Làm cha làm mẹ không hề dễ, luôn phải chịu một áp lực vô hình. Khi con bé bỏng, cha mẹ lo lắng cho sự phát triển và sức khỏe của con, cùng với rất nhiều mối nguy hiểm khôn lường. Đến khi con lớn lên, cha mẹ lại phải chú ý đến vấn đề học tập của chúng.
Trong tám tiếng đồng hồ mỗi ngày cha mẹ cần mẫn làm việc, bắt nhịp thời đại, còn phải không ngừng trau dồi tri thức, nắm bắt kỹ thuật mới, nâng cao địa vị của bản thân. Ngoài tám tiếng đó ra, cha mẹ dành toàn bộ thời gian cho con, bóp hầu bao mua sữa ngoại, nhịn ăn nhịn tiêu đóng tiền học phí vào các nhà trẻ tốt nhất, không khiến con động tay dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, không có kỹ năng từ chối nhu cầu vật chất của con.
Hễ thấy con bị chèn ép, cha mẹ lập tức ra mặt để cho con không phải chịu một chút uất ức nào. Xuất phát từ tình yêu thương con cái vô bờ bến, nhưng, trên thực tế, họ lại tước mất quyền và cơ hội trau dồi tri thức, kỹ năng sống của con.
Các bậc cha mẹ Việt Nam vốn xem thành tích học tập của con là minh chứng cho mức độ thành công của mình trong việc nuôi dạy con cái hoàn toàn bỏ qua các kỹ năng sống. Hoặc nhiều người cho rằng cứ để cho con đạt được trình độ học vấn cao rồi sau đó bồi dưỡng thêm cũng không muộn. “Con anh chị thi đỗ trường nào? Điểm bao nhiêu?” là câu hỏi thường gặp của các bậc cha mẹ Việt mỗi mùa thi cử đến.
Có thể nói Họ - những bậc cha mẹ Việt Nam là những người cha, người mẹ vĩ đại nhất, vô tư nhất, giàu đức hy sinh nhất, nhưng đồng thời cũng là người cha, người mẹ thất bại nhất đáng thương nhất trong lịch sử. Tại vì họ vốn muốn bồi dưỡng những sinh mệnh nhỏ bé của mình thành cây đại thụ, rốt cuộc lại thành cây tầm gửi và tạo ra…”thế hệ ăn bám”.
Càng bảo bọc con càng mong manh, dễ vỡ
Đó là sai lầm nhiều đời nay của các bậc cha mẹ Việt Nam. Tại sao chúng ta không nhìn ra thế giới, tiếp thu tri thức của nhân loại, điển hình là cách giáo dục con cái của người Do Thái. Người Do Thái đã làm gì khiến họ trở thành dân tộc thông minh, thành công nhất thế giới?
Khác với tư tưởng luôn bảo bọc, đáp ứng vô điều kiện của cha mẹ Việt, ngay từ khi con còn nhỏ người Do Thái rất chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sống và quán triệt tư tưởng “không làm không hưởng”.
Ngay cả với các gia đình giàu có họ lại càng chú trọng giáo dục sinh tồn cho con, từ nhỏ các trẻ em Do Thái đã phải lao động để kiếm tiền và mua những món đồ cho riêng mình. Lấy ví dụ về tỷ phú thế giới John D.Rockefeller, ông đã “làm thuê” cho cha ông để kiếm tiền tiêu vặt từ thuở nhỏ. Sáng sớm, ông đến nông trại, đồi khi giúp mẹ ông vắt sữa bò. Ông có một cuốn sổ, về sau kết toán với cha. Ông làm việc này rất nghiêm túc, cảm nhận lao động là thiêng liêng và vô cùng thú vị.
Tại Do Thái hầu như không có hiện tượng “điểm số cao, năng lực thấp” giống như trẻ em Việt Nam. Người Do Thái có biểu thức số học: Điểm số tốt = Trường học tốt, Trường học tốt = Tấm bằng đẹp, Tấm bằng đẹp = Công việc tốt, Công việc tốt ≠ Sự nghiệp thành công.
Đừng hiểu nhầm biểu thức này cho rằng người Do Thái xem thường tri thức, không có gia đình Do Thái nào không có một hoặc một vài tiến sĩ danh giá. Chỉ có điều người Do Thái coi trọng sự vận dụng tri thức hơn, tức là hiểu biết và kỹ năng. Họ coi những người có tri thức mà chưa có hiểu biết và kỹ năng là “con lừa thồ sách”.
Kinh Talmud từng viết: “Chưa có kỹ năng làm việc, bạn vẫn có thể học tập tốt, nhưng chưa biết vận dụng trí thức vào thực tiễn lao động thì cuộc đời bạn không thể đơm hoa kết trái, ngược lại còn dẫn đến tội ác”.
Điều đáng mừng là trong vài năm gần đây, cùng với làn sóng hội nhập, những tư tưởng giáo dục con cái tân tiến được các gia đình trẻ Việt Nam tiếp thu, học hỏi. Tuy nhiên để có hiệu quả và có sự thay đổi đòi hỏi sự đồng lòng giữa các thế hệ trong gia đình từ ông bà đến bố mẹ cũng như cần thời gian để thay đổi cả một thê hệ.