Có một kiểu người: Luôn chỉ hoạt động trong bán kính một cây số xung quanh nơi sinh sống, đồng nghĩa đánh mất hàng tá cơ hội phát triển bản thân
Người có cuộc đời nhàm chán và lỗi thời, sớm muộn cũng sẽ bị xã hội đào thải.
Không có sự tò mò sẽ khiến vốn hiểu biết của bạn ngừng được cập nhật trong một thời gian dài, từ đó bỏ lỡ nhiều cơ hội mà chính mình cũng không hề hay biết. Vậy làm thế nào để nhận ra một người đang thiếu sự tò mò về cuộc sống?
- 01 -
Lúc tán gẫu với mọi người, họ nói đi nói lại vẫn là những chủ đề cũ rích. Chủ đề trò chuyện của họ luôn xoay quanh những thứ như: than vãn về công việc hoặc người yêu, lải nhải những việc đã lỗi thời hoặc những điều vớ vẩn, tính đa dạng của chủ đề thuộc mức thấp nhất, bởi vì thế giới của họ chỉ nằm trong một cái giếng nhỏ bé. Khi trò chuyện với họ bạn sẽ nhận thấy, đến cuối cùng bạn luôn bị họ dẫn đi vòng quanh vài ba sở thích và chủ đề mà họ quan tâm. Điều này phản ánh kiến thức dự trữ của họ đang vô cùng nghèo nàn, đến nỗi không đủ để họ mở rộng một cuộc đối thoại.
- 02 -
Hãy chú ý đến những câu cửa miệng của họ: “Vậy thì sao?”, “Cậu học thứ này thì có ích gì đâu?”, “Sau đó thì?” “Này cậu, gần đây mình đang học tiếng Tây Ban Nha.” - “Cậu học rồi cũng làm được gì đâu?” “Gần đây mình đang nghiên cứu kiến trúc của nước ngoài.” - “Rồi sao, cậu nghiên cứu thứ đó có gì hữu ích?” Những lời này là vũ khí tàn độc nhất để giết chết cuộc trò chuyện, đủ để hủy diệt bất kỳ một sự hào hứng nào.
Lấy “hữu ích” hay không để làm động lực duy nhất cho việc học tập, có thể hủy hoại sự nhiệt tình với kiến thức mới chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Những người ham hiểu biết thường tìm hiểu lướt qua nhiều kỹ năng “vô ích”, còn những người thiếu sự tò mò rất ghét vướng vào những thứ “vô ích”, họ cho rằng đó là một việc làm lãng phí thời gian.
- 03 -
Không đọc sách, dù là sách giấy hay sách điện tử. Đừng ngại hỏi những người xung quanh lần cuối cùng họ mua sách là khi nào? (Một tháng? Một năm? Không nhớ?). Sau đó hãy hỏi họ tên cuốn sách họ đã đọc xong gần đây nhất. Chắc chắn kết quả không khiến bạn bất ngờ: Những người có thể kiên trì mua và đọc sách trong một thời gian dài chiếm một phần rất nhỏ. Còn hầu hết mọi người, kể từ lúc rời khỏi mái trường thì hoàn toàn không còn đọc sách nữa, một cuốn cũng không đụng vào. Giai đoạn học tập của đa số mọi người rất ngắn ngủi so với toàn bộ cuộc sống của họ, một khi rời khỏi mái trường thì sẽ hoàn toàn dừng ngay việc học. Vì vậy sau khi tốt nghiệp nhiều năm, họ giống như bị đóng băng tại chỗ, không thể nhích về phía trước dù chỉ một chút.
- 04 -
Có một kiểu người rất dễ thiết lập quan hệ và trò chuyện cởi mở với người khác, cho dù với bác tài xế taxi, dì bán rau ngoài chợ hay nhân viên phục vụ của khách sạn hoặc quán cơm. Mà việc thiết lập các mối quan hệ này bắt nguồn từ trí tò mò mạnh mẽ với những người xa lạ. Một số người lại tương đối kém về mặt này, cả đời họ chỉ tương tác với những người mà mình hiểu rõ, thậm chí hầu như không tham dự vào các buổi tiệc làm quen nào, không có sự tò mò mạnh mẽ về “con người”.
Có nhiều lợi ích khi giao tiếp với người lạ, các mối quan hệ hữu ích cho công việc và cuộc sống không bao giờ là thừa. Tôi sớm nhận ra một hiện tượng rất thú vị: những người cài đặt ứng dụng mạng xã hội trong điện thoại thường thân thiện hơn. Bởi vì đây thật sự là một cách sàng lọc, cho thấy rằng người này có nhu cầu giao tiếp với người khác, mà những người như vậy thường không quá nghiêm túc và cứng nhắc.
- 05 -
Mỗi khi ra ngoài ăn, họ luôn gọi những món mà mình đã từng ăn. Tôi nhận thấy nhiều người đã đánh giá thấp tầm quan trọng của thói quen và khẩu vị ăn uống với một mối quan hệ lâu dài. Khẩu vị ăn uống phản ánh ít nhất ba điều: dấu ấn giàu nghèo từ gia đình khi còn nhỏ, khả năng tuân thủ những thói quen đã đặt ra, mức độ sẵn lòng trải nghiệm những sự vật mới. Nội tâm của những người từ trước đến nay đều gọi món mà mình đã từng ăn thường từ chối sự thay đổi, tính cách của họ kiên định nhưng bảo thủ.
- 06 -
Luôn chỉ hoạt động trong bán kính một cây số xung quanh nơi sinh sống. Mất đi mong muốn khám phá thế giới thật sự là một điều rất đáng tiếc, để bản thân mắc kẹt ở một nơi nhỏ bé mà không chịu dịch chuyển, chính việc này làm cách suy nghĩ phiến diện của một người trở nên trầm trọng thêm, dần dà họ càng có xu hướng bảo thủ và cứng đầu.
Chúng ta có thể quan sát những người cao tuổi, có phải những ai đến tuổi già thường ra ngoài tản bộ sẽ trông dễ gần hơn? Những cặp vợ chồng đứng tuổi có sở thích khám phá và du lịch thì mối quan hệ giữa họ với con cái cũng tương đối tốt đẹp hơn.
- 07 -
Thiếu sự quan tâm về ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài. Trên thực tế, có rất nhiều người không những không hiểu biết nhiều về thế giới, mà vốn hiểu biết ít ỏi kia cũng đầy sai lầm và định kiến. Muốn biết một người có trí tò mò mạnh mẽ hay không, hãy xem niềm hứng thú của họ đối với nước ngoài. Một người tràn đầy tò mò về thế giới nhất định sẽ không bị quê hương ràng buộc, họ có thể bước ra khỏi phạm vi tư duy được ảnh hưởng bởi đất nước và nhìn nhận thế giới ở góc độ rộng lớn hơn.
- 08 -
Họ lười động não, vì vậy chỉ có thể chờ người khác suy nghĩ rồi làm theo. Cuộc đời họ nhàm chán rất nhiều so với những người có khả năng liên tưởng mạnh mẽ, có thể nhận ra mối liên quan giữa các sự việc với nhau.
- 09 -
Không nhạy bén, thích ứng chậm với những thay đổi của môi trường xung quanh. Mỗi khi thế giới bắt đầu thịnh hành một sự vật mới nào đó, họ vẫn không hay biết gì. Không có sự tò mò sẽ khiến vốn hiểu biết của bạn ngừng được cập nhật trong một thời gian dài, từ đó bỏ lỡ nhiều cơ hội mà chính bạn cũng không nhận ra.
Trái với họ, những người thích tìm tòi học hỏi đặc biệt nhạy cảm với những thứ mới mẻ và thời thượng, trong khi mọi người vẫn chưa bắt kịp, họ đã biết được xu hướng sắp thay đổi như thế nào. Trong khi một cụ già 70 tuổi bình thường không biết dùng điện thoại thông minh, thì một doanh nhân 70 tuổi có thể nắm vững xu thế phát triển Internet.
- 10 -
Họ quá thận trọng khi thử làm một việc gì đó, luôn tuân theo những quy tắc sẵn có vì lo sợ bản thân sẽ mắc sai lầm. Những người như vậy thường nghe và làm theo người có địa vị hoặc quyền lực cao hơn mình vì mù quáng tin rằng những người (trông) thành đạt luôn đúng.
Còn người ham hiểu biết thường hoài nghi trước những việc mà người khác cho là lẽ thường, chỉ cần xuất hiện các lập luận mới hợp lý và có căn cứ, họ sẽ duy trì một thái độ cởi mở trước mọi thứ, vì vậy cũng khó trở nên mù quáng hơn.