Có một lớp học giá 15 ngàn đồng của ông giáo già giữa làng đại học Sài Gòn
Suốt hơn 20 năm nay, ở tuổi 70 ông Tư vẫn say sưa dạy học cho trẻ em nghèo. Lớp học tình thương của ông Tư chỉ thu 15.000 đồng mỗi tháng để đóng tiền điện, nước, mua phấn, bút.
Tại ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, không ai không biết đến lớp học tình thương của ông Tư - lớp học dành cho những trẻ em nghèo.
Ông tên thật Huỳnh Văn Phê nhưng người dân địa phương và học trò quen gọi họ với cái tên thân mật là ông Tư. Ông dạy học từ trước năm 1975, vợ ông cũng làm nghề "gõ đầu trẻ" ở quê Tiền Giang. Sau đó ông Tư đi làm công nhân, cuộc sống khó khăn vợ ông cũng nghỉ dạy.
Sau khi kinh tế ổn định, vì thương trẻ em nghèo không có nơi để học, cũng không thể từ bỏ niềm yêu nghề, năm 1994 ông bà mở lớp học tình thương và gắn bó từ đó đến nay. Những ngày đầu mở lớp còn nhiều khó khăn, lớp học chỉ tạm bợ bằng mái lá. Sau được chính quyền ấp Tân Lập giúp đỡ ông bà đã xây dựng nên hai lớp học khang trang như hiện nay.
Hiện lớp học tình thương có 60 em, chia thành hai lớp. Một lớp từ mẫu giáo đến lớp 2, còn lại đến lớp 4. Các học trò của ông đều là con nhà dân, cha mẹ vốn dân lao động, lên thành phố mưu sinh với đủ nghề.
Hơn một năm nay, vơ ông ốm phải về quê dưỡng bệnh. Hai lớp học giờ đều do ông cáng đáng. Cứ khi lớp này ra chơi thì ông dạy lớp còn lại. Lớp của ông chỉ thu 15.000 đồng mỗi tháng để đóng tiền điện, nước, mua phấn, bút. Nhiều học trò khó khăn, ông cũng không đành lòng thu tiền của các con.
Chỉ thu tiền tượng trưng nên dụng cụ học tập sách vở khá thiếu thốn. Nhiều quyển sách đã cũ nhưng chưa thể thay mới.
Học sinh đều là con cái của dân lao động, mỗi em một hoàn cảnh nên không phải ai cũng được đến trường đàng hoàng. Như bé Trang, đã 10 tuổi nhưng mới chỉ học lớp 1. Ba mẹ bé làm phụ hồ, điều kiện gia đình khó khăn.
Nhiều em lớn tuổi cũng học chương trình tiểu học, được ông Tư giúp đỡ. Trong ảnh, em Nguyễn Thị Xuân (13 tuổi) đang học chương trình lớp 4. "Em trước có đi học nhưng kém quá nên giờ phải học lại từ đầu", Xuân chia sẻ.
Nhiều em do hiếu động nên lười học, ông Tư tận tay rèn luyện thêm. "Dạy bọn trẻ này mệt lắm nhưng yêu nghề yêu trẻ thơ nên vợ chồng chúng tôi vẫn không bỏ lớp, ráng được ngày nào hay ngày ấy", ông chia sẻ.
Thỉnh thoảng phụ ông đứng lớp có các bạn sinh viên tình nguyện. Có những bạn trước kia vốn là học trò của ông nay quay lại thăm lớp cũ.
Khi học trò ra chơi, tan học ông tranh thủ chấm bài và soạn giáo án.
Học trò hiếu động nhưng khi vào lớp thì rất chịu nghe lời ông. Những học sinh ở đây nếu muốn học lên cao hơn thì ông bà sẽ làm đơn chuyển vào trường chính quy.
Ông không cho bọn trẻ gọi là thầy, mà chỉ cần xưng "ông Tư" là đủ. Ông cho rằng, mình chỉ giúp đỡ các em khi khó khăn nên chưa thể gọi là thầy.
Lớp học diễn ra từ thứ 2 đến thứ 6 và kết thúc lúc 11h mỗi ngày để buổi chiều các bé có thể ở nhà phụ gia đình. Đón các con đi học về, chị Phạm Thị Thanh Hằng (35 tuổi) chia sẻ: “Tôi ở Phan Rang mới vô được hơn 1 tháng nay, giờ bán bánh canh ở làng đại học. Mấy đứa con chưa có tạm trú, nhà lại khó nên không xin đi học được. May nhờ có lớp tình thương của ông Tư”.
Khi học trò về hết, ông lại một mình ở trong căn nhà cũ cạnh lớp học nghỉ ngơi. Vợ về quê, ông chỉ sống một mình nên bữa nào cũng ăn cơm bụi.
Với những nỗ lực nuôi dạy học trò trong nhiều năm, vợ chồng ông Tư đã nhận nhiều giải thưởng, bằng khen từ các cấp.
Ông tâm niệm làm gì cũng do cái tâm mình, chỉ mong thanh thản. Bằng khen của các cấp có nhiều mấy nhưng không vui bằng nhìn lũ nhỏ biết đọc, biết viết, biết làm toán. Điều ông lo không chỉ là sức khỏe tuổi già mà miếng đất ông mở lớp có thể bị giải tỏa, khi ấy không biết đám trẻ sẽ đi về đâu.